Cách bãi biển Đông Châu khoảng 7 km về hướng Đông - Nam, Cồn Vành được xem là một điểm có nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển thành một khu du lịch sinh thái lý tưởng và hấp dẫn.
Cách bãi biển Đông Châu khoảng 7 km về hướng Đông - Nam, Cồn Vành được xem là một điểm có nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển thành một khu du lịch sinh thái lý tưởng và hấp dẫn. Đây là bãi sa bồi rộng gần 2 nghìn hecta, với địa hình tương đối bằng phẳng, nằm ở phía đông xã Nam Phú (huyện Tiền Hải), phía Bắc giáp Cồn Thủ, phía Nam giáp cửa Ba Lạt (cửa sông Hồng), phía Đông giáp Biển Đông.
Cồn Vành thuộc khu vực dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng (đã được UNESCO công nhận vào tháng 12 năm 2004), nằm trong hệ thống liên hoàn các khu rừng ngập mặn ven biển trải dài từ Ninh Bình- Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Nơi đây có hệ sinh thái rừng ngập mặn khá phong phú với nhiều loài thực vật như sú, vẹt, bần, thông, trên 200 loài hải sản có giá trị và nhiều loài chim quý hiếm.
Hiện trạng Cồn Vành còn hoang sơ, tự nhiên, chưa có cư dân sinh sống, chỉ có một số dân xã Nam Phú và các xã lân cận đến đây để nuôi trồng thủy hải sản và làm dịch vụ nhỏ lẻ. Mạng lưới giao thông đường bộ gồm đê PAM và đường mới thi công, cắt ngang qua Cồn Vành nối từ đê PAM chạy thẳng ra biển, dài khoảng 3,1 km. Ngoài giao thông đường biển, trong nội địa Cồn Vành hiện có các sông, gồm: sông Hồng Lấp, sông Đào và sông Cau. Do ở vị trí cửa sông Hồng nên cũng rất thuận tiện về giao thông đường sông.
Nhận thức rõ lợi thế và tiềm năng du lịch của Cồn Vành, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo nhằm khai thác, phát triển du lịch ở nơi đây, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Năm 2008, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái Cồn Vành. Theo đó Cồn Vành sẽ được quy hoạch thành các khu, gồm: Khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao và trung bình, được bố trí ven biển kết hợp với bãi tắm, có bể bơi; Khu vui chơi giải trí tập trung bao gồm điểm tổ chức đua thuyền, du ngoạn, thể thao và các loại hình giải trí đa dạng khác; Khu nhà ở phục vụ du lịch được bố trí ở phía tây đê PAM; Khu thể thao sân gôn (golf); Khu du lịch văn hoá tổng hợp được bố trí ở phía Đông- Nam; Khu rừng ngập mặn; Khu cây xanh được bố trí xen lẫn các khu chức năng, gắn với sông biển tạo ra vùng sinh thái đặc trưng. Cùng với việc phê duyệt quy hoạch, tỉnh sẽ ban hành cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư nhằm khai thác, phát triển du lịch nơi đây.
Với sự ưu đãi của thiên nhiên và sự quy hoạch, đầu tư xây dựng, khai thác khoa học, hợp lý của con người, trong một tương lai không xa, Cồn Vành sẽ trở thành một khu du lịch sinh thái có tầm cỡ, hấp dẫn, phát triển bền vững, hài hoà và hiệu quả. Cùng với Khu du lịch Đồng Châu, các điểm du lịch lễ hội, như: Di tích Chùa Keo, Di tích Nhà Trần, Đền Đồng Bằng, Đền Tiên La, Làng vườn Bách Thuận, Làng nghề thêu Minh Lãng, chạm bạc Đồng Xâm, Cồn Vành, Cồn Thủ, Cồn Đen sẽ là những mắt xích quan trọng trong hệ thống các tour, tuyến du lịch của Thái Bình, đồng thời kết nối với các tour du lịch liên tỉnh và quốc tế.
K.D (st)