Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Các nhà khoa học y khoa Mỹ và Nam Phi trình bày một loại vaccine phòng ngừa lây nhiễm HIV mới, mang tên HVTN 100. Ngày 19/7, ngày làm việc thứ hai của Hội nghị quốc tế về phòng chống AIDS lần thứ 21 (AIDS 2016) đang diễn ra ở thành phố Durban của Nam Phi đã trở nên sôi động hơn khi loại vaccine mới trên được công bố.
Theo nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ và Nam Phi, loại vaccine HIV mới đã đạt nhiều tiến bộ khả quan, đặc biệt là đã tìm ra những kháng thể phòng chống HIV trung gian (AMP). Đây là bước đột phá, mở đường cho việc nghiên cứu loại vaccine phòng chống HIV mới ngày càng hiệu quả hơn.
Sau 7 năm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, hiện vaccine HVTN 100 đang được thử nghiệm trên một số nhóm người tình nguyện tại Nam Phi, để xác định về mức độ phản ứng miễn dịch.
Theo nhóm chuyên gia trên, đây là một phiên bản sửa đổi của loại vaccine HIV đầu tiên mang tên RV144 được công bố và thử nghiệm trong nhóm người tình nguyện tại Thái Lan trước đây.
Kết quả thí nghiệm vừa được công bố cho thấy một trong những ưu điểm của vaccine mới là tìm ra những kháng thể trung gian, giúp nâng khả năng kháng virus HIV và miễn dịch cao nhất cho đến thời điểm này.
Nhân dịp này, bà Linda-Gail Bekker, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV Nam Phi, đồng thời là thành viên Nhóm nghiên cứu trên, cho biết đến nay HVTN 100 đang được thực nghiệm trên 252 người tình nguyện tại 6 địa điểm ở Nam Phi và bước đầu thu được kết quả khả quan, đặc biệt tính đề kháng với HIV cao hơn nhiều so với loại vaccine RV144 đầu tiên.
HVTN 100 đã kéo dài phản ứng kháng thể và có thời gian miễn dịch dài hơn đối với virus HIV. Theo bà Bekker, kết quả của vaccine mới đã vượt tất cả các tiêu chí của loại vaccine RV144 trước đây và hy vọng rằng với thành công này, vaccine HVTN 100 có thể sớm được thẩm định và triển khai trên phạm vi rộng hơn trong thời gian tới.
Hội nghị AIDS 2016 diễn ra từ ngày 18-22/7, với sự tham dự của hơn 18.000 quan chức chính phủ, nhà khoa học, các nhà tài trợ, các nhà hoạt động.... nhằm thảo luận những cách thức để đạt mục tiêu "xóa sổ" căn bệnh này đến năm 2030.
Nguồn TTXVN/Tin Tức