Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Số liệu kết quả tổng điều tra cho thấy, qua 5 năm, toàn cảnh nông nghiệp, nông thôn Tây Ninh có nhiều điểm khởi sắc.
Trồng hoa màu ở xã Phan, huyện Dương Minh Châu. Ảnh: Đặng Hoàng Thái
Vừa qua, Cục Thống kê tỉnh đã công bố kết quả cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2016 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (được tiến hành trên phạm vi cả nước theo Quyết định số 1225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Cuộc tổng điều tra nhằm thu thập thông tin cơ bản về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phục vụ việc đánh giá và xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách và chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
Số liệu kết quả tổng điều tra cho thấy, qua 5 năm, toàn cảnh nông nghiệp, nông thôn Tây Ninh có nhiều điểm khởi sắc.
Thứ nhất, kinh tế nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tiếp tục tăng trưởng; cơ cấu sản xuất có sự chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản cũng đang trong quá trình cơ cấu lại về loại hình và quy mô sản xuất. Chủ trương dồn điền đổi thửa và xây dựng cánh đồng lớn để tạo điều kiện thuận lợi trong cơ giới hoá sản xuất, đẩy mạnh thâm canh, nâng cao hiệu quả sản xuất được chú trọng. Ứng dụng công nghệ và cơ giới hoá sản xuất có bước tiến mới. Nền nông nghiệp cao, nông nghiệp sạch đang từng bước hình thành.
Thứ hai, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và môi trường nông thôn được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Hệ thống cung cấp điện, cung cấp nước sạch, đường giao thông nông thôn, trường lớp mầm non và phổ thông các cấp, trạm y tế xã, hệ thống thiết chế văn hoá, thông tin mở rộng diện bao phủ và nâng cao chất lượng dịch vụ. Bộ máy và điều kiện làm việc của lãnh đạo xã được kiện toàn thêm một bước.
Thứ ba, an sinh xã hội được bảo đảm, có những mặt được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm. Số hộ và tỷ lệ hộ, nhân khẩu sử dụng điện, nước sạch, khám, chữa bệnh và thụ hưởng văn hoá, tiếp cận thông tin ngày càng tăng. Thu nhập của dân cư ổn định. Ngoài tiêu dùng cho đời sống hằng ngày, nhiều hộ còn có tích luỹ, xây dựng nhà cửa và mua sắm thêm đồ dùng lâu bền.
Bên cạnh những thành tựu rất quan trọng nêu trên, tình hình kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và bất cập. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, có những mặt còn lúng túng, nhất là cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Quy mô sản xuất tuy đã được nâng lên nhưng sản xuất nhỏ vẫn phổ biến. Lực lượng lao động đông đảo nhưng trình độ chuyên môn hạn chế, tay nghề thấp nên khó sắp xếp và tìm kiếm việc làm (trong tổng số 523.516 người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động của khu vực nông thôn năm 2016, có 455.181 người chưa được đào tạo nghề hoặc đào tạo ngắn hạn không được cấp chứng chỉ, chiếm 86,95%; 52.538 người được đào tạo có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn từ sơ cấp nghề trở lên, chiếm 10,04%; trong đó, chủ yếu là trình độ sơ cấp và trung cấp với 43.385 người, chiếm 82,58% tổng số người có bằng cấp chứng chỉ và chiếm 8,29% tổng số lao động nông thôn. Đại học và trên đại học chỉ có 15.613 người, chiếm 22,91% tổng số người có bằng cấp và 2,98% tổng số lao động).
Hiệu quả sản xuất không cao, có lĩnh vực bị suy giảm. Đời sống một bộ phận dân cư, nhất là đồng bào vùng sâu vùng xa còn khó khăn, thiếu thốn. Đáng lưu ý, kết quả xây dựng nông thôn mới bộc lộ một số hạn chế. Tại thời điểm tổng điều tra 2016, trong tổng số 64 xã đang phấn đấu, bình quân mỗi xã đạt 12,7 tiêu chí, nhưng vẫn có 12 xã chỉ đạt 5-9 tiêu chí, chiếm 18,75% tổng số xã đang phấn đấu.
Những hạn chế nêu trên đang là thách thức lớn đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, thách thức còn có thuận lợi và cơ hội, đặc biệt là kinh nghiệm đã tích luỹ được.
Với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của UBND tỉnh và các cấp, các ngành, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, thành tựu đạt được trong hơn 30 năm đổi mới nói chung và 5 năm 2011-2016 nói riêng sẽ được phát huy; khó khăn, thách thức đang tồn tại sẽ được xử lý, khắc phục, đưa nông thôn, nông nghiệp tiếp tục phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
* Chi tiết mời độc giả theo dõi trên phụ trương A Thông tin - Kinh tế - Quảng cáo.
T.N