Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Từ những viên đá hòn gạch xây chùa đến những cây nước đá, thùng nước ngọt cho quán ven đường, gạo muối cho khách hành hương… họ đều nhận mang vác. Đường dốc đá gập ghềnh, có lúc dốc thẳng đứng, mồ hôi, đổ ròng xuống mỗi bước chân nặng nề cố bám chặt vào đá núi…
Họ là những người khuân vác ở khu du lịch núi Bà Đen. Nhiều năm nay, họ bám núi mà sống. Từ những viên đá hòn gạch xây chùa đến những cây nước đá, thùng nước ngọt cho quán ven đường, gạo muối cho khách hành hương… họ đều nhận mang vác. Đường dốc đá gập ghềnh, có lúc dốc thẳng đứng, mồ hôi, đổ ròng xuống mỗi bước chân nặng nề cố bám chặt vào đá núi…
Ba giờ chiều một ngày đầu năm, tôi tà tà lên núi. Nắng hãy còn rất gắt. Nắng như dội lửa vào dòng người hành hương lên chùa Bà. Len lