Sự tàn phá khủng khiếp của bão Yagi
Siêu bão Yagi (bão số 3) càn quét qua Philippines, đảo Hải Nam (Trung Quốc) và Việt Nam trong những ngày đầu tháng 9 này đã gây ra những thiệt hại vô cùng nặng nề về người và tài sản cho cả ba quốc gia, đặc biệt với Việt Nam.
Yagi là cơn bão có cường độ mạnh nhất hoạt động trên Biển Đông trong 30 năm qua, lên tới cấp siêu bão khi có sức gió lên tới cấp 16, giật trên cấp 17. Với sức gió lên tới 245km/giờ, Yagi là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ hai thế giới trong năm 2024 cho đến nay, chỉ đứng sau cơn bão Beryl ở Đại Tây Dương hồi cuối tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua.
Siêu bão Yagi (bão số 3) với sức tàn phá khủng khiếp đã gây ra những thiệt hại vô cùng nặng nề về người và tài sản cho nhân dân Việt Nam
Bão Yagi đổ bộ vào Philippines trong tối 1-9, gây ra lũ lụt và sạt lở đất tại nhiều khu vực. Bão Yagi đã tấn công một số khu vực của Philippines khiến 16 người đã thiệt mạng, 15 người bị thương, 21 người khác mất tích. Tại Trung Quốc, siêu bão Yagi có sức gió lên tới 245km/giờ, sau khi đổ bộ vào các tỉnh Hải Nam và Quảng Đông ngày 6-9 đã khiến 4 người thiệt mạng và 95 người bị thương cùng những thiệt hại rất lớn về tài sản.
Đặc biệt, siêu bão Yagi và mưa lũ do hoàn lưu của nó đã gây ra những thiệt hại vô cùng nặng nề tại Việt Nam. Thống kê đến 17h30 ngày 11-9 cho thấy, số người chết, mất tích do bão số 3, mưa lũ và sạt lở đất tăng lên 324 người, trong đó 179 người chết, 145 người mất tích.
Về nông nghiệp, 160.851ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 30.700ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 16.243ha cây ăn quả bị hư hại; 1.610 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 1.313 con gia súc, 793.755 con gia cầm bị chết...
Nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội… Các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.
Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực tập trung thực hiện khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại, khôi phục các hoạt động thiết yếu để ổn định đời sống nhân dân.
Mong nhận được sự hỗ trợ quý báu để khắc phục hậu bão lũ
Ngay khi bão số 3 vừa tan và công tác khắc phục hậu quả đang được tiến hành vô cùng khẩn trương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức họp chia sẻ thông tin thiên tai khẩn cấp về bão Yagi với Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai gồm hơn 20 tổ chức quốc tế, Đại sứ quán một số nước vào ngày 9-9, tại Hà Nội. Cuộc họp đã liên tục ngắt quãng bởi các thông tin về thiệt hại nặng nề do bão Yagi từ các địa phương báo về.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nêu rõ, hiện Việt Nam cần thiết được hỗ trợ để ổn định lại cuộc sống bao gồm các hoạt động như: sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, lương thực, thực phẩm... Trước thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra, các khu vực chịu ảnh hưởng cần thiết được hỗ trợ để ổn định lại cuộc sống, bao gồm các hoạt động như: sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng tránh dịch bệnh, lương thực, thực phẩm, dinh dưỡng để đảm bảo cung cấp các nhu cầu cấp thiết cho người dân bị ảnh hưởng, trong đó chú trọng vào các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai, trẻ em, gia đình nghèo, neo đơn và người khuyết tật…
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đánh giá tình hình, huy động nguồn lực và cung cấp các hỗ trợ thiết yếu cho các tỉnh và người dân bị ảnh hưởng” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh và nêu rõ, với các nguồn cứu trợ khẩn cấp như hàng hóa, tiền mặt, sẽ vô cùng hữu ích trong thời điểm hiện nay với người dân vùng chịu thiên tai. Tuy nhiên, theo ông, các nguồn hỗ trợ để khắc phục hậu quả sau đó, như sửa chữa nhà cửa, đảm bảo sinh kế và an toàn xã hội còn gia tăng hữu ích hơn nữa.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp gửi lời cảm ơn chân thành tới các nước, các tổ chức quốc tế đã và đang đồng hành cùng Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong việc triển khai công tác hỗ trợ nhân đạo tại Việt Nam. Đồng thời, bày tỏ mong nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu lúc này để góp phần khắc phục hậu quả năng nề do bão Yagi và mưa lũ sau bão gây ra.
Bà Pauline Fatima Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Đồng chủ tịch Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai,đã bày tỏ mối quan tâm sâu sắc của mình đối với người dân Việt Nam đang phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng của bão Yagi. Bà nói: “Ngay tại Hà Nội, chúng ta đã chứng kiến sức mạnh to lớn của cơn bão như gió mạnh, mưa lớn và thiệt hại nặng nề. Tôi chỉ có thể hình dung tình hình ở các tỉnh ven biển, nơi gió mạnh đã và đang gây ra thiệt hại hết sức to lớn, và ở các vùng núi phía Bắc, nơi mưa to, lũ lụt và nguy cơ sạt lở đất đang tiếp tục đe dọa các cộng đồng địa phương, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số”.
Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các cộng đồng bị ảnh hưởng trong thời điểm đầy thách thức này. Bà Pauline Tamesis khẳng định và cam kết sẽ phối hợp với các đối tác của mình để cung cấp hỗ trợ cho các địa phương đang có nhu cầu cấp thiết nhất, trong đó trọng tâm là hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật, đảm bảo họ nhận được sự bảo vệ và hỗ trợ cần thiết.
Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc cho biết thêm, các tổ chức theo lĩnh vực sẽ phụ trách từng vấn đề cụ thể như Quỹ Nhi đồng quốc tế (UNICEF) sẽ hỗ trợ vấn đề về trẻ em, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ về thuốc men, dịch bệnh... Bà Silvia Danailov, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam cho biết, trước mắt đã huy động 300.000 USD để hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người dân tộc thiểu số. Tổ chức này cũng có thể hỗ trợ nước sạch vệ sinh ngay lập tức cho 2.000 hộ dân cũng như mua sắm nhu yếu phẩm, thuốc để ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm và tiền mặt cho các gia đình.
Ngoài ra, UNICEF cũng đang xét thiệt hại cơ sở hạ tầng của 700 trường học trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão Yagi, bao gồm hạ tầng, vấn đề sức khỏe tâm lý, tâm thần… Tại cuộc họp, các tổ chức quốc tế như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Đại sứ quán các nước Anh, Thuỵ Sĩ, Canada, Nhật Bản, Australia… cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam khẩn trương khắc phục hậu quả nặng nề do bão Yagi gây ra.
Ngày 11-9, khi chuyển điện thăm hỏi của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về ảnh hưởng của cơn bão Yagi, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cho biết, Thủ tướng Kishida Fumio bày tỏ chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người bị nạn tại các khu vực chịu ảnh hưởng của cơn bão, nhấn mạnh Chính phủ Nhật Bản luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả để sớm ổn định lại cuộc sống. Theo, Đại sứ Ito Naoki, hiện Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA đang xem xét tích cực việc hỗ trợ trang vật tư phục vụ công tác khắc phục hậu quả cơn bão trên cơ sở nhu cầu của phía Việt Nam.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã bày tỏ tình đoàn kết với chính phủ và người dân Việt Nam trước những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do siêu bão Yagi gây ra, đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình và thân nhân những nạn nhân của cơn bão lịch sử này. Ngoại trưởng Venezuela Yvan Gil Pinto đã truyền tải thông điệp của Tổng thống Nicolas Maduro đến Chính phủ và người dân Việt Nam, trong đó nhấn mạnh Venezuela sẽ theo sát diễn biến và sẵn sàng dành sự hỗ trợ cần thiết cho Việt Nam.
Nhật Bản luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam vượt qua khó khăn
Ngày 11-9, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Thanh Bình đã tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki đến trao điện thăm hỏi của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) tại Việt Nam trong những ngày qua. Trong bức điện, Thủ tướng Kishida Fumio bày tỏ chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người bị nạn tại các khu vực chịu ảnh hưởng của cơn bão, nhấn mạnh Chính phủ Nhật Bản luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả để sớm ổn định lại cuộc sống.
Đại sứ Nhật Bản Ito Naoki cho biết hiện Chính phủ Nhật Bản, thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đang xem xét tích cực việc hỗ trợ trang vật tư phục vụ công tác khắc phục hậu quả cơn bão trên cơ sở nhu cầu của phía Việt Nam; cho biết chưa nhận bất cứ thông tin nào về công dân Nhật Bản gặp nạn do cơn bão; mong muốn Chính phủ, các địa phương Việt Nam tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam sớm khôi phục các hoạt động sản xuất. Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Phạm Thanh Bình bày tỏ cảm kích trước tình cảm chân thành, sự chia sẻ, sẵn sàng hỗ trợ của Lãnh đạo và nhân dân Nhật Bản dành cho Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão, thể hiện tình cảm hữu nghị gắn bó, tương thân tương ái giữa hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản.
Tạ Toàn
Nguồn anninhthudo