Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lâm tặc hoành hành rừng phòng hộ Dầu Tiếng:
Con voi chui lọt lỗ kim
Thứ bảy: 07:08 ngày 11/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong những năm qua, rừng phòng hộ Dầu Tiếng thường xuyên bị lâm tặc hoành hành, tàn phá. Ðiều đáng nói là hành vi trộm cây rừng ngày càng diễn ra theo chiều hướng công khai: cắt gỗ bằng cưa máy, vận chuyển gỗ bằng máy cày, cưa hạ cây khá gần chốt và đội bảo vệ rừng.

Cây xà cừ có đường kính hơn 1m tại tiểu khu 58 bị lâm tặc “hạ thủ” bằng cưa máy và máy cày.

RỪNG QUỐC DOANH BỊ BỨC TỬ

Trước đó, Báo Tây Ninh đã có lần đăng bài phản ánh tình trạng lâm tặc lộng hành tàn phá rừng tự nhiên thuộc tiểu khu 59 (tổ 19, ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu) và một khu rừng trồng, thường gọi là “rừng quốc doanh” nằm trên địa bàn tổ 13 cùng ấp. Theo sự chỉ điểm của một số người dân, ngày 7.11, phóng viên đã vào rừng và ghi nhận được nhiều cảnh cây rừng hàng chục năm tuổi bị tàn sát đến mức báo động.

Khu rừng quốc doanh có diện tích hơn 60 ha, rừng trồng hai loại cây chính là tràm bông vàng và dầu từ trước thập niên 1990. Rừng nằm cách con đường lớn (nối liền giữa Bưng Bàng và bến Cửu Long) ước chừng vài trăm mét, tứ cận khu rừng là vườn cao su của người dân đang thu hoạch, người đi cạo mủ thường chạy xe máy băng ngang qua những con đường mòn trong rừng. Nông dân trồng mì cũng hay ra vào khu vực này. Thường xuyên có người ra vào rừng là vậy, nhưng cây rừng cách đường vài chục mét, thậm chỉ gần nơi có đặt chốt bảo vệ rừng, vẫn cứ bị cưa “trộm”.

Theo dấu vết để lại tại hiện trường, lâm tặc thường nhắm đến các cây dầu có đường kính từ 40 đến 60cm, đa số chỉ cưa lấy phần thân cây to tròn và suông đẹp áp gốc, phần ngọn bỏ lại tại chỗ. Nhiều thân cây đã bị cưa lìa gốc nhưng trong lúc đổ ngã ngọn vẫn còn treo, vướng nằm nghiêng trên ngọn cây khác, gặp phải tình huống này kẻ trộm đành bỏ lại, vì nếu tiếp tục cưa gỗ sẽ bị nứt, không còn giá trị, hoặc gây nguy hiểm cho chính người hạ cây bên dưới.

Không ít thân cây đã được cưa gọn thành từng đoạn dài khoảng 3m nhưng chưa được mang đi. Một hộ dân có nhà gần khu rừng cho biết, số gỗ đã bị cưa nhưng vẫn còn để tại chỗ là do kẻ trộm chưa kịp mang đi, hoặc chờ cho cây khô nhẹ hơn mới quay lại vận chuyển.

Sự liều lĩnh của lâm tặc thể hiện rõ qua việc cưa hạ một cây dầu có đường kính khoảng 45cm ngay tại mép đường đi, đồng thời cho cây ngã đè xuống đám cao su của dân gần đó. Thậm chí có cây dầu đường kính hơn 50cm chỉ cách chốt phụ của Ðội bảo vệ và phát triển rừng Suối Bà Chiêm ước chừng vài trăm mét cũng bị “xử đẹp”. Kế bên là một cây dầu khác nữa bị lưỡi cưa của lâm tặc ăn ngập vào gần nửa thân, dòng nhựa đặc quánh đổ ra như “máu của cây”. Có hơn 10 cây dầu và tràm bông vàng đường kính gốc trên 40cm bị lâm tặc cưa trộm trong khu rừng quốc doanh. Dấu vết từ hiện trường để lại cho thấy số cây vừa bị cưa hạ cách nay khoảng 1 tháng, có cây cành lá chưa kịp khô.

Ðó là những chỗ mà chúng tôi phát hiện được, trên thực tế, số lượng cây rừng bị lâm tặc làm cho “bốc hơi” là không nhỏ. Thật khó để hình dung kẻ trộm sẽ tẩu tán gỗ theo con đường nào, trong khi tứ cận của khu rừng quốc doanh đều là vườn cao su của người dân, gần cuối rừng có đặt chốt phụ của đội bảo vệ. Với địa thế như vậy, kẻ trộm cây rừng sẽ dễ dàng bị phát hiện.

Hơn nữa, lâm tặc muốn vận chuyển gỗ ra ngoài tiêu thụ sẽ phải đi qua nhiều nhà dân cặp con đường lớn xuất phát từ huyện lộ 244 kéo dài đến bến đò Cửu Long, và còn phải qua đò. Mặt khác, từ khu rừng nếu muốn vận chuyển gỗ nhanh nhất, thuận theo đường lớn về tỉnh lộ 794 phải đi ngang qua chốt chính của Ðội bảo vệ và phát triển rừng Suối Bà Chiêm.

Nếu lâm tặc chọn cách vận chuyển gỗ xuôi theo đường 244, về hướng P25 giáp với hồ Dầu Tiếng cũng sẽ dễ dàng bị phát hiện, bởi đầu đoạn đường chạy ngang khu vực Bưng Bàng và cuối đường đều có nhà dân sinh sống, hơn nữa ở P25 cũng có đặt chốt bảo vệ rừng phòng hộ. Con đường vận chuyển gỗ lậu khó khăn là vậy, nhưng lâm tặc vẫn ngang nhiên “khai thác” rừng quốc doanh như giữa chốn không người.

Ðã đến lúc cần phải điều tra làm rõ lâm tặc thuộc đối tượng nào, gỗ trộm được vận chuyển đi đâu, nhằm chặn đứng tình trạng cây rừng quốc doanh ngày càng thưa thớt dần. Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến sự phối hợp giữa lực lượng bảo vệ rừng và người dân chưa cao.

Nhiều cây bị cưa gốc nhưng chưa tiếp đất như thế này đã bị bỏ lại.

“XỬ” LUÔN RỪNG HỢP ÐỒNG

Hiện tại, một số nơi trong rừng trồng thuộc tiểu khu 58 rừng phòng hộ Dầu Tiếng cũng đang gặp phải tình trạng tương tự. Từ chốt bảo vệ rừng theo con đường đất đỏ hướng về khu vực P25 khoảng 500m, rẽ trái vào khu rừng trồng (rừng trồng theo hợp đồng với người dân thuộc tiểu khu 58) giáp với rừng tự nhiên khoảng 300m nữa là thấy ngay một cây xà cừ đường kính hơn 1m bị trộm cắt mất phần thân. Cây có đường kính lớn như vậy, tuổi thọ ít nhất cũng phải được vài chục năm.

Dấu vết còn lại cho thấy, lâm tặc dùng cưa máy để đốn hạ cây, đồng thời cố tình cưa sát gốc để tận dụng phần gỗ đẹp, một số khúc ngọn có đường kính lớn hơn 40cm bị lâm tặc “chê” và vứt tại hiện trường. Theo kinh nghiệm của một người chuyên làm nghề gỗ: “Muốn “xử” được cây to như hình chụp phóng viên cho tôi xem phải mất ít nhất 2 giờ đồng hồ, lúc cây ngã, tiếng động vang xa trong rừng hơn 1km, đó là chưa kể tiếng “thét xé tai” của cưa máy”.

