Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuẩn bị bước vào năm học mới:

Còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách

Cập nhật ngày: 25/08/2016 - 05:11

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc trao cờ thi đua cho các tập thể có thành tích xuất sắc.

95/95 xã đạt chuẩn phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi

Thực hiện Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30.9.2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, đến nay, cấp tiểu học có 110 trường, THCS có 18 trường tổ chức dạy chương trình bắt buộc 4 tiết/tuần. Riêng cấp THPT có 6 trường dạy học theo chương trình Tiếng Anh 10 năm của Bộ Giáo dục- Đào tạo (Bộ GD - ĐT).

Hiện nay, ngành đang tham mưu UBND tỉnh ban hành 2 đề án hỗ trợ giáo dục mầm non tại các vùng nông thôn khó khăn, khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020.

Toàn tỉnh hiện có 132 trường đạt chuẩn quốc gia (mầm non, tiểu học, THCS và THPT).

Năm học 2015-2016, có 12.295 học sinh được hưởng các chính sách  miễn, giảm học phí và hỗ trợ kinh phí học tập tương đương số tiền hơn 3,6 tỷ đồng. Tỷ lệ học sinh tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 96,19%.

Thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, năm 2015, toàn tỉnh có 95/95 xã đạt chuẩn phổ cập trẻ 5 tuổi, duy trì 9/9 huyện đạt chuẩn này.

Ở cấp tiểu học, toàn tỉnh huy động được 20.275 trẻ 6 tuổi ra lớp 1, đạt tỷ lệ 99,99% (năm học trước đạt 99,99%). Ở cấp học này, loại hình lớp học 2 buổi/ngày được tiếp tục mở rộng với 247 trường tiểu học, trong đó 150 trường đã tổ chức 100% lớp học 2 buổi/ngày trong phạm vi toàn trường. Cuối năm học, toàn tỉnh có 22 trường tham gia dạy học theo mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN).

Hiện nay, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Giáo dục và Đào tạo đang đề nghị cấp trên công nhận các danh hiệu thi đua và khen thưởng các tập thể, cá nhân gồm: 3 Huân chương Lao động hạng Ba, 2 Huân chương Lao động hạng Nhì, 4 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 23 bằng khen của Bộ Giáo dục - Đào tạo, 1 cờ dẫn đầu phong trào thi đua của Thủ tướng Chính phủ và 6 cờ dẫn đầu phong trào thi đua của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Về đội ngũ giảng dạy bộ môn Tiếng Anh ở cấp học THCS và THPT,  Sở GD-ĐT đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng trình độ ngoại ngữ lên B1 cho 82 giáo viên, nâng lên B2 cho144 giáo viên, chọn cử 15 giáo viên tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ tại Singapore; đồng thời bồi dưỡng 300 giáo viên các cấp về phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 65/167 giáo viên cấp THPT đạt chuẩn C1, 205/391 giáo viên cấp THCS đạt chuẩn B2 theo khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu.

Năm học 2015-2016, Tây Ninh có 6 dự án (2 dự án cấp THPT và 4 dự án cấp THCS) tham dự Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Kết quả: đạt 2 giải đặc biệt, 1 giải Nhì và 3 giải Khuyến khích. Ở kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, năm học vừa qua Tây Ninh đạt 10 giải gồm 1 giải Nhì, 4 giải Ba và 5 giải Khuyến khích.

Về xã hội hoá giáo dục và đào tạo, theo đánh giá của lãnh đạo Sở GD-ĐT: công tác này đã có bước chuyển mới, chính quyền địa phương các cấp có sự quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Nhiều xã đã thành lập Hội Khuyến học, tạo phong trào toàn dân chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, công tác xã hội hoá giáo dục cũng còn gặp không ít khó khăn; sự kết hợp giữa các ngành trong việc cùng nhau chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo còn chưa chặt chẽ. Tỷ lệ trường học, giáo viên và học sinh ngoài công lập còn thấp.

Về công tác khuyến học, khuyến tài, năm 2015, các cấp Hội Khuyến học đã vận động được hơn 53 tỷ đồng, trao gần 60.000 suất học bổng cho học sinh các cấp học. 6 tháng đầu năm 2016, các cấp Hội Khuyến học cũng đã vận động được hơn 21 tỷ đồng, xây tặng 3 căn nhà cho giáo viên, học sinh có khó khăn về nhà ở.

Phân luồng sau THCS chưa đạt yêu cầu

Năm học 2015 - 2016, ngành Giáo dục vẫn phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tỷ lệ huy động trẻ dưới 5 tuổi trong tỉnh còn thấp so với khu vực và cả nước. Tây Ninh còn thiếu phòng học để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ dưới 5 tuổi của đông đảo người dân. Việc tổ chức loại hình lớp học 2 buổi/ngày tuy có tăng nhưng vẫn còn 15 trường tiểu học chưa thực hiện được (do thiếu phòng học hoặc thiếu giáo viên). Tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học mặc dù có tăng song ở một số xã vùng sâu, biên giới, tỷ lệ này vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh.

