Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh có những nội dung tuy không cần nhiều vốn đầu tư nhưng yêu cầu đạt chuẩn cao (y tế, môi trường, bình đẳng giới), một số địa phương chưa chủ động triển khai thực hiện. Vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2018 chậm phân khai, do phải chờ các văn bản quy định cơ chế thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh ban hành.
Nhu cầu người dân đến giao dịch tại Bưu điện văn hoá xã như thế này không còn nhiều. Trong ảnh, nhân viên giao dịch phục vụ khách hàng ở BÐVH xã Hoà Hội, huyện Châu Thành.
Những năm qua, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Trong đợt công tác và làm việc với tỉnh Tây Ninh vào ngày 21.8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm sáng tạo, công khai dân chủ, phát huy đa dạng nguồn lực xã hội đã tạo chuyển biến tích cực, nhất là các xã biên giới Tây Ninh có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên”. Tuy nhiên, để đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều địa phương còn gặp không ít khó khăn.
Nỗi lo tiêu chí bưu điện
Bưu điện văn hoá xã (BÐVHX) là một trong những nội dung trong tiêu chí số 8 về xây dựng NTM. Thực tế, ở một số địa phương, BÐVHX bị xuống cấp làm ảnh hưởng đến quá trình xây dựng NTM. Trong những ngày mưa tháng 9 này, trước sân BÐVHX Long Phước (huyện Bến Cầu) sình lầy nước đọng, muốn vào phải men theo hàng rào, nhón đi từng bước mới đỡ bị dính sình.
Trong khuôn viên này có hai trụ sở, gồm BÐVHX và điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, sử dụng chung một cổng ra vào. Hàng rào và cổng đã gỉ sét. Ðã vậy, cổng rào nằm lệch hẳn bên phía điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, nên nhìn từ ngoài vào cứ ngỡ chỉ có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông mở cổng hoạt động, còn BÐVHX đã ngưng giao dịch.
Bước vào bên trong BÐVHX còn thất vọng hơn, mái nhà bị dột, cơn mưa đêm trước làm nước chảy xuống nền nhà lênh láng, nhân viên Bưu điện phải lau chùi, tẩy rửa và bật quạt cho mau khô mới đón khách được. Vách tường phía bên phải và vách tường phía sau bị nước mưa chảy xuống, ẩm ướt lâu ngày đóng rêu xanh, nghe mùi ẩm mốc xộc lên rất khó chịu.
Chị Ðặng Thị Tuyết Hồng- 33 tuổi, nhân viên duy nhất ở đây cho biết: “Em đã kiến nghị lên cấp trên cho sửa chữa lại trụ sở. Giám đốc Bưu điện tỉnh đã đến khảo sát, nhưng chỉ đồng ý cho mở thêm cổng rào ngay giữa lối vào Bưu điện, còn việc đầu tư nâng cấp chưa thực hiện được, vì phải ưu tiên cho bưu điện ở những thị trấn”.
BÐVHX Thạnh Bắc (huyện Tân Biên) cũng trong tình trạng tương tự. Con đường đường dẫn vào Bưu điện sình lầy đến nỗi phải mua một xe tải đá dăm đổ xuống mới đi bộ vào được. Toà nhà có hai tầng. Tầng trệt thuộc BÐVHX. Tầng trên là trụ sở của ngành Viễn thông.
Cở sở vật chất xây dựng hàng chục năm trước, đến nay đã xuống cấp, tường vàng úa, nhiều nơi bong tróc lớp sơn bê bên ngoài. Hai năm gần đây, Bưu điện còn có thêm chức năng làm dịch vụ trả lương cho các đối tượng chính sách, bán nhiều loại bảo hiểm, bày bán các loại hàng hoá…v.v… Mặc dù vậy, hoạt động của Bưu điện cũng chẳng khởi sắc bao nhiêu.
Bà Trần Thị Phương, 53 tuổi- nhân viên ở đây cho biết: “Mỗi ngày chỉ có vài người đến giao dịch. Tủ sách, báo hầu như chẳng có ai đến đọc. Bưu điện chỉ có một nhân viên phụ trách nên hằng ngày chỉ trực tại Bưu điện đến 15 giờ, sau đó phải đóng cửa để đi nhận, phát thư, bưu phẩm cho người dân, cơ quan trong toàn xã”.
