Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đại hội đảng
Công bố dự thảo kế hoạch thi chọn học sinh giỏi cấp THCS
17/10/2024 - 11:04

(BTN) - Kỳ thi có nhiều điểm mới, đặc biệt đối với hai môn thi tích hợp gồm Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Sở Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành kế hoạch (dự thảo) tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp THCS năm học 2024-2025. Đây là năm đầu tiên kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp THCS thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kỳ thi có nhiều điểm mới, đặc biệt đối với hai môn thi tích hợp gồm Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Hiện tại, giới chuyên môn đang quan tâm về hình thức ra đề thi, cấu trúc đề thi, tỷ lệ kiến thức trong từng chủ đề của mỗi môn học.

Các thí sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 thành phố Tây Ninh, năm học 2022-2023. Ảnh minh hoạ: Tấn Đạt

Mục tiêu

Dự thảo nêu, kỳ thi nhằm đánh giá năng lực học sinh ở các môn học thi học sinh giỏi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Kỳ thi còn nhằm phát hiện, lựa chọn học sinh có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho địa phương và đất nước.

Kỳ thi còn nhằm tạo phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, khuyến khích tinh thần học tập, nghiên cứu khoa học trong giáo viên và học sinh, thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục.

 Đối tượng dự thi là học sinh đang học THCS năm học 2024-2025 tại các cơ sở giáo dục có cấp học THCS trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Thí sinh dự thi có xếp loại học tập, rèn luyện cuối học kỳ 1 năm học 2024-2025 từ khá trở lên và được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi. Đối với thí sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú Tây Ninh, trường phổ thông có nhiều cấp học phải qua kỳ thi chọn đội tuyển của trường. Mỗi thí sinh chỉ được phép tham dự một môn thi trong một năm học.

Mỗi môn thi là một đội tuyển. Mỗi đơn vị dự thi được đăng ký tối đa 10 thí sinh cho mỗi đội tuyển. Tuỳ tình hình nguồn học sinh giỏi ở các môn, các phòng GD&ĐT có thể xin chủ trương bằng văn bản về việc tăng số lượng thí sinh mỗi đội tuyển nhưng không vượt quá 12 thí sinh/đội tuyển.

Môn thi gồm Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Tin học, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, nội dung nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở. Có hai buổi thi đối với Tiếng Anh (thi viết ở buổi thi thứ nhất và thi nói ở buổi thi thứ hai). Các môn Ngữ văn, Toán, Tin học, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý thi trong một buổi.

Môn Tin học thi theo hình thức lập trình trên máy vi tính. Các môn còn lại thi theo hình thức viết trên giấy. Ở phần thi nói môn Tiếng Anh, thí sinh có 5 phút chuẩn bị và 5 phút để ghi âm.

Môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý sẽ lựa chọn 1 trong 2 phương án sau khi trưng cầu ý kiến.

Thời gian làm bài thi viết và lập trình là 150 phút. Trước khi tham gia kỳ thi, đơn vị có thí sinh dự thi chịu trách nhiệm sinh hoạt, hướng dẫn kỹ, rõ quy chế thi, các quy định về thi chọn học sinh giỏi cho thí sinh trước khi dự thi.

Về địa điểm tổ chức kỳ thi, đặt Hội đồng coi thi tại Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (chính thức) và Trường THPT Tây Ninh (dự bị).

Trong các môn học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Khoa học tự nhiên đang gây ra nhiều khó khăn đối với người dạy và người học.

Phương án thi đối với môn tích hợp

Có hai phương án thi đối với các môn này, cụ thể như sau:

Phương án 1: đề thi môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý trắc nghiệm 100%. Môn Khoa học tự nhiên có đủ 3 mạch nội dung của các chủ đề (tương ứng với lĩnh vực Vật lý, Hoá học, Sinh học), trong đó mỗi lĩnh lực chiếm 1/3 tỷ trọng điểm toàn bài thi. Môn Lịch sử và Địa lý có đủ 2 mạch nội dung của các chủ đề (tương ứng với lĩnh vực Lịch sử, Địa lý), trong đó mỗi lĩnh lực chiếm 1/2 tỷ trọng điểm toàn bài thi.

Phương án 2: Đề thi môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý có 2 phần thi:

Phần bắt buộc (trắc nghiệm, chiếm 30% tổng số điểm): Đề thi mỗi môn sẽ có các mạch nội dung của các chủ đề (tương ứng với lĩnh vực Vật lý, Hoá học, Sinh học đối với môn Khoa học tự nhiên, hoặc lĩnh vực Lịch sử, Địa lý đối với môn Lịch sử và Địa lý) được thiết kế dưới dạng các câu hỏi trắc nghiệm có 4 phương án lựa chọn. Thí sinh làm bài phần này trên phiếu trả lời trắc nghiệm.

Phần tự chọn (tự luận, chiếm 70% tổng số điểm): Có các phần tự chọn với các mạch nội dung trên, thí sinh chọn 1 trong 3 phần (Vật lý hoặc Hoá học hoặc Sinh học đối với môn Khoa học tự nhiên) và chọn 1 trong 2 phần (Lịch sử hoặc Địa lý đối với môn Lịch sử và Địa lý) để làm bài trên tờ giấy thi tự luận.

Việt Đông

 

Tin liên quan