Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thời gian qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Nhiều người dân nhận đất trồng rừng kiến nghị việc giao đất cho nông dân trồng rừng chưa bảo đảm thu nhập để người dân sống được với nghề trồng rừng.
Lực lượng Kiểm lâm kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng.
Cần có chính sách hỗ trợ cho người được giao đất trồng và bảo vệ rừng
Giao đất, giao rừng là một trong những giải pháp quản lý rừng hiệu quả, bảo đảm việc duy trì, khôi phục độ che phủ rừng và nâng cao năng lực phòng hộ rừng theo quy định của pháp luật, với chủ trương thúc đẩy giải pháp bảo đảm tính “có chủ” của từng diện tích đất lâm nghiệp, góp phần bảo vệ rừng và cải thiện thu nhập của người dân sinh sống bằng nghề trồng rừng.
Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, việc giao đất cho người dân trồng rừng chưa bảo đảm thu nhập cho người dân, do các cây rừng trồng chính như sao, dầu… quá lớn, còn cây trồng phụ để người dân thụ hưởng như cây keo chậm phát triển, làm cho thu nhập của người trồng rừng thấp. Chính vì vậy, nhiều người dân được giao đất trồng rừng mong muốn tỉnh quan tâm hỗ trợ, bảo đảm cho người dân sống được với rừng.
Bà Nhan Thị Phước, ngụ ấp Cây Cầy, xã Tân Hoà (huyện Tân Châu) cho biết, cách đây 28 năm, gia đình bà hợp đồng nhận khoán 4,5 ha đất rừng để trồng cây xà cừ theo mô hình X. Người dân nhận khoán đất rừng sẽ trồng xen canh cây lâu năm khác như cây keo để có thêm nguồn thu. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, tán cây trồng chính đã phủ dày đặc gần hết đất thì người dân không còn đất xen canh những cây trồng khác.
Bà Phước cho biết thêm, mỗi năm người dân nhận khoán trồng, bảo vệ rừng sẽ được nhận các định mức hỗ trợ của Nhà nước gồm 300.000 đồng tiền bảo vệ rừng, 600.000 đồng tiền chống cháy rừng, 150.000 đồng từ dịch vụ chi trả môi trường rừng. Tuy nhiên, người dân phải bỏ thêm gần 1,5 triệu đồng mỗi năm để cày chống cháy; gần 1 triệu đồng thuê nhân công cắt tỉa mầm cây tạo độ thông thoáng cho rừng. Trong khi đó, họ chưa có nguồn thu nào từ rừng.
“Tôi đã hơn 60 tuổi, nếu không còn nguồn thu từ rừng, gia đình tôi chưa biết sẽ làm gì để sinh sống. Ðây cũng là nỗi lo chung của nhiều hộ dân đang nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng”- bà Phước chia sẻ.
Ông Võ Tấn Bình (ngụ xã Tân Hoà) chia sẻ, gia đình ông nhận khoán trồng và bảo vệ rừng với cây xà cừ theo mô hình X. Sau gần 30 năm, tán cây phủ dày đặc, không thể trồng xen canh cây khác. Sau nhiều lần trồng keo bị lỗ vốn, ông quyết định không trồng nữa. Nhưng ông Bình không bỏ rừng, mỗi năm vẫn bù chi phí hơn 10 triệu đồng để cắt tỉa mầm cây và cày chống cháy, góp phần bảo vệ rừng hiệu quả nhất.
Ông Bình chia sẻ, hiện tại, người dân nhận khoán trồng rừng không có nguồn thu ổn định, họ mong muốn tỉnh quan tâm, có chủ trương cắt tỉa tán cây, tạo độ thông thoáng cho rừng để có thể trồng xen cây trồng phụ, có được nguồn thu nhập ổn định từ rừng, từ đó bảo vệ rừng được tốt hơn.
Hiện nay, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh được giao cho các Ban quản lý rừng, UBND các huyện và tổ chức quản lý, bảo vệ; chưa thực hiện giao rừng và đất lâm nghiệp đến từng hộ gia đình, cá nhân. Việc người dân tham gia trồng rừng là thông qua hợp đồng giao khoán giữa các Ban quản lý rừng và hộ gia đình, cá nhân.
