Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Nông nghiệp Tây Ninh:
Còn nhiều thách thức trước tiến trình hội nhập quốc tế
Thứ hai: 08:38 ngày 04/01/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đánh giá, hiện nay, nông nghiệp Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức, mà thách thức đầu tiên chính là nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế “còn rất mơ hồ”. Có thể thấy rằng, trong các văn bản, phương tiện thông tin đều nói đến hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng hội nhập như thế nào, hội nhập ra sao, gồm những nội dung gì, trách nhiệm thuộc về ai thì vẫn chưa rõ.

Ứng dụng cơ giới hoá trên cánh đồng mía (máy thu hoạch mía).

Vừa qua, UBND tỉnh đã phối hợp với Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo “Hội nhập và quản trị nông nghiệp: Vấn đề và thách thức” với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan, các nhà khoa học, nhà chuyên môn. Qua đó đã làm nổi bật lên những vấn đề về cơ hội cũng như thách thức của nền nông nghiệp Việt Nam nói chung, của Tây Ninh nói riêng trước tiến trình hội nhập quốc tế.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2015, nông nghiệp chiếm khoảng 28% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, với diện tích sản xuất nông nghiệp là 269.250 ha- chiếm 66,7% so với diện tích tự nhiên; diện tích gieo trồng hằng năm đạt khoảng 370.000 ha; số hộ sản xuất nông nghiệp gần 120.000 hộ- chiếm 50% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh. Trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ngành trồng trọt chiếm 80% giá trị, chăn nuôi chiếm 13% giá trị ngành. Các nông sản chính hiện nay của Tây Ninh gồm lúa, mì, mía, rau quả với tổng diện tích 262.000 ha; cao su, cây ăn trái là 115.000 ha...

Khi Việt Nam tham gia các Hiệp định kinh tế thế giới- nhất là gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (có hiệu lực từ ngày 1.1.2016), và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cùng cả nước, nông nghiệp Tây Ninh đứng trước rất nhiều cơ hội để phát triển, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cần phải vượt qua.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đánh giá, hiện nay, nông nghiệp Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức, mà thách thức đầu tiên chính là nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế “còn rất mơ hồ”. Có thể thấy rằng, trong các văn bản, phương tiện thông tin đều nói đến hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng hội nhập như thế nào, hội nhập ra sao, gồm những nội dung gì, trách nhiệm thuộc về ai thì vẫn chưa rõ. Từ đó, nhiều tổ chức, cá nhân- đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, vẫn chưa xem mình là một thực thể tham gia vào tiến trình này.

Thách thức thứ hai được ông Nguyễn Thanh Ngọc đề cập đến là nguồn nhân lực. Theo ông, nguồn nhân lực nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng hiện nay còn bất cập và yếu kém- cả về đội ngũ quản lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ chuyên môn và người trực tiếp tạo ra sản phẩm nông nghiệp là nông dân. Theo số liệu từ các nhà chuyên môn cung cấp, hiện nay có đến 80% người lao động chưa được đào tạo một cách bài bản, do đó khó có thể tiếp thu được quá trình hội nhập cũng như kiến thức, các công nghệ, ứng dụng.

Bên cạnh đó, năng lực sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay còn hạn chế, trình độ sản xuất vẫn còn lạc hậu so với yêu cầu đòi hỏi. Trên địa bàn tỉnh hiện nay, việc ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hoá còn ít, mới chỉ có một số điển hình. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, các sản phẩm nông nghiệp vẫn còn sản xuất theo cảm tính và thói quen của người dân. Song song đó, việc thông tin trong định hướng phát triển nông nghiệp lại chưa có nơi cung cấp chính thống, đầy đủ và toàn diện. Từ đó, người dân sản xuất không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp còn yếu và chưa được quan tâm đúng mức. Đơn cử như về vấn đề xuất khẩu gạo, tuy Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất, nhưng giá trị lại không phải cao nhất. Trong khi đó, Campuchia là nước đi sau, nhưng lại có những sản phẩm gạo có giá trị xuất khẩu cao hơn do xây dựng được thương hiệu.

Ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để đáp ứng kịp tiến trình hội nhập quốc tế, tỉnh đã và đang tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo 3 hướng. Đối với sản phẩm đang có lợi thế là khoai mì, cao su, lúa gạo, sẽ tiếp tục ứng dụng giống mới, kỹ thuật thâm canh- nhất là áp dụng mô hình tưới tiết kiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ giới hoá... để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đối với sản phẩm có lợi thế tiềm năng là một số loại rau quả thì sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, tìm kiếm thị trường trong nước và xuất khẩu; đầu tư chế biến sâu gắn với xây dựng vùng nguyên liệu hướng tới thị trường xuất khẩu. Với nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh kém là mía đường, chăn nuôi, trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch sát với thực tế; xây dựng chính sách đặc thù, đề án, dự án cho từng sản phẩm để hỗ trợ phát triển trong những giai đoạn nhất định.

Riêng lĩnh vực chăn nuôi, theo ông Trong, ngành sẽ tập trung chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao- nhất là trong chăn nuôi bò sữa, heo, gia cầm; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, gắn với xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, hạn chế ô nhiễm môi trường; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả.

“Xác định được những thời cơ, vận hội mới và nhận diện một cách rõ hơn về những thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế là cơ sở để có những giải pháp khắc phục cụ thể. Bên cạnh đó, vai trò của cơ chế hỗ trợ, cơ chế chính sách cũng rất quan trọng- nhất là khuyến khích nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, sản xuất tập trung. Đặc biệt, cơ chế phải xuất phát từ thực trạng của nền nông nghiệp để có thể định hướng cho phù hợp, nếu thoát ly thực tế thì cơ chế chính sách dù có nhưng chưa chắc người dân có thể thụ hưởng được và địa phương thực hiện cũng rất khó khăn”. Ông Nguyễn Thanh Ngọc nhận định.

TRÚC LY

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục