BAOTAYNINH.VN trên Google News

Công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia: Những ý kiến 'đầu vào' hữu ích

Cập nhật ngày: 30/11/2010 - 05:56

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những kết quả, đánh giá khách quan và có nhiều thông tin hữu ích trong Bản báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010.

Ngày 30.11, Báo cáo Năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, một nghiên cứu độc lập, do các chuyên gia hàng đầu quốc tế và trong nước phối hợp thực hiện, lần đầu tiên được công bố.

Báo cáo do các chuyên gia quốc tế và trong nước (Học viện cạnh tranh châu Á, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) phối hợp thực hiện, có nhiều điểm thống nhất với chủ trương tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả tăng trưởng nền kinh tế, định hướng chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 5 – 10 năm tới mà Chính phủ Việt Nam đang xây dựng.

Cha đẻ của thuyết cạnh tranh khuyến nghị Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng

Báo cáo do GS. Michael E. Porter – người được coi là chuyên gia đầu ngành, cha đẻ của học thuyết cạnh tranh hiện đại trình bày trong hơn 2 giờ đồng hồ.

GS. Michael E. Porter bày tỏ sự ấn tượng đặc biệt với những kết quả của mô hình tăng trưởng của Việt Nam suốt thời kỳ đổi mới vừa qua. Nổi bật trong đó là sự tăng trưởng ổn định với tỷ lệ nghèo giảm mạnh trên diện rộng, hồi phục nhanh sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, năng suất nền kinh tế vẫn tương đối thấp.

“Đã đến lúc cần một chương mới, tạo những thay đổi phù hợp cho mô hình phát triển kinh tế đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong quá trình có thể coi là giai đoạn xuất phát điểm của Việt Nam vừa qua”, GS. Michael E. Porter khuyến nghị.

Mô hình tăng trưởng trước đây có dấu ấn nổi bật là chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi hội nhập kinh tế toàn cầu. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã kết hợp tốt nguồn vốn xã hội với thế mạnh về lao động giá rẻ và đầu vào nhập khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu cũng như phục vụ nhu cầu trong nước.

Nhưng hiện tại, thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt để vượt qua mức phát triển trung bình khi giá lao động cần được nâng cao, tránh tình trạng hiện tại là thâm hụt thương mại do quy hoạch hỗ trợ công nghiệp, hỗ trợ xuất khẩu không tốt, càng xuất khẩu nhiều lại càng tăng nhập khẩu, sự tăng giá thực của VND góp phần làm mất cán cân thương mại, các dòng vốn lớn đổ vào làm tăng cầu nội địa và lạm phát, tăng đầu tư trong khi năng suất thấp, ít nhân lực kỹ thuật cao và quá tải về hạ tầng.

Những ý kiến, đề xuất "đầu vào" hữu ích

Bàn tròn thực hiện ngay trong Hội thảo với các diễn giả: Giáo sư Michael Porter, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam V. Kwakwa, Tổng Giám đốc IntelVietnam Rick Howarth, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường đã đưa ra những ý kiến khuyến nghị cho lời giải bài toán " Đâu là chiến lược- mô hình phát triển mới cần thực hiện trong tương lai của Việt Nam?".

Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả đầu tư, năng suất nền kinh tế, giải quyết các "nút thắt" chính (hạ tầng, kỹ năng lao động, cải cách thủ tục hành chính…) là những đề xuất nhận được sự thống nhất cao.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các đề xuất mà bản báo cáo đề cập như điều chỉnh những mất cân đối kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho năng suất cao hơn đều là những cơ sở khoa học quan trọng để Việt Nam xem xét, lựa chọn con đường của mình – đặc biệt trong việc hoạch định chủ trương cho giai đoạn phát triển mới.

“Đây là những đề xuất, ý kiến “đầu vào” hữu ích. Chúng tôi sẽ tập hợp, báo cáo Chính phủ trong việc xây dựng các giải pháp cấp bách cũng như dài hạn trong chiến lược phát triển, điều hành nền kinh tế”, Bộ trưởng nói.

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, những thách thức, "nút thắt" mà Báo cáo đưa ra khá trùng hợp với những nghiên cứu, đánh giá cạnh tranh của VCCI trước đây và điều quan trọng là nó tổng thể hơn, có tính số liệu và phương pháp luận đã được kiểm nghiệm.

GS. Michael E. Porter trình bày Báo cáo Năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đại diện các doanh nghiệp cũng nêu lên những điểm cần ưu tiên trong xây dựng chiến lược, mô hình phát triển mới của Việt Nam. Nhà đầu tư FDI hàng đầu ở Việt Nam hiện nay, ông Rick Howarth bày tỏ, “điều chúng tôi đối mặt và lo lắng chính là lao động, hạ tầng điện nước, và chuỗi cung ứng, hỗ trợ các sản phẩm công nghệ cao Intel”.

Một khuyến nghị khác là Việt Nam cần thành lập Hội đồng cạnh tranh, để điều phối, tập hợp được các dự án đang rải rác ở nhiều bộ, ngành, cơ quan, giám sát, đánh giá việc thực hiện các đề án, nghiên cứu vào thực tế, gắn kết được tư nhân, sự chỉ đạo của Nhà nước.

Giám đốc WB tại Việt Nam Kwakwa kiến nghị một chương trình tách bạch vấn đề chủ sở hữu, quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp nói chung, trong đó ưu tiên số 1 là công khai hơn về thông tin và công bằng hơn trong tiếp cận thông tin.  

Kết luận buổi hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá  Bản báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010 "cũng có nhiều điểm thống nhất và phù hợp với những nội dung đang xây dựng trong kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2015, đến 2020 của Việt Nam. Trong đó, mục tiêu tăng trưởng cao, ổn định, cân bằng các cán cân kinh tế vĩ mô cần được dựa trên một môi trường kinh doanh với năng suất-công nghệ-giá trị gia tăng cao”.

Nhấn mạnh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia phải là chương trình dài hạn và liên tục, Phó Thủ tướng cho rằng  các giải pháp nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh quốc gia đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các cấp, các cơ quan, tổ chức, giới doanh nghiệp và từng người dân.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định việc xem xét thành lập Hội đồng Cạnh tranh quốc gia, tạo một tổ chức chuyên ngành có các hoạt động tương xứng với vấn đề cạnh tranh.

(Theo chinhphu.vn)