Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Công an Tây Ninh: Giữ gìn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng
Thứ sáu: 08:36 ngày 09/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ trẻ là việc làm quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào, khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước, những năm qua, Công an tỉnh Tây Ninh nỗ lực giữ gìn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Công an nhân dân.

Tuổi trẻ Công an Tây Ninh tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam.

Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam là “địa chỉ đỏ” được các thế hệ người Việt Nam biết đến với vai trò là cơ quan trực tiếp bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ. Sau phong trào Đồng Khởi năm 1960, lực lượng vũ trang cách mạng được thành lập. Trong hoàn cảnh ấy, nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ lực lượng cách mạng và đánh địch đúng phương châm, chính sách, bảo đảm khối đại đoàn kết dân tộc đặt ra yêu cầu phải có một tổ chức An ninh.

Hội nghị Xứ uỷ tháng 7.1960 ra chỉ thị, trong đó nêu rõ: “Trước nay, Đảng ta dựa vào quần chúng, lấy quần chúng làm nền tảng để đấu tranh bảo vệ Đảng, điều đó rất cần phải tiếp tục. Nhưng đó mới chỉ là đấu tranh về bề rộng, cần phải đi vào chiều sâu. Đã đến lúc cần phải có một tổ chức chuyên trách đi sâu điều tra nghiên cứu giúp Đảng nắm chắc tình hình để tổ chức tấn công địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng”.

Thực hiện chỉ thị của Xứ uỷ Nam bộ, Ban Bảo vệ An ninh Xứ uỷ được thành lập tại Căn cứ Chàng Riệc (Tây Ninh). Đến tháng 8.1962, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam quyết định đổi tên Ban Bảo vệ an ninh Xứ uỷ thành Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. Lãnh đạo Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam ngoài 3 nhiệm vụ tham mưu cho Đảng về đường lối, chính sách đánh địch, xây dựng lực lượng an ninh, chỉ đạo chỉ huy toàn ngành An ninh miền Nam, còn chịu trách nhiệm về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ căn cứ.

Đế quốc Mỹ và nguỵ quyền tay sai biết rất rõ cơ quan đầu não Trung ương Cục miền Nam đóng ở rừng Bắc Tây Ninh nên suốt cuộc chiến tranh liên tục tổ chức những cuộc hành quân đánh vào căn cứ hòng tiêu diệt các cơ quan đầu não cách mạng miền Nam. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, mà trực tiếp là Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã đánh thắng các cuộc hành quân của Mỹ và nguỵ quyền tay sai. 

Kết thúc chiến tranh, Nhà nước truy tặng, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho 320 đơn vị và trên 217 cá nhân; trong đó có 4 đơn vị và 2 cá nhân thuộc các tiểu Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. Với những thành tích vẻ vang ấy, ngày 23.12.1995, Bộ Văn hoá - Thông tin có quyết định công nhận Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam là khu di tích lịch sử văn hoá, được cấp bằng vào ngày 4.9.1999.

Ngày nay, khu di tích được quy hoạch ở khu trung tâm 86ha tại ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, cách trung tâm tỉnh Tây Ninh khoảng 48km và cách biên giới Việt Nam - Campuchia 3km. Khu di tích không chỉ có giá trị đặc biệt đối với công tác giáo dục truyền thống, mà còn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách, nhất là thế hệ trẻ. 

Hằng năm, nơi đây đón hàng chục ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, sinh hoạt đoàn thể, chọn đây là “địa chỉ đỏ” để kết nạp Đảng, Đoàn. Ban An ninh sau khi trùng tu được quy hoạch thành 4 khu vực chính, gồm: Khu phục chế; khu vực tượng đài Bác Phạm Hùng, bức phù điêu 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân; khu nhà truyền thống Công an các tỉnh phía Nam; khu tượng đài và khu vực nhà Bảo tàng Công an nhân dân.

Thiếu tá Trương Duy Tân- Phó trưởng Ban Di tích Trung ương Cục miền Nam cho biết: “Ngày đầu nhận công tác tại khu di tích, bản thân khá bỡ ngỡ, may mắn được sự giúp đỡ của Ban lãnh đạo, đồng chí, đồng đội, sau một thời gian gắn bó, tôi ngày càng yêu thích công việc tại nơi đây. Tôi có cơ hội phục vụ, hướng dẫn các đoàn khách về tham quan, nhất là các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Đáng nhớ nhất là hướng dẫn các đoàn cô, chú Hội Cựu chiến binh, cán bộ về hưu trong ngành, tuy đã cao tuổi nhưng mọi người vẫn tham quan, viếng đầy đủ các địa điểm. Có những mốc thời gian lịch sử các cô, chú đã biết nhưng vẫn lắng nghe, sẵn sàng góp ý cho công tác thuyết minh, hướng dẫn ngày càng hoàn thiện hơn”.

Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày D6 tựu trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh nhân dân) và 45 năm ngày thực tập tốt nghiệp (1978-2023), vào đầu tháng 10.2023, đoàn cựu học viên D6AN (D6 An ninh) tổ chức các hoạt động về nguồn và gặp mặt kỷ niệm tại Khu di tích lịch sử Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. 

Trong không khí trang nghiêm, đoàn dành phút mặc niệm, thực hiện nghi lễ dâng hoa, dâng hương bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đoàn dâng hoa, dâng hương trước tượng đài bảo vệ an ninh Tổ quốc, bia Chiến thắng - nơi ghi danh hơn 14.000 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc, tượng đài Bác Hồ, tượng đài cố Bộ trưởng Phạm Hùng…

Đoàn cựu học viên Khoá D6 – Học viện An ninh nhân dân tổ chức các hoạt động về nguồn tại Khu di tích lịch sử Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam.

Ghi vào sổ lưu niệm tại nhà Bảo tàng Công an nhân dân, Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Xuân Mười- nguyên Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân, Trưởng Ban Liên lạc cựu học viên D6AN, Trưởng đoàn đã viết: “Chúng tôi rất đỗi tự hào là người cán bộ Công an nhân dân, cựu học viên Trường Công an đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân.

Gần 50 năm đã qua, trở lại nơi này, chúng tôi vô cùng cảm động, tưởng nhớ công lao vĩ đại của Bác Hồ và các thế hệ cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân đã hy sinh quên mình vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, để có cuộc sống bình yên hôm nay. Nguyện mãi mãi học tập và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, xứng đáng là những học viên có thương hiệu D6AN”.

Đại uý Lâm Thế Trường- cán bộ Ban Thanh niên Công an tỉnh, người thường xuyên tổ chức các cuộc về nguồn cho đoàn viên, thanh niên, chia sẻ: Bảo vệ di tích lịch sử, “địa chỉ đỏ” cách mạng là cách thể hiện niềm tự hào về truyền thống dân tộc, nối liền quá khứ với hiện tại và tương lai.

Để góp phần tuyên truyền, giúp đoàn viên, thanh niên trong Công an tỉnh tìm hiểu rõ hơn về các di tích lịch sử, “địa chỉ đỏ” cách mạng, nhất là Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh tổ chức nhiều chương trình, hoạt động về nguồn, tham quan, giúp các bạn trẻ dần nâng cao nhận thức, lan toả tình yêu với lịch sử dân tộc, sẵn sàng cống hiến, bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tá Trương Duy Tân- Phó trưởng Ban Di tích, Trung ương Cục miền Nam bày tỏ hy vọng, trong thời gian tới, Khu di tích lịch sử Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam sẽ được tất cả các ban, ngành, người dân trong và ngoài nước biết đến thông qua các kênh thông tin tuyên truyền; được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đầu tư kinh phí, sửa chữa nâng cấp Khu di tích ngày càng khang trang, đẹp hơn nữa để thu hút mọi người đến tham quan và hiểu thêm về lịch sử.

Phương Thảo - Hà Thuỷ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục