BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lược ghi qua đợt giám sát tình hình kinh tế - xã hội 2011 - 2015:

Còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt

Cập nhật ngày: 28/09/2015 - 03:40

Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hùng Việt phát biểu trong buổi làm việc với UBND tỉnh.

Trong các ngày từ 21-25.9, Thường trực HĐND tỉnh lần lượt làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước ở từng lĩnh vực để giám sát kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm qua. Sau khi làm việc với các sở, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã làm việc với UBND tỉnh xung quanh nội dung trên. Dưới đây là một số thông tin đáng chú ý do phóng viên Báo Tây Ninh ghi nhận qua buổi làm việc với UBND tỉnh.

Trong lĩnh vực kinh tế, theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2011 - 2015, tổng sản phẩm bình quân hằng năm tăng 10,5%, thu nhập bình quân đầu người tại thời điểm hiện nay là 2.630 USD. Giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản hằng năm tăng 5,5%. Đề án tái cơ cấu nông nghiệp bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.

Những thành quả đáng ghi nhận

Theo đánh giá của UBND tỉnh, nông nghiệp trong những năm qua phát triển toàn diện, việc ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hoá trong sản xuất có gia tăng. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản đạt hơn 86 triệu đồng.

Năng suất, chất lượng một số cây trồng được nâng lên từng bước gắn với công nghiệp chế biến. Một số mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, triển khai thực hiện thí điểm mô hình cánh đồng lớn, mô hình liên kết sản xuất VietGAP.

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 17,7% (Nghị quyết của HĐND tỉnh là 20,5% trở lên). Theo đánh giá UBND tỉnh, sản xuất công nghiệp có bước phục hồi sau suy giảm. Một số dự án đầu tư có quy mô lớn, tạo ra giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến được triển khai và đi vào hoạt động.

Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp được rà soát, điều chỉnh bảo đảm tính phù hợp, khắc phục được tình trạng quy hoạch treo, tạo điều kiện ổn định sản xuất và đời sống của người dân. Các khu công nghiệp cơ bản được lấp đầy và thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp của tỉnh phát triển.

Giá trị sản xuất của ngành dịch vụ tăng bình quân hằng năm 9,6% (Nghị quyết HĐND tỉnh 13% trở lên). Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu có nhiều chuyển biến tích cực, thị trường xuất khẩu đã được mở rộng, các mặt hàng xuất khẩu phong phú và đa dạng hơn.

Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm qua đạt hơn 9.300 triệu USD. Hệ thống thương mại được mở rộng, tỉnh quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, tạo điều kiện phát triển kinh tế biên mậu.

Tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển các khu du lịch như Long Điền Sơn, Bàu Cà Na, Ma Thiên Lãnh và xây dựng mới hệ thống cáp treo núi Bà Đen. Số liệu tổng hợp cho thấy doanh thu từ ngành du lịch tăng bình quân hơn 13%/năm.

Trong lĩnh vực văn hoá - xã hội, hoạt động thông tin, truyền thông, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ phát triển ngày càng đa dạng, phong phú phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị; góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân.

Công tác trùng tu, tôn tạo, quản lý và phát huy các giá trị di sản, văn hoá được chú trọng. Giáo dục và đào tạo được nhìn nhận là phát triển khá toàn diện, chất lượng dạy và học được cải thiện. Cơ sở vật chất của ngành Giáo dục ngày càng khang trang, hiện đại hơn.

Đến nay, tỉnh vẫn duy trì và giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Công tác chăm sóc, sức khoẻ cho nhân dân có chuyển biến tích cực. Mạng lưới y tế được củng cố, nâng cấp về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Chương trình an sinh xã hội được triển khai đồng bộ và hiệu quả, hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,59%.

Ở lĩnh vực khoa học, công nghệ và tài nguyên, môi trường, hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ từng bước nâng cao về chất lượng và khả năng ứng dụng.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường được nâng lên. Tỉnh đã hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, chính quy, lập sổ địa chính cho 100% xã. Các cơ quan chức năng đã tăng cường quản lý, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất, rà soát quỹ đất công, đất giao cho các doanh nghiệp, giải quyết những tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất.

Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nội địa và trên tuyến biên giới được giữ vững ổn định. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh, các mô hình tự quản về an ninh trật tự được nhân rộng.

Thực hiện mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, Tây Ninh tập trung vào các lĩnh vực văn hoá-xã hội nhằm nâng cao chất lượng dân số, giảm nghèo, cải thiện môi trường nông thôn, nâng cao chất lượng giáo dục dạy nghề, xây dựng nông thôn mới, phòng chống tội phạm, tệ nạn ma tuý...

Theo đánh giá của UBND tỉnh, nhờ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề và giải quyết việc làm nên tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đã giảm, trong khi tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên (đến năm 2015, tỷ lệ lao động đã được đào tạo đạt 60%).

Ngoài những kết quả, thành tựu đã đạt được, trong 5 năm qua, kinh tế, xã hội của tỉnh cũng còn những hạn chế, tồn tại.

tăng trưởng chưa vững chắc

Trong lĩnh vực kinh tế, có đến 6/9 chỉ tiêu chủ yếu đạt thấp so với nghị quyết. Các chỉ tiêu đạt thấp (thực chất là không đạt) gồm: tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân hằng năm; thu nhập bình quân đầu người; giá trị sản xuất công nghiệp; giá trị sản xuất dịch vụ; thu ngân sách Nhà nước và vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.

