Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thực hiện chính sách hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19:
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Chủ nhật: 21:26 ngày 07/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Việc Chính phủ ban hành gói chính sách hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg cho 8 nhóm đối tượng bỉ ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhận được nhiều sự quan tâm, phấn khởi trong nhân dân.

Để đảm bảo chọn đúng đối tượng, đúng chính sách, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiến hành giám sát việc thực hiện tại 3 thị xã, thành phố và 18 xã, phường, thị trấn.

Không có nhiều doanh nghiệp đảm bảo quy định để hưởng chính sách hỗ trợ

Ban Thường trực UB.MTTQVN tỉnh chủ trì giám sát UBND thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành và thị xã Trảng Bàng về việc hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động. Tham gia đoàn giám sát có ông Lương Hoài Nhân- Phó Trưởng Ban Công tác phía Nam, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và đại diện một số cơ quan cấp tỉnh như Liên đoàn lao động, Sở Lao động-Thương binh và xã hội, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Theo đó, công tác triển khai chính sách vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động được UBND thị xã, thành phố quan tâm thực hiện dưới các hình thức như: triển khai đến thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 cấp huyện, ban hành văn bản đến UBND cấp xã và doanh nghiệp trên địa bàn, đăng tải Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg trên Cổng Thông tin điện tử của cơ quan, thông tin rộng rãi qua hệ thống truyền thanh từ thành phố, thị xã đến xã, phường, thị trấn. Việc rà soát, hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ vay vốn để trả lương cho người lao động được UBND cấp huyện thực hiện đảm bảo theo điều kiện, hồ sơ, thủ tục quy định.

Đoàn giám sát UBND xã Phước Vinh, huyện Châu Thành.

Tuy nhiên, hầu hết UBND thị xã, thành phố được chọn khảo sát ít phát sinh nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, chỉ có 4 doanh nghiệp ở khu vực thành phố Tây Ninh có nhu cầu nhưng không đảm bảo quy định. Theo đánh giá của UBND thành phố Tây Ninh, qua thẩm định, các công ty không đủ điều kiện để vay, lý do công ty không có báo cáo tài chính năm 2019 và quý I, hoặc không đảm bảo có 20% lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không chứng minh được đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngưng việc làm từ ngày 1.4 đến 30.6.2020.

Lãnh đạo UBND thị xã Trảng Bàng và Hòa Thành cho biết, có một số doanh nghiệp đến liên hệ nhưng khi được hướng dẫn thủ tục, họ đã không làm hồ sơ đăng ký. Nguyên do doanh nghiệp không đảm bảo các thủ tục theo quy định và nếu được vay với lãi suất 0% cũng chỉ được 3 tháng; việc chi trả tiền vay, doanh nghiệp phải cung cấp tài khoản thẻ để ngân hàng chính sách chuyển vào thẻ cá nhân…

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong xét chọn đối tượng

Từ ngày 27-29.5, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tổ chức các đoàn giám sát UBND 18 xã về việc lập danh sách và chi trả chính sách thuộc trách nhiệm của UBND cấp xã đối với 4 nhóm đối tượng (hộ kinh doanh cá thể; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; người lao động bị mất việc làm và hộ nghèo, hộ cận nghèo).

Để có sự phối hợp giữa các cơ quan, hội, đoàn thể trong công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP và chi trả chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do Covid-19, ngay khi có chỉ đạo, hướng dẫn của UBND cấp tỉnh, huyện và Sở LĐTB&XH, trên cơ sở Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19, UBND các xã bổ sung một số thành phần như cán bộ LĐTB&XH xã, trưởng ấp, khu phố, trưởng Ban Công tác Mặt trận để thành lập Ban Chỉ đạo việc rà soát, lập danh sách đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ tương ứng với từng nhóm đối tượng.

Việc lập danh sách và chi trả chính sách hỗ trợ đối với các nhóm đối tượng như hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015, đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 và người có công với cách mạng tiến hành thuận lợi, nhanh chóng, do danh sách đối tượng có sẵn, việc niêm yết công khai không phát sinh khiếu nại, tố cáo, thực hiện chi trả một lần, tạo thuận lợi cho người thụ hưởng.

Tuy nhiên, qua giám sát cũng phát hiện một số thiếu sót ở cơ sở được đoàn yêu cầu xem xét, điều chỉnh, đảm bảo đúng người đúng chính sách, không bỏ sót đối tượng (1 trường hợp ở xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu chi trùng chính sách; 1 trường hợp người dân ở xã Phước Vinh, huyện Châu Thành trả lại chính sách).

Bên cạnh đó, UBND các xã cũng tiến hành việc rà soát để hỗ trợ doanh nghiệp có kê khai thu thuế dưới 100 triệu đồng/năm trên địa bàn xã. Mặc dù UBND cấp xã có triển khai đến các hộ kinh doanh tiếp nhận hồ sơ nhưng chỉ có một số ít xã có doanh nghiệp đủ điều kiện nhận hỗ trợ (xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu có 83 hộ kinh doanh thu thuế dưới 100 triệu, trong đó 8 hộ đủ tiêu chí, điều kiện hưởng chính sách; xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng có 1 hộ kinh doanh dịch vụ massage).