So với hai bưu điện kể trên, BÐVHX xã Trí Bình (huyện Châu Thành) ít hoạt động hơn. Trước đó, chúng tôi đã hai lần đến đây tìm hiểu thực tế và đều không thấy nhân viên nào trực. Ngoài sân cỏ mọc xanh rì. Bên hàng rào, cây hoang cỏ dại “thò” vào hàng ba. Bên trên còn treo bảng “Khai trương BÐVHX xã Trí Bình, ngày 1.6.2017”.
Cửa khoá im lìm. Trên cửa gắn bảng quảng cáo “Bán thẻ nạp ÐT các mạng”. Ghé mắt nhìn vào bên trong, thấy trên bàn có trưng bày một số bịch xà bông, bột giặt. Không gặp được nhân viên Bưu điện, chúng tôi tìm ông Lưu Xuân Ðạt- Phó Chủ tịch UBND xã Trí Bình để tìm hiểu về hoạt động của BÐVHX.
Ông Ðạt cho biết: “Mấy ngày nay mưa nên ngưng hay sao đó, chứ mấy lần trước, tôi đi ngang vẫn thấy bày bán hàng hoá, nhưng hoạt động cầm chừng chứ bây giờ ai cũng có điện thoại hết rồi, cần gì thì gọi điện, nhắn tin hoặc lên mạng tìm hiểu thông tin, chứ ít ai đến bưu điện giao dịch”.
Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm, những năm trước, có thời điểm bưu điện này ngưng hoạt động, ngành Bưu điện tính giải thể, UBND xã làm văn bản xin giao trụ sở này lại cho xã quản lý, nhưng hai năm nay, ngành Bưu điện vực dậy bằng cách cho nhân viên bán thêm hàng hoá, bảo hiểm và làm dịch vụ giấy tờ.
BÐVHX xã Trí Bình thường xuyên khoá cửa im lìm.
Trao đổi với chúng tôi về tình hình chung của ngành Bưu điện trong toàn tỉnh, ông Trần Quốc Hùng- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, đơn vị quản lý ngành Bưu điện chia sẻ, Tây Ninh hiện có 72/80 điểm BÐVHX đang hoạt động.
Trong đó có 18 BÐVHX đã triển khai đa dạng hoá hoạt động bằng cách cung ứng thêm các dịch vụ mới, như chi trả lương hưu, chi trả bảo hiểm nhân thọ, tiếp nhận, chuyển phát, cấp đổi hồ sơ giấy phép lái xe, trả passport, giấy chứng minh nhân dân…v.v…
Trong số 18 điểm BÐVHX nêu trên, có 9 đơn vị còn có thêm chức năng tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hành chính công trực tiếp cho người dân. Các BÐVHX còn lại đang trong giai đoạn kiện toàn, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá các loại hình dịch vụ.
Theo ông Hùng, những năm gần đây, hoạt động của các điểm BÐVHX có đổi mới nhưng chưa đạt đến kỳ vọng của lãnh đạo ngành. Tiến độ khôi phục lại hoạt động của BÐVHX còn chậm (còn 8 điểm BÐVHX đóng cửa). Thu nhập từ lương của nhân viên BÐVHX còn thấp nên chưa thu hút được nguồn nhân lực.
Trình độ của nhân viên BÐVHX thấp nên việc tiếp nhận những dịch vụ mới còn nhiều hạn chế, do vậy, chưa thu hút được đông đảo khách hàng. Một số BÐVHX xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa. Mặt bằng xập xệ như thế làm ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng khi đến giao dịch.
Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết thêm, ngành Bưu điện đã đưa ra một số giải pháp để vực dậy hoạt động BÐVHX, như tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ; kết hợp dịch vụ công ích với thương mại; phát triển thêm nhiều dịch vụ mới; đào tạo kỹ năng nghiệp vụ cần thiết cho nhân viên; tuyển dụng nhân lực mới để thay thế những nhân viên không đáp ứng yêu cầu; khôi phục các điểm bưu điện đang tạm ngưng hoạt động; sửa chữa, nâng cấp những BÐVHX đã xuống cấp; tăng cường công tác truyền thông về những dịch vụ mới cũng như các chính sách về bưu chính công ích của Chính phủ đến với người dân và cơ quan Nhà nước v.v…
“Phải thực hiện đồng bộ những giải pháp trên mới mong cải thiện được tình hình. Việc các BÐVHX “sống lại” sẽ góp phần vào sự nghiệp xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn sắp tới”- ông Hùng, nói.