Từ chỗ cây xà cừ bị trộm, có dấu bánh máy cày chạy ra đến con đường lớn, một vài nhánh cây xà cừ kế bên cũng bị cưa rời thân để dọn đường cho thùng xe cơ giới vào chở gỗ. Không chỉ có vậy, từ vị trí cây xà cừ cắt thẳng đường rừng về hướng P25 thêm chừng 400m sẽ thấy có một đám mì rộng khoảng ba công đất (3.000m2) nằm lọt thỏm giữa rừng.

Tất nhiên, “ai đó” muốn trồng mì, trước hết phải phá rừng, nhiều gốc cây xà cừ đang nằm trơ trụi xen lẫn trong đám mì mới trồng, và hiện tại vẫn còn dấu hiệu mì lấn rừng, bởi có dấu vừa phát quang bụi le, chặt, đốt, ken và chế thuốc độc một số cây rừng cặp đám mì. Từ đây, trên đoạn trở ngược ra đường đất đỏ lại phát hiện thêm 2 cây xà cừ chỉ còn lại phần gốc gần sát mặt đất, nhì  n lá khô chưa lìa cành có thể đoán được 2 cây này mới bị lâm tặc “xử” chưa lâu.

Ra đến đường đất đỏ, đi thêm một đoạn hơn 200m hướng về “biển nước ngọt”, sau đó rẽ phải vào gần cuối dãy rừng trồng (đối diện với lô đất của một nông dân thường được gọi là Tám Nghiệp), chúng tôi phát hiện tiếp 2 cây dầu bị cưa trộm, mỗi cây có đường kính khoảng 40cm. Quay trở ra đường đất đỏ, cũng chạy về hướng P25, qua khỏi khúc cua gắt một đoạn, sau đó rẽ vào khu rừng mà người dân địa phương gọi là lô đất của ông Nhàn, tại đây có thêm 8 cây xà cừ đường kính từ 30 đến 40cm bị lâm tặc ra tay cưa trộm, vẫn còn một cây đang treo ngọn nằm nghiêng chưa tiếp đất. Ðáng nói, chỉ cần đi thêm một đoạn đường ngắn nữa là đến chốt bảo vệ rừng đặt tại P25 (?!).

Có thể nói, rừng phòng hộ Dầu Tiếng đang đặt trong tình trạng báo động thực sự, bởi lâm tặc rất lộng hành. Nạn trộm cây rừng ngày càng có chiều hướng diễn ra công khai như một sự thách thức. Ðó là chưa kể có tình trạng người dân vào rừng “hôi” gỗ trộm do lâm tặc bỏ lại. Ðáng lưu ý, chuyện trộm cây rừng bằng cưa máy và vận chuyển gỗ bằng máy cày là có cơ sở xác định. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra, chẳng bao lâu nữa rừng phòng hộ Dầu Tiếng sẽ cạn kiệt.

Một trong tám cây xà cừ bị trộm ở khu vực lô đất của ông Nhàn có đường kính từ 30 đến 40cm.

Ðến đây, người chứng kiến không khỏi ngỡ ngàng thắc mắc, vì sao bọn trộm cây rừng lại có thể dám ngang nhiên hành sự gần nơi có nhiều người qua lại và lực lượng bảo vệ rừng đến vậy? Nghi vấn này rất cần được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Qua trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Sơn- Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng vào ngày 8.11, ông cho biết “vẫn chưa nghe anh em báo cáo về tình trạng mất cây rừng”, đồng thời “sẽ triển khai ngay lực lượng đi kiểm tra và thống kê số lượng cây bị mất”.

Ông Sơn lưu ý, để tăng cường phòng, chống nạn trộm cây rừng, bên cạnh lực lượng bảo vệ rừng, bà con hợp đồng trồng rừng với Nhà nước cũng phải có trách nhiệm đề cao cảnh giác bọn lâm tặc, đồng thời rất cần sự phối hợp của toàn dân.

Quốc Sơn

 

Tin cùng chuyên mục