Công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cũng có mặt còn hạn chế. Một số loại cây trồng chính như: mía, mì, cao su phát triển chưa đúng định hướng, quy hoạch. Kết cấu hạ tầng nông nhiệp tuy được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ, một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp cho hiệu quả chưa cao.

Một số mô hình trồng rừng thiếu sự tham gia tích cực của người dân. Kết quả kêu gọi, thu hút và triển khai các dự án đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế. Thương mại, dịch vụ và kinh tế, cửa khẩu phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế mà tỉnh có.

Sản phẩm du lịch của Tây Ninh còn đơn điệu, nghèo nàn trong khi công tác xúc tiến thương mại - du lịch lại yếu. Theo đánh giá, doanh nghiệp trong tỉnh thiếu tính bền vững, chưa có doanh nghiệp mạnh trong một số lĩnh vực quan trọng. Về thu hút đầu tư, thời gian qua, tỉnh chưa thu hút được nhiều dự án lớn có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Trong quy hoạch, phát triển đô thị còn những hạn chế: số lượng quy hoạch triển khai nhiều nhưng chưa phát huy tối đa hiệu quả, làm lãng phí nguồn lực Nhà nước. Chất lượng quy hoạch thấp, được thể hiện qua việc các bản quy hoạch phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần và thiếu tính khả thi.

Công tác quy hoạch chưa đánh giá sát tình hình địa phương, nhất là nhu cầu về nguồn vốn đầu tư. Hầu hết các quy hoạch đều đặt ra nhu cầu vốn thực hiện quá lớn trong khi nguồn lực của tỉnh lại có hạn.

Ở lĩnh vực văn hoá - xã hội, khoa học - công nghệ và môi trường, UBND tỉnh cho rằng hạ tầng xã hội chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân.

Lĩnh vực y tế tuy có chuyển biến nhưng chưa toàn diện. Người dân chưa hài lòng, thậm chí còn thể hiện sự bức xúc về chất lượng khám, chữa bệnh- đặc biệt là trong khâu điều trị đối với những người có thẻ bảo hiểm y tế. Ngành Y tế vẫn còn thiếu những bác sĩ chuyên khoa, đa khoa giỏi trong khi thái độ phục vụ của nhân viên y tế vẫn là điều đáng bận tâm.

Thể thao thành tích cao phát triển chưa vững chắc, thiếu định hướng, trong khi thể thao phong trào phát triển chưa đều ở các xã vùng biên giới, vùng xa. Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường có mặt chưa tốt.

Tình trạng lấn chiếm đất công, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, khai thác đất, cát không đúng quy định vẫn còn diễn ra. Kết quả thu được trong đấu tranh phòng chống tham nhũng còn hạn chế, việc tự phát hiện hành vi tham nhũng trong nội bộ chưa nhiều.

Cần giải pháp toàn diện

Phân tích về những nguyên nhân của các hạn chế vừa nêu, UBND tỉnh nhận định, ngoài yếu tố khách quan, cũng có không ít yếu tố chủ quan. Theo đó, khả năng phân tích, dự báo, đánh giá tình hình còn hạn chế.

Một số chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội đạt thấp so với nghị quyết đề ra là do việc đánh giá không sát với thực tế tình hình của địa phương; đồng thời chưa lường trước những khó khăn nảy sinh. Tỉnh còn thiếu những giải pháp đồng bộ, toàn diện, hiệu quả nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Trảng Bàng.

Trong quá trình thảo luận, khi bàn về các chỉ tiêu xuất nhập khẩu, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: nền kinh tế của Việt Nam nói chung, kinh tế Tây Ninh nói riêng không thể không nhập khẩu, vì nhiều thiết bị, phương tiện, linh kiện thuộc dạng công nghệ cao ở trong nước chưa thể sản xuất được thì bắt buộc phải nhập khẩu.

Tham gia ý kiến, một số đại biểu lưu ý ngành Tài nguyên - Môi trường và ngành Y tế về các chỉ tiêu, biện pháp để bảo vệ môi trường. Các thành viên đoàn giám sát nhất trí tỷ lệ: trong giai đoạn 2016 - 2020 có 96% chất thải rắn, chất thải nguy hại được thu gom xử lý.

Về nông nghiệp nông thôn, đại diện ngành chủ quản cho rằng chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới là một thách thức không nhỏ. Trong khi đó, về lĩnh vực lao động việc làm, một đại biểu nhận định, việc ngành chức năng đưa ra chỉ tiêu hằng năm giải quyết 20.000 lao động, 5 năm giới thiệu 100.000 lao động có việc làm là không có cơ sở khoa học.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn bảo vệ những con số ấy; theo vị này tính đến hết quý III, có hơn 96.000 lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp tỉnh nhà. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết: “Trong 5 năm qua, cả nước đã giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, trong số đó có Tây Ninh”.

VIỆT ĐÔNG