Đa phần các doanh nghiệp có đơn xét nhưng không đủ điều kiện lập danh sách đề nghị hỗ trợ do một số nguyên nhân như không chứng minh đăng ký kê khai thuế, doanh thu trên mức quy định. Có một số trường hợp, đơn cử UBND xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng nhận 5 hồ sơ của 5 doanh nghiệp, qua rà soát phát hiện có 2 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động kinh doanh từ năm 2014, 2 doanh nghiệp không đăng ký thuế, còn lại 1 doanh nghiệp doanh thu thuế trên 100 triệu đồng; xã Phước Vinh, huyện Châu Thành có 46 hộ kinh doanh nhưng không đủ điều kiện; xã An Cơ, huyện Châu Thành không có doanh nghiệp thu thuế dưới 100 triệu đồng.

Đối với việc lập danh sách nhóm đối tượng thứ 4 (người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không giao kết hợp đồng bị mất việc làm), qua trao đổi, đa số các xã đều có khó khăn, vướng mắc, thể hiện các nguyên nhân: Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đa phần là người có thời gian lao động ngắn, làm việc từ sau tết Nguyên đán 2020 đến khi nghỉ dịch (khoảng 1-3 tháng), chưa tham gia bảo hiểm xã hội, hoặc đã tham gia bảo hiểm xã hội nhưng doanh nghiệp khó khăn về tài chính nên chưa chốt sổ cho người lao động (UBND xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng nhận 22 hồ sơ, nhưng đa phần thiếu bản sao sổ bảo hiểm xã hội). Do đó, dù bị giảm thu nhập nhưng đa số hồ sơ nộp đều không đủ điều kiện để lập danh sách.

Về vấn đề xác định việc làm phi nông nghiệp của nhóm đối tượng thứ 4, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định cụ thể lĩnh vực phi nông nghiệp là một trong những công việc sau: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, do chưa có sự thống nhất trong cách hiểu nên việc rà soát, lập danh sách đối tượng của UBND các xã còn khác nhau, có nơi hiểu công việc theo nhóm (như bán cà phê, bán quán ăn, bán căn tin trường học vào nhóm lĩnh vực ăn uống), có nơi hiểu và chỉ áp dụng đối với ngành nghề được quy định trong Quyết định số 15 (bán cà phê, cắt tóc,.. không quy định nên xã không xét đến).

Về phương pháp và cách xác định thu nhập của nhóm đối tượng thứ 4, theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, thu nhập phải dưới chuẩn cận nghèo theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg. Tuy nhiên, địa phương còn lúng túng cách tính, vì một người trong gia đình mất việc làm nhưng vẫn còn những lao động khác, hoặc có nguồn thu nhập khác (từ hoạt động nông nghiệp, buôn bán, làm thuê).

Xã An Bình (Châu Thành) cấp tiền hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Có nơi xét điều kiện tính trên thu nhập của hộ gia đình, có nơi chỉ xét đến thu nhập của cá nhân (cắt tóc thì chỉ tính đến thu nhập bị ngừng do cắt tóc, không tính đến thu nhập, việc làm khác ngoài việc cắt tóc). Do đó, số đối tượng được rà soát không đồng bộ. Điển hình, trường hợp UBND xã An Cơ, huyện Châu Thành rà soát 39 người làm nghề cắt tóc, chỉ có 8/39 người thu nhập dưới mức chuẩn cận nghèo nhưng lại đưa toàn bộ 39 người vào danh sách do sợ "bỏ sót đối tượng"; UBND xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng rà soát có 43 người bán hàng rong, qua thẩm định, lập danh sách 22/43 người đủ điều kiện; UBND xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng có 15 người bán hàng rong, qua rà soát, họp xét, thẩm định cho 2/15 đối tượng.

Qua giám sát, các đoàn đánh giá cao những nỗ lực của UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, tích cực triển khai tiến hành rà soát lập danh sách ngay khi có Nghị quyết và kế hoạch của UBND tỉnh. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách được quan tâm thực hiện qua các kênh, các phương tiện thông tin, triển khai đến các nhóm đối tượng.

Đoàn cũng ghi nhận một số nội dung đề xuất, kiến nghị của UBND cấp xã về việc cần tổ chức tập huấn, triển khai thực hiện chính sách đồng bộ cho UBND các xã, phường, thị trấn việc lập danh sách đối tượng mất việc làm, giảm sâu thu nhập đối với những ngành nghề khác nhau (đối tượng nhóm 4). Cần có sự thẩm định và hướng dẫn cụ thể, thống nhất của cơ quan chức năng (Sở LĐTB&XH) đối với nhóm đối tượng này, tránh tình trạng do mỗi địa phương có cách hiểu khác nhau dẫn đến việc lập danh sách đối tượng khác nhau (không đúng đối tượng hoặc bỏ sót đối tượng). Kiến nghị tỉnh xem xét, có chính sách hỗ trợ hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh theo Quyết định số 31/2017/QĐ-UBND.

Thời gian tới, từ 10.6-12.6, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, cấp xã.

Nguyễn Phượng

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục