BAOTAYNINH.VN trên Google News

Còn nhiều trạm y tế không có máy tính để làm việc

Cập nhật ngày: 17/01/2011 - 10:47

Mặc dù đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế tuyến xã từ mấy năm nay, song hiện tại, Trạm Y tế xã Hảo Đước (huyện Châu Thành) vẫn chưa có máy tính để phục vụ công tác quản lý.

Ông Lê Thành Học, Phó trưởng trạm cho biết, tháng nào cán bộ trạm cũng phải làm đủ mọi loại báo cáo: báo cáo hoạt động hằng tháng, báo cáo cho họp giao ban ở bệnh viện, báo cáo công tác quản lý dược, báo cáo kết quả tiêm chủng (mỗi khi có đợt)… Tất cả đều phải viết tay. Mỗi khi cần có bản báo cáo có tính chất quan trọng, cán bộ trạm phải viết trước bản thảo, sau đó mới đem ra dịch vụ vi tính để thuê người đánh máy toàn bộ văn bản. “Coi vậy chứ cũng tốn tiền lắm, vì tiền công đánh máy từ 3.000 - 4.000 đồng/trang- ông Học nói.

Không có máy tính, việc lưu giữ hồ sơ rất bất tiện. Mỗi khi cần tham khảo văn bản cũ lại phải hì hục lục kiếm rồi mới lò dò viết lại, chép lại kể cả các loại báo cáo định kỳ cũng thế. Do phải làm thủ công nên vừa tốn thời gian lại vừa mệt.

Vì chưa có máy tính nên tất cả các khâu liên quan đến giấy tờ, sổ sách, tính toán, ông Học đều cần mẫn viết bằng tay

Trong các cuộc họp giao ban hằng tháng, cán bộ trạm đã nhiều lần nêu tình hình khó khăn ấy với cấp trên, tuy nhiên lần nào cũng chỉ được “ghi nhận” mà chưa biết khi nào trạm mới được trang bị máy. Ông Học cũng từng đề xuất với UBND xã Hảo Đước xem xét việc trang bị máy tính cho trạm xá nhưng câu trả lời là “Xã mới tách nên còn thiếu kinh phí, chưa thể trang bị được”.

Cũng tình trạng tương tự, Trạm Y tế xã An Cơ mặc dù có cơ sở vật chất khá khang trang nhưng cho đến nay vẫn chưa có máy tính để làm việc. So với hai xã Hảo Đước và An Cơ thì Trạm Y tế xã An Bình “may mắn” hơn khi được trang bị một bộ máy tính và có cả một máy in do một mạnh thường quân của xã tặng cho.

Ở huyện Tân Biên, việc ứng dụng công nghệ thông tin ở y tế tuyến xã có vẻ như thuận lợi hơn Châu Thành. Theo bác sĩ Hồ Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Tân Biên: đến thời điểm này, tất cả các trạm y tế ở Tân Biên đều đã có máy tính để phục vụ cho công tác quản lý. Có nhiều xã đã được trang bị từ lâu nhưng cũng có xã mới có chưa lâu lắm. Có nơi máy tính đã cũ kỹ, phải sửa chữa nhiều lần.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu trạm y tế tuyến xã có trang bị máy tính để phục vụ cho công tác? Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch của Sở Y tế Tây Ninh cho biết: Về con số chính xác thì Sở chưa nắm được, vì việc này đã được phân cấp cho uỷ ban nhân dân các huyện, thị. Hiện tại, ngành y tế chưa có một dự án hay kế hoạch nào về việc trang bị máy vi tính cho y tế tuyến xã. Cũng cần lưu ý rằng, máy tính là thiết bị văn phòng chứ không phải thiết bị y tế. Theo ông Tùng, việc cung cấp, trang bị máy tính cho y tế tuyến xã là rất cần thiết, tuy nhiên, khó nhất vẫn là vấn đề kinh phí.

Tìm hiểu thêm, được biết nhiều trạm y tế sắm được máy tính chủ yếu là do “tự thân vận động”. Có đơn vị tự tiết kiệm để mua, có đơn vị được các nhà hảo tâm trợ giúp… chứ không phải nguồn ngân sách. Rõ ràng, việc trang bị máy tính cho y tế tuyến xã là rất cần thiết. Hiện nay trong toàn tỉnh có 95 trạm y tế xã. Nếu mỗi trạm được trang bị một máy thì cả tỉnh cần có 95 máy. Giá cả của một bộ máy tính “thường thường bậc trung” vừa đủ để phục vụ công việc ở trạm không phải là quá đắt, chỉ khoảng 5-7 triệu đồng nhưng vì sao không thể giải quyết?

Đồng ý rằng máy tính không phải là thiết bị y tế nhưng nó là phương tiện phục vụ rất đắc lực cho công tác chuyên môn và quản lý của trạm, trong đó có việc gì mà không liên quan đến lợi ích của người dân? Ngày 7.2.2002, Bộ Y tế ban hành Quyết định số  370/2002/QĐ- quy định tiêu chí về “Chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001 - 2010”. Trong phần quy định về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, không thấy đề cập việc trang bị máy tính cho y tế tuyến xã. Có lẽ vì vậy mà việc trang bị máy tính cho y tế tuyến xã chưa được chú trọng chăng?

VIỆT ĐÔNG