BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thu hút đầu tư phát triển Nông nghiệp công nghệ cao:

Còn nhiều khó khăn 

Cập nhật ngày: 27/11/2017 - 07:26

BTN - Nhiều doanh nghiệp cho rằng, rào cản lớn nhất hiện nay chính là các cơ chế chính sách để phát triển doanh nghiệp nông nghiệp. Các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các chính sách cho phù hợp với thực tế để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp nông nghiệp phát triển mạnh hơn.

Thu hoạch mãng cầu tại vườn của ông Chiêu xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện tỉnh ta đang có nhiều nỗ lực kêu gọi đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững với nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư, qua đó, kỳ vọng góp phần tăng nguồn lực cho nông nghiệp, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, có một số chính sách chưa phát huy tác dụng tích cực cho sự phát triển sản xuất, chưa tạo được đòn bẩy để thúc đẩy phát triển, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

DOANH NGHIỆP VÀ NÔNG DÂN còn… “TỰ BƠI”

Ông Huỳnh Biển Chiêu, người sản xuất mãng cầu ta theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 17 ha tại xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh cho biết, ông cố gắng đi theo hướng sản xuất sản phẩm an toàn vì muốn cho người tiêu dùng thấy được những cái lợi từ sản phẩm an toàn, đối với sức khoẻ, nhưng thực tế, mãng cầu ông bán cho thị trường tiêu thụ sản phẩm VietGAP chỉ được khoảng 40%, số còn lại, ông phải đành bán ra thị trường thông thường với giá rất thấp.

Hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Tây Ninh để tìm hiểu cơ hội đầu tư, tìm kiếm thị trường, trong đó, tỉnh đã chấp nhận một dự án đầu tư nhà máy chế biến rau quả 50.000 tấn sản phẩm/năm, và nhà máy sẽ hoàn thành vào năm 2018 với công nghệ và thiết bị hiện đại, tiêu chuẩn châu Âu.

Ngoài ra, ông Chiêu đã áp dụng khoa học vào sản xuất với mong muốn đưa sản phẩm của mình vươn ra thị trường thế giới. Thế nhưng, trong quá trình sản xuất, ông chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ phía Nhà nước- từ vốn liếng đến khâu bảo quản sản phẩm.

Vì vậy, ông kiến nghị, Nhà nước cần đầu tư nghiên cứu và chuyển giao công nghệ bảo quản trái mãng cầu cho nhà vườn, nếu có công nghệ bảo quản, người nông dân sản xuất mãng cầu của Tây Ninh sẽ có điều kiện phát triển bền vững hơn, cả về giá cả và thị trường tiêu thụ.

Ngược lại, nếu không có công nghệ bảo quản, dù người nông dân có sản xuất mãng cầu theo công nghệ an toàn thì khi thu hoạch, mãng cầu vẫn khó tìm được nơi tiêu thụ. Sau khi thu hoạch, mãng cầu được bảo quản từ 10-15 ngày, người nông dân mới có thể phân phối sản phẩm đồng đều cho thị trường trong nước lẫn ngoài nước; việc thực hiện đơn hàng sẽ không bị động và đầy rủi ro như hiện nay.

Theo ông Chiêu, nếu nhà vườn có được công nghệ bảo quản, sẽ có nhiều khách hàng tìm mua mãng cầu VietGAP. Ông cho biết, từ trước đến nay, phần lớn sản phẩm của ông được tiêu thụ ở thị trường Hà Nội. Mối liên hệ đó có được là do khách hàng và ông tự tìm đến với nhau, ngành chức năng của Nhà nước chưa có sự hỗ trợ thiết thực nào đối với ông trong việc phát triển thị trường, tìm kiếm khách hàng.

“Thật ra, nếu muốn giúp, ngành chức năng cũng không biết giúp từ đâu”- ông Chiêu băn khoăn. Theo ông, do đặc thù của loại trái cây này, không phải cán bộ chuyên môn nào cũng am hiểu nhu cầu thị trường của từng địa phương, để có thể phân bổ được sản phẩm mãng cầu. Do đó, trước tiên, người nông dân muốn tồn tại chỉ còn cách tự bơi, tự tìm kiếm thị trường cho sản phẩm mình làm ra.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cho rằng, rào cản lớn nhất hiện nay chính là các cơ chế chính sách để phát triển doanh nghiệp nông nghiệp. Các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các chính sách cho phù hợp với thực tế để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp nông nghiệp phát triển mạnh hơn.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đối với việc hỗ trợ cho các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP (quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp), Quyết định 62/2013/QĐ-TTg (về xây dựng cánh đồng lớn), Quyết định 68/2013/QĐ-TTg (về hỗ trợ lãi suất vay), phần lớn các dự án đầu tư vào nông nghiệp đã đăng ký hỗ trợ vốn lại chưa đủ điều kiện bố trí vốn theo quy định, nên nguồn vốn này phải điều chuyển sang phân khai cho các mục tiêu đầu tư khác. Thời gian qua, Sở chỉ phân khai hỗ trợ được 1 dự án trồng chanh dây ở Tân Châu theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg.