Công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT đã có nhiều chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao. Các trường chuyên nghiệp còn gặp khó trong khâu tuyển sinh. Tiến độ thực hiện kế hoạch xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh còn chậm, công tác tuyên truyền về xã hội học tập, học tập suốt đời chưa hiệu quả do kinh phí cấp cho công tác này còn thấp. Kinh phí xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo hướng lồng ghép đạt chuẩn nông thôn mới khá lớn, do đó tiến độ còn chậm. Cơ sở vật chất trang thiết bị cho các TTGDTX để thực hiện mô hình trung tâm 3 chức năng còn thiếu và không đồng bộ so với chức năng nhiệm vụ quy định.

Học sinh lớp 12 trong kỳ thi THPT quốc gia.

Lãnh đạo ngành GD-ĐT cho rằng, nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng không đạt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra về xây dựng phòng học cho trẻ mầm non là do thiếu nguồn tài chính thực hiện. Tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học một số xã vùng sâu, biên giới vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, ngoài nguyên nhân số lượng học sinh lưu ban cao, còn có nguyên nhân do một bộ phận học sinh từ nơi khác theo gia đình di cư về sinh sống tại các nông, lâm trường; bên cạnh đó còn có số học sinh là con em đồng bào từ Campuchia trở về.

Việc học hành của nhóm đối tượng này thường thiếu ổn định. Công tác phân luồng, hướng nghiệp sau THCS còn gặp nhiều khó khăn; nhiều học sinh và phụ huynh các em có suy nghĩ: học nghề ra chỉ có thể làm lao động phổ thông, không có điều kiện tiến thân và cũng khó tìm việc khi ra trường. Chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng còn thấp nên chưa hấp dẫn được người học. Có rất ít nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo chịu đến Tây Ninh mở các loại hình ngoài công lập; các chỉ tiêu xã hội hoá chưa đạt yêu cầu- nhất là chỉ tiêu về số học sinh ngoài công lập.

Năm học 2016 - 2017, ngành GD-ĐT dự kiến sẽ tham mưu UBND tỉnh thực hiện 2 đề án về phát triển giáo dục mầm non đã được Thường vụ Tỉnh uỷ đồng ý cho chủ trương thực hiện. Ngành tập trung kiểm tra công tác quản lý bán trú tại các trường công lập; kiểm tra việc tổ chức hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Đối với giáo dục tiểu học: đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, toàn tỉnh phấn đấu có 80% học sinh được học 2 buổi/ngày. Lãnh đạo ngành khẳng định sẽ rà soát những bất cập về chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục để có kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành Trung ương điều chỉnh cho phù hợp.

Không nên tập trung giáo viên giỏi vào một số trường

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2015 - 2016, ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh biểu dương, ghi nhận những thành tích của ngành GD-ĐT; đồng thời cũng biểu dương một số trường học ở vùng sâu vùng xa đã tạo được sự chuyển biến về chất lượng dạy và học. Ông cũng lưu ý một số mặt yếu kém, hạn chế kéo dài trong nhiều năm qua của ngành. Ví dụ một số chỉ tiêu trong ngành đạt thấp, trong đó có việc huy động trẻ dưới 5 tuổi ra lớp mầm non.

Vị Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo ngành Giáo dục tìm ra nguyên nhân để có hướng giải quyết vấn đề. Liên quan đến vấn đề chất lượng dạy và học, ông cho rằng không nên tập trung giáo viên giỏi vào một số trường mà cần phải “cân bằng” giữa các trường ở khu vực nông thôn và thành thị. Về chất lượng đào tạo nghề, theo ông, trường nghề không thể cứ dạy theo lối mòn mãi, vì công nghệ liên tục thay đổi, do vậy, đòi hỏi của doanh nghiệp đối với người lao động ngày càng cao; cần phải coi trọng việc học đi đôi với hành. Về huy động nguồn lực xã hội hoá, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị cần minh bạch hoá, việc vận động và sử dụng nguồn lực này phải đúng mục đích.

Đ.V.T

Tổng kết năm học 2015-2016, Bộ GD-ĐT công nhận Tây Ninh hoàn thành và vượt mức 18/18 chỉ tiêu thi đua năm học, trong đó có 7 chỉ tiêu được khen thưởng, gồm: Giáo dục tiểu học, khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin, công tác học sinh, sinh viên, nhiệm vụ quân sự quốc phòng, giáo dục quốc phòng và an ninh, công tác văn phòng, công tác thi đua, khen thưởng.