Về định mức khoán bảo vệ rừng hiện nay trên địa bàn tỉnh là 300.000 đồng/ha/năm. Trung ương chưa có quy định về mức hỗ trợ phòng cháy và chữa cháy rừng trồng. Tuy nhiên, do đặc thù của tỉnh có trên 50% diện tích rừng nguy cơ cháy cao; 240 km đường biên giới giáp với Campuchia, chủ yếu là rừng đặc dụng, phòng hộ có nguy cơ bị xâm hại, dễ xảy ra cháy rừng, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí phòng, chống cháy rừng trồng bình quân trên 800.000 đồng/ha/năm nhằm hỗ trợ người dân thực hiện các công đoạn phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo đó những diện tích rừng có đủ tiêu chuẩn cung ứng dịch vụ môi trường rừng như: rừng trồng đã thành rừng, rừng tự nhiên đang được bảo vệ… các hộ nhận khoán được chi trả bình quân 200.000 đồng/ha/năm.
UBND tỉnh đã có kiến nghị, đề xuất các bộ, ngành Trung ương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng mức hỗ trợ đầu tư đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhằm tạo động lực cho người dân tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Tuy nhiên, ngày 26.2.2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 1152/BNN-TCLN về thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển rừng năm 2021, vẫn tiếp tục áp dụng các chương trình, chính sách và các dự án hỗ trợ đầu tư của giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 38/2016/QÐ-TTg ngày 14.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng; đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng và giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp; các chính sách hỗ trợ đặc thù của địa phương cho đến khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách mới.
Giao khoán bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn
Theo Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, diện tích rừng phòng hộ trải dài trên 4 xã thuộc huyện Tân Châu và 1 xã thuộc huyện Dương Minh Châu. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đơn vị còn gặp một số khó khăn, vướng mắc về việc tổ chức giao khoán diện tích bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh.
Năm 2020, tổng diện tích giao khoán bảo vệ rừng đối với rừng tự nhiên là 16.473,6 ha, đơn vị đã lập hồ sơ giao khoán cho 11 nhóm hộ nhận khoán bảo vệ gồm 60 hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng; đối với rừng trồng, tổng diện tích 6.711,8 ha được giao khoán trực tiếp cho hộ nhận khoán hợp đồng trồng rừng tự quản lý bảo vệ.
Tuy nhiên, công tác khoán bảo vệ rừng hiện thực hiện theo cơ chế hợp đồng giao nhận khoán giữa Ban quản lý và người nhận khoán; hợp đồng là sự thoả thuận giữa 2 bên nên chủ yếu dựa vào năng lực và cam kết về hiệu quả giữ rừng, không ràng buộc về tiêu chuẩn, trình độ người nhận khoán.
Ðại diện Ban Quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết, thời gian qua, mặc dù đã có những tiến bộ, song tình hình vi phạm các quy định của Nhà nước trong quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vẫn còn diễn ra khá phức tạp, với nhiều hình thức tinh vi; các đối tượng vi phạm ngày càng manh động, cho người canh đường, theo dõi hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng, phá rừng bằng nhiều hình thức như: lấn dần, chiếm dần, khoanh gốc, đốt lửa và bơm thuốc làm cho cây rừng chết dần; thời gian hoạt động chủ yếu vào sáng sớm hoặc chiều tối, kể cả ban đêm nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Nhiều trường hợp không bắt được đối tượng phá rừng, khai thác rừng trái phép nên khó khăn trong công tác lập hồ sơ xử lý. Mặt khác, do địa bàn rộng, địa hình chia cắt, người dân sống ven rừng, nhất là khu vực ven sông Sài Gòn thường xuyên vào rừng trộm cắp lâm sản, phá rừng làm rẫy...
Các Ðội quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở cơ sở tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng do khối lượng công việc chuyên môn nhiều, thời gian tập trung cho công tác tuần tra bảo vệ rừng chưa bảo đảm, chủ yếu là dựa vào lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đối với lực lượng bảo vệ rừng chưa được quan tâm đúng mức, thu nhập chưa bảo đảm cuộc sống ổn định lâu dài cho người tham gia giữ rừng.
Trong thời gian tới, để công tác bảo vệ rừng trên địa bàn được ổn định và giữ vững, ngoài nỗ lực của lực lượng Kiểm lâm, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng liên quan; cần điều chỉnh, bổ sung quy định hạn mức nhận khoán cho cá nhân, tổ chức, hộ gia đình phù hợp theo vùng miền, tạo sự thông thoáng cho người dân, tổ chức tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
Nhi Trần