Ông Nguyễn Thế Tân, đại diện Hội Doanh nhân trẻ cho rằng, những vướng mắc về chính sách, quy định pháp luật hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như người nông dân để phát triển nông nghiệp bền vững vẫn còn nhiều. Mặc dù chính sách hỗ trợ của Nhà nước thời gian qua đã được triển khai, nhưng không phải doanh nghiệp và người nông dân nào cũng có thể biết mình có thuộc diện được hỗ trợ theo chính sách hay không. Vì thế, rất ít doanh nghiệp, nông dân tiếp cận được chính sách hỗ trợ để đầu tư phát triển nông nghiệp.

Ông Tân đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cũng như đoàn thể chính trị xã hội của nông dân nên có biện pháp rà soát những doanh nghiệp, nông dân có đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước và hướng dẫn thủ tục, lập đề án phát triển nông nghiệp theo đúng quy định rồi cho tiếp cận ngay. Trong trường hợp các doanh nghiệp và người nông dân chưa đủ điều kiện để hỗ trợ, ngành chức năng và đoàn thể có thể hướng dẫn thêm để cho doanh nghiệp, nông dân hoàn thiện các tiêu chí theo quy định của Nhà nước.

Cũng theo ông Tân, muốn tiếp cận các chính sách hỗ trợ và triển khai các dự án nông nghiệp thì có đến 7 bộ hồ sơ phải nộp cho cơ quan chuyên môn là quá nhiều, không cần thiết. Do đó, nếu được, chỉ cần 1 bộ hồ sơ nộp về cơ quan chuyên môn, chẳng hạn như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rồi có thể gửi e-mail để các cơ quan thẩm định liên quan tham khảo và phê duyệt.

TÍCH CỰC HỖ TRỢ

Ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những giải pháp cơ cấu lại nền nông nghiệp của tỉnh. Bước đầu đã thực hiện được những kết quả nhất định, như chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chuỗi giá trị gia tăng. Các cây trồng có giá trị thấp được người dân chuyển đổi sang các cây có giá trị cao như chuối, cây có múi, dứa, chanh dây... trên 800 ha. Tỉnh cũng đã tập trung xây dựng thực hiện các chính sách khuyến khích để hỗ trợ nông dân cũng như doanh nghiệp tham gia vào cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, để thực hiện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Đồng thời, ngành Nông nghiệp cũng đã triển khai áp dụng các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt đầu tư vào sản phẩm đặc thù của tỉnh. Quy hoạch và phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao, tập trung sắp xếp lại các quỹ đất nông nghiệp sạch để thu hút các doanh nghiệp có năng lực về tài chính, kinh nghiệm và thị trường. 

Hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Tây Ninh để tìm hiểu cơ hội đầu tư, tìm kiếm thị trường, trong đó, tỉnh đã chấp nhận một dự án đầu tư nhà máy chế biến rau quả 50.000 tấn sản phẩm/năm, và nhà máy sẽ hoàn thành vào năm 2018 với công nghệ và thiết bị hiện đại, tiêu chuẩn châu Âu.

Theo ông Võ Đức Trong, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là hướng đi mới. Trong đó yêu cầu các doanh nghiệp phải có nguồn lực mạnh, đặc biệt là tài lực, kinh nghiệm sản xuất, bởi để đầu tư các sản phẩm mới, đòi hỏi nguồn vốn khá lớn, trong khi đó mức độ rủi ro do chuyển đổi cây trồng, thị trường, và công nghệ không hề nhỏ.

Đến nay, phương thức sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún; doanh nghiệp, hợp tác xã chậm phát triển; sản xuất kinh doanh nông nghiệp thiếu liên kết… Muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp phải tìm cách giải được bài toán liên kết với hàng trăm ngàn hộ nông dân nhỏ lẻ trên các diện tích đất canh tác manh mún mới có thể có được vùng sản xuất nguyên liệu bền vững, cũng như có được sản phẩm đồng bộ và chất lượng để hướng tới chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu theo yêu cầu của thị trường. Quá trình này đòi hỏi phải vượt qua được giai đoạn đầu hết sức khó khăn.

Ông Trong cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như nông dân đầu tư- nhất là các doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp chế biến, sản xuất giống, vật tư và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động ở nông thôn. Đồng thời, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển theo nghị quyết, nghị định của Chính phủ; đơn giản hoá thủ tục hành chính và tiết kiệm thời gian, kinh phí từ các thủ tục hành chính; rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết gây phiền hà cho doanh nghiệp và người nông dân; tích cực đẩy mạnh các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, nắm bắt những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thực hiện chính sách, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn và hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

THANH NHI