Và nhiều nỗi lo khác
Ông Nguyễn Văn Nhành, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn- Sở NN&PTNT cho biết, ngoài những khó khăn về BÐVHX, trong quá trình xây dựng NTM, hiện nay tỉnh ta còn gặp nhiều hạn chế khác.
Nhận thức về cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh có nâng lên, tuy nhiên việc triển khai, vận động nhân dân thực hiện một số nội dung của cuộc vận động còn nhiều khó khăn ở cấp cơ sở. Công tác tuyên truyền chưa thực sự đi vào chiều sâu; nhiều địa phương có những mô hình hay, cách làm sáng tạo nhưng chưa được chú trọng để tổng kết, nhân rộng.
Tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ năm 2018 còn chậm, như: Việc điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới chỉ mới hoàn thành ở 35/80 xã do sự phối hợp giữa các ngành chuyên môn không thường xuyên, cán bộ cấp huyện, xã thiếu chuyên môn về quy hoạch.
Tiến độ thẩm định không đúng theo kế hoạch (hoàn thành trong tháng 4.2018). Các sở, ngành phụ trách tiêu chí đã có văn bản xác nhận đạt tiêu chí ở các xã trong tháng 3.2018, tuy nhiên, còn lại các tiêu chí, chỉ tiêu (thuỷ lợi, tổ chức sản xuất, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm) ở các xã phải rà soát, bổ sung số liệu, hồ sơ nhiều lần (nhất là xã Thái Bình và xã Thanh Phước), đơn vị phụ trách tiêu chí tiếp tục thẩm tra hồ sơ dẫn đến công tác thẩm định kéo dài.
Nguyên nhân chủ yếu do chưa có sự chỉ đạo quyết liệt, phối hợp, đôn đốc giữa cấp tỉnh và huyện, bao gồm cả đơn vị phụ trách tiêu chí và trách nhiệm của cơ quan thường trực chương trình.
Thiếu cơ chế, chính sách riêng, đặc thù cho XDNTM (ngoại trừ cơ chế phân bổ vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội xã nông thôn mới theo Quyết định số 34/2016/QÐ-UBND; cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 theo Nghị định số 161/2016/NÐ-CP), nhất là về phát triển sản xuất, hỗ trợ (vật tư) trong xây dựng cơ sở hạ tầng.
Từ đó, thiếu giải pháp trong huy động nguồn lực trong dân, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM, việc đầu tư chủ yếu vẫn là ngân sách Nhà nước.
Ðầu tư, nâng cấp đường giao thông thôn- một trong những tiêu chí khó, vì đòi hỏi kinh phí cao.
Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh có những nội dung tuy không cần nhiều vốn đầu tư nhưng yêu cầu đạt chuẩn cao (y tế, môi trường, bình đẳng giới), một số địa phương chưa chủ động triển khai thực hiện. Vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2018 chậm phân khai, do phải chờ các văn bản quy định cơ chế thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh ban hành.
Các chương trình kinh tế - xã hội lồng ghép với chương trình xoá đói giảm nghèo chưa được thực hiện thường xuyên, vốn cho vay và việc trang bị kiến thức phát triển kinh tế cho đối tượng vay vốn chưa được tiến hành đồng bộ. Các lớp đào tạo nghề lao động nông thôn chưa thu hút được nhiều hộ nghèo tham gia.
Hiện nay, số lượng người mắc bệnh hiểm nghèo cần được hỗ trợ ngày càng nhiều nhưng quỹ hỗ trợ còn hạn chế, chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước, chưa có thêm nguồn hỗ trợ từ tổ chức, cá nhân hay nguồn tài chính hợp pháp khác.
Việc kiện toàn Văn phòng điều phối cấp tỉnh, huyện theo Quyết định 1920/QÐ-TTg ngày 5.10.2016 của Thủ tướng Chính phủ đến nay chưa hoàn thành, nên những tồn tại, bất cập trong công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành các chương trình MTQG ở các cấp vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Ðại Dương