BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cơn sốt mang tên ‘tắc kè”

Cập nhật ngày: 22/12/2010 - 10:59

Cách đây khoảng một tháng, có anh bạn ghé nhà chơi. Tình cờ, nghe con tắc kè trên trần nhà ngứa miệng xổ một tràng, đột nhiên anh bạn đổi sắc mặt: “Nhà có tắc kè hả, lớn không”. Rồi anh bạn bảo tôi đưa vào nhà… xem tắc kè. “Con này cũng trộng, nhưng chưa đủ “chuẩn”, chỉ chừng trên triệu đồng thôi. Nếu nặng từ 300 gam trở lên thì “khẳm” tiền. Nhà còn con nào nữa không?”. Thấy anh bạn có vẻ săn đón thái quá mấy chú tắc kè, tôi bật cười: “Tắc kè chứ vàng hay mà ông phấn khích quá vậy?”. Anh bạn thì thầm ra vẻ quan trọng: “Ừ, vàng thiệt đó cha nội”.

Rồi anh kể tôi nghe, dạo này, có rất nhiều người bủa đi săn bắt, lùng mua tắc kè để… xuất khẩu sang Singapore, Malaysia và Trung Quốc. Bất kể tắc kè lớn nhỏ họ đều mua với giá từ vài chục ngàn đồng đến… vài chục triệu đồng/con (!?). Thấy tôi có vẻ nghi ngờ, anh này đâm bực mình: “Ông cứ kiếm cho tôi tắc kè cỡ từ 300 gam trở lên đi, tôi dắt mối mua cho ông với giá không dưới 50 triệu đồng/con”.

Tưởng có mình anh bạn tôi bị tắc kè “ám”, không ngờ vài hôm sau đi dự tiệc giỗ nhà người quen, trong lúc “chén chú chén anh”, tôi lại được nghe bàn tán xôn xao về “cơn sốt tắc kè”. Một người đàn ông trung niên kể với vẻ tức tối: Nhà ông bà già tui có con tắc kè to lắm. Có thằng bạn của thằng Út đến chơi, nó mua 800.000 đồng. Thằng Út mừng húm, bán ngay! Hôm sau, thằng Út đi uống cà phê, nghe tụi bạn nói “Thằng Nam mua con tắc kè của mày giá 800.000 đồng, chiều nó bán lại cho lái 6 triệu đồng!”, thằng Út lùng bùng lỗ tai, nóng lỗ mũi, tiếc hùi hụi. Thằng Út điện cho thằng Nam, chửi là bạn xấu, hai thằng giận nghỉ chơi luôn. Không ngờ, vài hôm nữa, có người vô xóm tôi tìm mua tắc kè, rao giá con nặng từ 300 gam trở lên có giá hai chục triệu đồng. Tôi nghe mà xanh mặt! Trời, con tắc kè nhà ông bà già tôi cũng cỡ đó chứ chẳng chơi! Phải thằng Út không hấp tấp bán thì đã có hai chục triệu đồng rồi… Nghe xong, một người khác quay sang người ngồi cạnh tôi nói nhỏ: “Thằng chả xạo, con tắc kè nhà chả nhỏ hơn cán liềm, lấy đâu mà cân được 300 gam, bán được tám trăm là phước rồi!”.

Một anh bạn ở xã Hoà Hội, huyện Châu Thành cho biết, do tắc kè ở Tây Ninh không nhiều nên gần đây một số người đã sang bên kia biên giới Campuchia lùng mua rồi mang lậu theo đường tắt vào nội địa, mang đi TP.HCM tiêu thụ. Anh này nghe đồn là cái giá hai chục triệu đồng/con tắc kè nặng từ 300 gam đến 350 gam là “còn thấp” do bị “ém giá”. “Giá thật” cao hơn nhiều, khoảng trên dưới 80 triệu đồng/con. Còn nếu xuất sang Singapore hoặc Malaysia, mỗi con như thế có giá vài trăm triệu đồng (!?).

Nghe tôi hỏi về tắc kè, chủ một quán nhậu “đặc sản” chuyên bán các món “độc” như côn trùng, bò sát… ở Thị xã xổ một tràng: Rồi, lại tắc kè! Mỗi ngày có cả chục khách vô đây hỏi tắc kè và dặn tui đặt mua giùm, mắc cũng mua, tắc kè càng lớn càng tốt. Tôi dặn mấy mối lái chuyên bỏ hàng cho quán tôi cả nửa tháng nay nhưng họ chỉ mang đến vài con nhỏ hơn ngón chân cái người lớn, nặng không đầy 200 gam nhưng “hét” giá mấy triệu đồng. Nhà tôi có đứa cháu bị hen suyễn, nghe nói thịt tắc kè trị được bệnh này, định mua một con về nấu cho đứa nhỏ ăn mà mắc quá nên thôi. Chú có vài chục triệu, muốn mua tắc kè “đủ chuẩn” cũng không có đâu mà mua.

Vì sao bỗng dưng lại “sốt” tắc kè một cách khó hiểu như thế? Tôi tìm hỏi thì được một số người… thì thầm: “Tắc kè trị được… bệnh sida và nhiều bệnh khác, bởi vậy mới quý”. Nghe đồn thổi giá tắc kè cao “trên trời” như thế nhưng tôi bỏ công tìm hiểu cả tháng nay vẫn chưa thấy ai mua hoặc bán được con tắc kè nặng từ 300 gam trở lên. Tôi tìm gặp một số người “khoe” có mối bán tắc kè “đủ chuẩn” với giá cao để xin số điện thoại của người mua thì họ đều bảo “không có số”. Ngoài việc lùng mua ở các thôn xóm, nhiều người còn rao “mua tắc kè giá cao” trên mạng internet như trang web vatgia.com: “Chúng tôi cần mua một số loại tắc kè phục vụ nghiên cứu dược phẩm chữa bệnh, các loại tắc kè chỉ từ 320g trở lên (mua giá cao) ai có xin liên hệ SĐT:016986803…, văn phòng đại diện số 400/163 đường…, quận Gò Vấp, TP.HCM”; agriviet.com…

Rượu ngâm tắc kè

Tôi gặp một số cụ già ở vùng quê Châu Thành (nơi hiện vẫn còn khá nhiều tắc kè) để tìm hiểu xem con tắc kè “to cỡ bao nhiêu”. Các cụ đều cho rằng, chưa có ai thấy con tắc kè to cỡ 300 gam như những người lùng mua đưa ra “chuẩn”, bởi con lớn nhất mà các cụ từng thấy cũng chỉ lớn hơn đầu ngón chân cái người lớn một chút. Tắc kè mà lớn cỡ trên 300 gam thì khó mà tìm. Phải chăng, do biết chắc khó mà tìm được tắc kè “đủ chuẩn” nên “ai đó” đã cố tình tung tin đồn thổi tạo sự chú ý của dư luận, tạo nên cơn sốt ảo. Sau đó, chính những kẻ tung tin này lại đưa tắc kè “đủ chuẩn” ra bán với giá “trên trời”, khiến một số người sập bẫy, mua tắc kè giá cao nhưng không bán lại được?

Ngoài nguy cơ bị lừa đảo, tắc kè còn có nguy cơ bị tuyệt diệt sau cơn “sốt” tắc kè hiện nay. Trong khi tắc kè là loài cần được bảo vệ, có tên trong danh mục sách đỏ động vật Việt Nam với tên khoa học là Gekko gecko.

HOÀNG THI