Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chiều 9/10, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê họp báo công bố kết quả chính thức tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016. Cuộc Tổng điều tra này được tiến hành trên phạm vi cả nước vào thời điểm 01/7/2016 theo Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 31/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Cuộc Tổng điều tra có quy mô lớn, liên quan tới 8.978 xã và 79.898 thôn; gần 16,0 triệu hộ nông thôn và trên 1,0 triệu hộ thành thị hoạt động nông, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản; gần 33,5 nghìn trang trại và nhiều đơn vị điều tra khác.
Cuộc tổng điều tra còn thu thập, xử lý, tổng hợp và cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản được lồng ghép trong điều tra doanh nghiệp năm 2016 của Tổng cục Thống kê.
Họp báo công bố diễn ra tại trụ sở Tổng cục Thống kê, Hà Nội.
Để tiến hành cuộc tổng điều tra, Ban chỉ đạo tổng điều tra các cấp đã huy động trên 18 vạn điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên tham gia liên tục từ 01/7/2016 đến 30/7/2016. Cuộc tổng điều tra đã thực hiện thành công, đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Báo cáo về kết quả tổng điều tra, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh cho biết, trong 5 năm 2011 - 2016, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã triển khai có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.
Bộ mặt nông thôn có sự biến đổi sâu sắc, nhất là kết cấu hạ tầng. Thông tin thu thập được đã phản ánh thực trạng và động thái kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 5 năm 2011 - 2016 với những thành tựu cơ bản: kinh tế nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục tăng trưởng; cơ cấu sản xuất có sự chuyển dịch tích cực, đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và môi trường nông thôn được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; an sinh xã hội được bảo đảm, có những mặt được cải thiện.
Cũng theo ông Vinh, bên cạnh những thành tựu, tình hình kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và bất cập. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, sản xuất nhỏ vẫn phổ biến. Đời sống một bộ phận dân cư, nhất là đồng bào vùng núi, rẻo cao, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, thiếu thốn.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định, với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ và các cấp, các ngành, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, thành tựu đạt được trong hơn 30 năm đổi mới nói chung và 5 năm 2011 - 2016 nói riêng sẽ được phát huy; khó khăn, thách thức đang tồn tại sẽ được xử lý, khắc phục, đưa nông thôn, nông nghiệp nước ta tiếp tục phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Kết quả tổng điều tra đã cung cấp những con số ấn tượng về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, trong đó: Năm 2011, cả nước còn 17 xã chưa có điện, đến 01/7/2016 tất cả các xã này đã có điện phục vụ sản xuất và đời sống. Tỷ lệ xã có điện tăng từ 99,8% năm 2011 lên 100% năm 2016. Cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa điện tới tất cả các thôn.
Tại thời điểm 01/7/2016, trên địa bàn nông thôn cả nước có 15,99 triệu hộ và 31,02 triệu người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động. So với năm 2011, tăng 0,64 triệu hộ, nhưng giảm 0,98 triệu lao động. Số hộ và số lao động nông thôn trong những năm vừa qua không chỉ biến động về lượng, mà quan trọng hơn là đã có sự chuyển dịch dần sang hoạt động phi nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đây là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng.
Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dần sang các hoạt động phi nông, lâm nghiệp và thủy sản thể hiện trước hết ở sự chuyển dịch cơ cấu hộ. Năm 2016, khu vực nông thôn có 8,58 triệu hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 53,7% tổng số hộ, giảm 8,5 điểm phần trăm so với năm 2011; 6,4 triệu hộ phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 40,0% tổng số hộ và tăng 6,6 điểm phần trăm; 1,01 triệu hộ khác, chiếm 6,3%, tăng 1,9 điểm phần trăm.
Bà con nông dân Lũng Cú, Hà Giang gặt lúa.
Phân bổ lao động làm việc trong những năm vừa qua cũng thể hiện việc cơ cấu lại kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng khu vực phi nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tại thời điểm 01/7/2016, trên địa bàn nông thôn có 15,94 triệu người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động hoạt động chính là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 51,4% tổng số lao động nông thôn, giảm 8,2 điểm phần trăm so với năm 2011; 14,21 triệu người hoạt động chính trong các ngành nghề phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 45,8% tổng số lao động và tăng 6,9 điểm phần trăm; 0,87 triệu người không hoạt động kinh tế, chiếm 2,8%, tăng 1,3 điểm phần trăm.
Đến thời điểm 01/7/2016, cả nước có 2.060 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 23,1% tổng số xã thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và chiếm 22,9% tổng số xã khu vực nông thôn. Ngoài ra, còn 139 xã đạt toàn bộ 19 tiêu chí về nông thôn mới, đang chờ cấp có thẩm quyền đánh giá, thẩm định và phê duyệt. Tại thời điểm 01/7/2016, cả nước có 34 đơn vị cấp huyện có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đến 01/7/2016, cả nước có 2.294 xã tiến hành dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 25,6% tổng số xã. Nhờ dồn điền đổi thửa nên diện tích bình quân một thửa đất sản xuất nông nghiệp tính chung cả nước đã tăng từ 1.619,7m2 năm 2011 lên 1.843,1m2 năm 2016. Năm 2016, số thửa bình quân một hộ sử dụng đất sản xuất nông nghiệp là 2,5 thửa, giảm 0,3 thửa so với năm 2011. Dồn điền đổi thửa được tiến hành mạnh mẽ đối với đất trồng lúa nên số thửa bình quân một hộ tính chung cả nước năm 2016 chỉ còn 2,5 thửa, giảm 0,5 thửa/hộ so với năm 2011; diện tích bình quân một thửa đạt 1.401,5 m2, tăng 20,8%.
Mô hình cánh đồng lớn xuất hiện và ngày càng được nhân rộng ở nhiều địa phương. Tính đến 01/7/2016, cả nước đã xây đựng được 2.262 cánh đồng lớn; trong đó, 1.661 cánh đồng lúa; 162 cánh đồng rau; 95 cánh đồng mía; 50 cánh đồng ngô; 38 cánh đồng chè búp và 256 cánh đồng lớn trồng các loại cây khác.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản qua kết quả tổng điều tra năm 2016 được biểu hiện trước hết ở việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Tại thời điểm điều tra, cả nước có 1.495 đơn vị được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương; trong đó, 540 đơn vị là hộ cá thể, chiếm 36,1% tổng số đơn vị được cấp chứng nhận; 551 nhóm liên kết, chiếm 36,9%; 199 hợp tác xã, chiếm 13,3%; 200 doanh nghiệp, chiếm 13,4% và 5 đơn vị thuộc loại hình khác, chiếm 0,3%.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản còn thể hiện qua số liệu về cơ giới hóa. Chỉ tính riêng 14 loại thiết bị, máy móc chủ yếu phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của hộ, năm 2016 có trên 7,3 triệu chiếc, tăng 74,0% so với năm 2011.
Nguồn Báo điện tử ĐCSVN