Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
"Còn sức khoẻ là còn cống hiến sức lực cho Đảng, cho quê hương"
Thứ bảy: 09:21 ngày 10/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - 87 năm tuổi đời, 55 tuổi Đảng, ông Lê Xuân Phán, sinh năm 1934 (tên thường gọi Ba Phán), đảng viên sinh hoạt tại khu phố 2, thị trấn Tân Biên (huyện Tân Biên), quê Thọ Xuân, Thanh Hoá. Ông kể, từ nhỏ, ông đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng.

Dù lớn tuổi nhưng ông Phán vẫn tự tay chăm sóc vườn, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt cho bà con.

Vào đầu năm 1953, cả nước dồn lương thực, đạn dược và sức người cho chiến dịch Điện Biên, thanh niên trong xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân đều xung phong tham gia chiến dịch, lúc đó, ông là dân quân tự vệ của xã được vinh dự chọn tham gia chiến dịch với nhiệm vụ dân công hoả tuyến, tiếp đạn, tải gạo cho bộ đội.

"Những người cùng thế hệ tham gia dân công hoả tuyến với tôi, bây giờ hầu như đã khuất bóng. Thế hệ chúng tôi, ai cũng xem đó là niềm tự hào của một thời son trẻ, được góp chút sức lực nhỏ bé của mình vào chiến thắng lừng lẫy của dân tộc”- ông Phán bộc bạch.

Sau khi chiến dịch Điện Biên giành thắng lợi, ông trở về công tác ở địa phương; đến năm 1965, ông tiếp tục nhập ngũ, sau 3 tháng quân trường, ông được biên chế vào Trung đoàn 165, Sư 312. Năm 1966, ông Phán được tăng cường vào miền Nam, tham gia bảo vệ R (nay là Trung ương cục Miền Nam)- đây cũng là thời điểm ông được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Sau khi đất nước giải phóng, ông Phán đảm nhận nhiều vị trí công tác khác nhau, đến năm 1990, ông nghỉ hưu.

Kể lại chuyện xưa, ông Phán cười nói: “Được đứng vào hàng ngũ của Đảng là vinh dự lắm, dẫu biết phía trước là trọng trách nặng nề, đòi hỏi mỗi đảng viên phải không ngừng rèn luyện, phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng mà Đảng và Bác Hồ đã chọn”. 

Ông luôn dành sự tôn trọng và yêu thương cho người vợ của mình.

87 tuổi đời, sức khoẻ yếu dần, nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn, mỗi ngày, ông đạp xe đi khắp các ngõ xóm, nắm tình hình, biết gia đình nào khó khăn, vất vả là giúp đỡ ngay. Ông sử dụng tất cả tiền lương hưu của mình để làm công tác xã hội, hoạt động từ thiện ở địa phương.

Từ năm 2015 đến năm 2020, ông Phán đã giúp đỡ bà con và đồng đội gần 200 cây giống các loại trị giá trên 10 triệu đồng; mua 3 thẻ bảo hiểm y tế trị giá trên 2,2 triệu đồng hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; giúp hộ nghèo được 10,5 triệu đồng; mua tập tặng học sinh nghèo trị giá 2,5 triệu đồng. Gần đây, ông đóng góp và đứng ra vận động nhân dân cùng ủng hộ 25 triệu giúp đỡ các trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.

Một trong những việc làm được ông Phán duy trì thực hiện trong nhiều năm qua chính là việc đi khắp nơi xin xe đạp cũ, đem về sửa chữa, tặng cho học sinh nghèo, hiếu học. Ông kể, ngày đó, có người bảo ông “khùng”, già rồi còn lo chuyện bao đồng.

Mặc cho người đời nói gì, ông quyết tâm thực hiện cho bằng được quyết định của mình. Lâu dần, việc xin xe đạp cũ ngày càng thuận lợi, nhiều người tin vào hành động ý nghĩa này nên chung tay đóng góp. Cảm động trước tấm lòng của ông, có người thợ sửa xe không lấy tiền công, một bà cụ tốt bụng đem xe đạp đến tận nhà để tặng. 

Ba Phán đi khắp nơi xin xe đạp cũ, đem về sửa chữa, tặng cho học sinh nghèo.

Nhờ đó, hơn 15 chiếc xe đạp cũ, được sửa chữa lại như mới, trao tận tay những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bà Đỗ Thị Mười, ngụ tổ 9, khu phố 2 cho biết: “Hoàn cảnh gia đình tôi quá khó khăn, một mình nuôi 3 người, trong đó có hai cháu còn đi học. Nhờ ông ba Phán giúp đỡ, tôi và cháu được tặng thẻ bảo hiểm y tế và xe đạp, gia đình tôi thật biết ơn ông”.

Ông Nguyễn Khắc Hoà- nguyên Bí thư chi bộ khu phố 2 cho biết, “Ông Ba Phán dù tuổi cao vẫn thường xuyên tham gia sinh hoạt chi bộ, chưa bao giờ xin miễn sinh hoạt. Chi bộ thấy ông tuổi cao nên không giao việc, nhưng ông lại xin được giao nhiệm vụ, muốn góp phần xây dựng chi bộ khu dân cư ngày càng vững mạnh. Biết ông từng làm công tác quản huấn, Chi bộ phân công tham gia tổ hoà giải của khu phố”.

Khi nhận nhiệm vụ, ông thường xuyên xuống địa bàn, nắm khá rõ những đối tượng hay rượu chè, đánh đập vợ, con gây mất an ninh trật tự. Khi được người dân báo tin, ông đến can thiệp ngay dù ban ngày hay ban đêm. Cách đây vài năm, một số hộ có con em trong độ tuổi thanh niên không có việc làm, thường tụ tập, đánh nhau hạoc vợ chồng trẻ bất đồng quan điểm dẫn đến mâu thuẫn… 

Ông kiên trì khuyên giải, giúp họ thay đổi, sống hoà thuận, có trách nhiệm. Nhiều người dân trong khu phố kể lại, có vụ tranh chấp đất giữa hai anh em trong một gia đình kéo dài hơn 17 năm không giải quyết được. Sau một thời gian tìm hiểu vụ việc, ông Phán mời hai bên ra nói chuyện, giải quyết có tình, có lý, cuối cùng sự việc được giải quyết thoả đáng.

Là đảng viên lão thành, có uy tín trong khu dân cư, ông Phán tuyên truyền, giáo dục để con cháu và nhân dân luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; không nghe theo sự xúi giục, kích động của phần tử xấu. 

Mảnh vườn nhỏ, gọn gàng do chính tay ông chăm sóc.

Chủ tịch Hội CCB thị trấn Tân Biên Lê Huy Dụ cho biết, ông Phán là “cây cao, bóng cả” trong gia đình và xã hội. Dù lớn tuổi, ông vẫn tự tay chăm sóc vườn, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt cho hội viên hội cựu chiến binh, giúp đỡ mọi người vươn lên thoát nghèo.

Khi địa phương có việc nhờ là ông giúp ngay, không nề hà bất cứ điều gì. Ông thường nói với thế hệ chúng tôi rằng, được tham gia xây dựng Đảng, chính quyền là niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm cao cả của bản thân. Còn sức khoẻ là còn cống hiến sức lực cho Đảng, cho quê hương”.

Phương Thảo - Hà Quang

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục