Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hỏi: Con trai tôi 4 tuổi, bị nổi mề đay cả tháng nay. Bác sĩ cho biết bé bị dị ứng do cơ địa và cho uống Chlopheniramin. Sau khi lặn mề đay, trên cơ thể bé để lại các vết bầm tím giống như bị va đập. Tôi rất lo, mong bác sĩ tư vấn thêm.
Nguyễn Thị V. (Trường Hoà, Hoà Thành)
Ðáp: Khi bị dị ứng (nổi mề đay), cơ thể tiết ra các chất trung gian hoá học như histamin, bradykinin…
Các chất trung gian hoá học này sẽ gây giãn mạch, đặc biệt các mao mạch dưới da gây phù nề và ngứa.
Nổi mề đay mẩn ngứa trên da có thể là do: không hợp với một loại thức ăn nào đó hoặc trong sữa mẹ có lẫn thành phần dị ứng.
Các mẹ cần nhớ lại đã ăn món gì mà loại bỏ chúng ra khỏi thực đơn. Trẻ bị dị ứng thời tiết, phát ban, nổi mẩn đỏ mỗi khi trời trở lạnh.
Do di truyền từ người thân (cần xác định ba mẹ hay trong họ hàng thân thuộc có ai bị bệnh này không).
Do trẻ em tiếp xúc với vật có chứa chất gây dị ứng va quẹt vào da. Nên quan sát những vật dụng bé hay tiếp xúc như đồ chơi, thú nhồi bông, xe đẩy…
Trẻ em bị côn trùng chích, cắn. Hầu hết những động vật nhỏ trong nhà sẽ gây nên những nốt sưng phù ở vết cắn, nhưng bé nào có làn da mẫn cảm hoặc nọc độc côn trùng khá mạnh thì hoàn toàn có thể bị nổi mề đay, dị ứng da.
Khi trẻ nổi mề đay, cần loại bỏ hoàn toàn tác nhân gây hại cho con. Nếu đã xác định được trẻ bị nổi mề đay do thức ăn thì phải kích thích gây nôn để loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể.
Nếu do va quẹt thì phải loại bỏ vật dụng đó (lúc đưa con đi khám cần mang vật đó theo để bác sĩ có thể xác định thành phần gây dị ứng).
Cần tránh cho bé ăn những thức ăn như sữa đặc có đường, trứng tươi, bơ sữa, hải sản…
Bên cạnh đó, cần hạn chế lượng muối trong thức ăn của trẻ. Phải giữ sạch cơ thể của trẻ để tránh bị viêm nhiễm trên da nặng thêm do vi khuẩn.
Trong khi tắm, mẹ chỉ nên rưới nước, thoa nhẹ lên chỗ bị tổn thương, tránh xát mạnh tay. Lưu ý khi tắm rửa cho trẻ cần dùng nước ấm pha ở nhiệt độ vừa ấm, nước nóng sẽ gây khô toác da.
Nên mua xà bông chuyên dùng cho bệnh mề đay để sử dụng, các loại bình thường có tính sát khuẩn quá cao, không phù hợp với làn da bị nổi mẩn, sưng vù vì mề đay.
Mẹ cần cắt ngắn móng tay cho con để hạn chế tình trạng móng tay cào lên da khiến da bị xước. Mẹo nhỏ cho các mẹ là đeo bọc tay cho con để hạn chế tình trạng này.
Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết, cần thêm khoáng chất và vitamin với mục đích nâng cao đề kháng ở trẻ. Có như vậy trẻ mới đủ sức để đẩy lùi triệu chứng mề đay, mẩn ngứa.
Những trẻ bị nổi mề đay, sau đó khi mề đay hết để lại vết bầm tím như con trai của bạn có thể là kết quả của hiện tượng giãn mạch, cộng với bản chất thành mạch yếu gây xuất huyết dưới da.
Tuy nhiên, cũng có thể do ngứa mà cháu gãi nhiều, gây xây xát da, nên da có sự thay đổi màu sắc giống như vết bầm tím mà không phải xuất huyết.
Với tình trạng của con chị như trên, hiện tại nên dùng thuốc chống dị ứng (Chlorpheniramin hoặc Certirizine), vitamin C, tẩy giun cho cháu, chế độ ăn uống hợp vệ sinh.
Ðồng thời bạn nên quan sát kỹ xem nguyên nhân gây dị ứng ở cháu là gì? Dị ứng sau ăn một loại thức ăn nào đó, sau khi chơi với chó mèo, bị lạnh, hay một lý do gì khác, để có biện pháp dự phòng.
Thông thường, với những biện pháp sơ cứu và chữa bệnh ở trên trẻ sẽ giảm nhanh các triệu chứng dị ứng, nổi mề đay.
BS LÊ TRUNG NGÂN