Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vụ án oan sai 40 năm ở Trảng Bàng:
Công khai xin lỗi công dân Nguyễn Văn Dũng
Thứ tư: 18:12 ngày 08/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Gánh nỗi oan 40 năm, đến nay công dân Nguyễn Văn Dũng mới chính thức được công nhận là người trong sạch trong xã hội.

Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Nguyễn Văn Dựa trao hoa, xin lỗi công dân Nguyễn Văn Dũng.

“Để bù đắp lại phần nào mất mát đau thương đó (của ông Nguyễn Văn Dũng- NV), đại diện Viện KSND tỉnh cũng như Công an tỉnh Tây Ninh hôm nay tổ chức phiên họp công khai, chân thành xin lỗi ông Nguyễn Văn Dũng cùng gia đình ông và nhân dân địa phương.

Qua đó, thông báo với tất cả quần chúng nhân dân trong cả nước và cán bộ, chiến sĩ trong QĐND Việt Nam nói chung, quần chúng nhân dân ở địa phương - nơi ông Dũng và gia đình cư trú; cán bộ, chiến sĩ thuộc Sư đoàn Bộ binh 317 nói riêng, rằng: ông Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1958, thường trú tại ấp Xóm Mới 2, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, nguyên hạ sĩ quan đơn vị C.19, E774, Sư đoàn bộ binh 317, Quân khu 7, cấp bậc trung sĩ, đóng quân tại Campuchia, bị bắt giam vào ngày 27.7.1979 đến ngày 11.5.1983 được trả tự do, là hoàn toàn bị oan ức, không đúng như dư luận xã hội trước đây cho rằng ông đã phạm tội cướp tài sản công dân. Tôi xin nhắc lại là, ông Nguyễn Văn Dũng hoàn toàn bị oan ức, ông không phạm tội Cướp tài sản công dân”.

Đó là lời của ông Nguyễn Văn Dựa- Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh đọc trong buổi tổ chức công khai xin lỗi công dân Nguyễn Văn Dũng tại UBND xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu vào sáng 8.5 trước chính quyền xã, Hội Cựu chiến binh xã Thanh Phước cùng gia đình, người thân, đồng đội và nhân dân địa phương.

Thời gian giam cầm gần 4 năm, quá dài. Nỗi đau và nỗi oan ức quá lớn, đeo đẳng ông Dũng không phải ngần ấy thời gian mà còn tận cho đến ngày hôm nay (40 năm). Đó chỉ mới là nỗi đau về thể xác do bị dùng nhục hình, lớn hơn nữa là nỗi đau về tâm hồn, về lòng tự trọng, về danh dự nhân phẩm của ông Dũng.

Là một quân nhân đang tham gia chiến trường bảo vệ thành quả cách mạng, sau ngày Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Với tuổi trẻ nhiệt huyết, ông Dũng đã tham gia bộ đội tình nguyện Việt Nam, làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia. Trên đường về Việt Nam công tác, ông đã bị bắt. Đơn vị không thấy ông trở về, nghĩ rằng ông đào ngũ nên loại ngũ ông khỏi QĐND Việt Nam.

Xã hội kỳ thị ông Dũng và gia đình ông, vì nghĩ rằng ông và gia đình ông là thành phần xấu trong xã hội, là kẻ cướp nên họ đã xa lánh, không dám gần gũi. Họ cảnh giác với ông trong cuộc sống. Điều đó đã xúc phạm đặc biệt nghiêm trọng đến lòng tự trọng, đến danh dự nhân phẩm của ông và gia đình, nhất là danh dự của một quân nhân.

Không những thế, nó còn đưa đẩy cuộc sống của gia đình ông Dũng và gia đình ông vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với mặc cảm bị xã hội coi thường, không thể sống tại điạ phương nên ông và gia đình phải tìm nơi khác sinh sống, giấu đi quá khứ và trốn tránh dư luận xã hội.

Nói chung, nỗi oan ức của ông Dũng và hậu quả để lại cho ông và gia đình ông là vô cùng to lớn, không thể nào cân, đong, đo, đếm được. Hậu quả này là do những người tiến hành tố tụng của các cơ quan Công an, Viện KSND hai cấp tỉnh Tây Ninh thời kỳ 1979- 1983 gây ra.

(Trích lời phát biểu của Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Nguyễn Văn Dựa tại buổi xin lỗi ông Dũng)

Trước đó, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho biết nội dung vụ án oan sai như sau: khoảng 23 giờ ngày 26.7.1979 xảy ra vụ cướp có vũ khí tại nhà ông Nguyễn Văn Đơ ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng. Ông Đơ trình báo một số người tham gia có súng M16-Carbine, súng ngắn và còn có con dao loại trắng, thường sử dụng bán bánh mì.

Công an ấp và ấp đội nghi vấn do ông Hồ Long Chánh có con dao loại này. Sau 30 phút xảy ra vụ cướp, họ bắt ông Chánh để điều tra, bức cung. Ông Chánh nhận và khai thêm ông Nguyễn Văn Dũng (1958), Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Dũng (1961) và Nguyễn Văn Nghị.

Xã bắt tiếp những người này, sau đó đưa họ về Công an huyện tiếp tục điều tra, buộc những người nêu trên phải nhận tội cướp tài sản của ông Đơ rồi đem về cho vợ con cất giấu. Cơ quan điều tra bắt tiếp vợ con của họ là Nguyễn Thị Lan, Võ Thị Thương, Nguyễn Thị Ngọc Lan, cũng bức cung, buộc họ có cất giấu tài sản cướp được.

Nhiều lần công an dẫn họ đến lấy vật chứng nhưng không thấy mà chỉ có 5 chỉ vàng do ông Hồ Thuỷ Trực- cha của ông Chánh lấy tài sản gia đình đem nộp để được lãnh ông Chánh về.

Đến ngày 11.5.1983, ông Dũng được minh oan và được trả tự do theo Quyết định đình chỉ điều tra số 15/KSĐT-TA ngày 11.5.1983 của Viện KSND tỉnh. Kể từ ngày bị bắt đến ngày được minh oan, ông Dũng bị giam oan là 3 năm 9 tháng 14 ngày, trong đó có trách nhiệm của Viện KSND huyện Trảng Bàng và Viện KSND tỉnh trong việc phê chuẩn tạm giam ông Dũng, trách nhiệm trong việc kiểm soát điều tra vụ án không phát hiện sớm việc ông bị nhục hình, bức công phải nhận tội.

Phó Viện Trưởng Viện KSND tỉnh Nguyễn Văn Dựa cho biết, trong quá trình bắt tạm giam để điều tra, những người tiến hành tố tụng trực tiếp điều tra và những người ký lệnh bắt, tạm giam, phê chuẩn lệnh đã không tuân thủ đúng nguyên tắc tố tụng hình sự và không làm hết trách nhiệm nên đã gây ra oan ức cho ông Dũng. Những người trực tiếp tiến hành hỏi cung, lấy lời khai ông Dũng thì dùng nhục hình, đánh đập buộc ông Dũng phải khai nhận. Đồng thời lập hồ sơ, thu thập chứng cứ không khách quan, báo cáo đề xuất với lãnh đạo cơ quan không trung thực nên đã ra quyết định khởi tố, lệnh tạm giam ông Dũng.

Viện KSND tỉnh cũng cho biết, Viện đã gửi hồ sơ về Viện KSND Tối cao đề nghị cấp kinh phí bồi thường cho ông Dũng theo quyết định của bản án phúc thẩm, khi có kinh phí Viện sẽ bồi thường ngay cho ông Dũng.

Gia đình, người thân tặng hoa, chúc mừng ông Dũng chính thức được minh oan, công khai xin lỗi.

Thay mặt Viện trưởng Viện KSND tỉnh, ông Nguyễn Văn Dựa mong ông Dũng cùng gia đình và nhân dân địa phương chấp nhận lời xin lỗi, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai tốt đẹp và luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Phát biểu tại buổi công khai xin lỗi của Viện KSND tỉnh, ông Nguyễn Văn Dũng rất xúc động. Người đầu tiên ông Dũng nói lời cám ơn là ông Trịnh Quốc Anh, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh thời điểm trước đây đã ký quyết định đình chỉ vụ án oan sai. Ông Dũng cũng lấy làm tiếc khi trước đây Viện KSND tỉnh không cầu thị, chưa tích cực xem xét vụ án oan sai của ông để có hướng giải quyết sớm thì vụ việc của không kéo dài, tốn công sức và tiền bạc, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống gia đình ông.

Tuy nhiên, ông Dũng rất vui mừng và chấp nhận lời xin lỗi của Viện KSND tỉnh, vì đến ngày hôm nay, ông đã chính thức được công nhận là người trong sạch trong xã hội.

Từ ngày 25.7.2000, ông Dũng khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do việc bắt oan sai của cơ quan tiến hành tố tụng. Đến ngày 7.8.2017, Viện KSND tỉnh có Thông báo số 01 về việc thụ lý đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông Dũng. Ngày 1.12.2017, cơ quan Viện KSND tỉnh căn cứ vào Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, tiến hành các thủ tục giải quyết yêu cầu của ông Dũng, nhưng việc thương lượng bồi thường không thành.

Ngày 8.12.2017, Viện KSND tỉnh ra Quyết định số 819 bồi thường thiệt hại cho ông Dũng số tiền trên 586 triệu đồng. Sau khi nhận được quyết định, ông Dũng không đồng ý và khởi kiện tại TAND huyện Gò Dầu, yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại cho ông với tổng số tiền trên 10,4 tỷ đồng, gồm thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất.

TAND huyện Gò Dầu chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Dũng, buộc Viện KSND tỉnh bồi thường thiệt hại cho ông Dũng trên 615 triệu đồng. Sau đó, ông Dũng kháng cáo bản án sơ thẩm, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại yêu cầu đòi bồi thường đối với ông… Ngày 19.11, TAND tỉnh xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc Viện KSND tỉnh bồi thường 615 triệu đồng cho ông Nguyễn Văn Dũng, xin lỗi công khai theo quy định.

Đức Tiến

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục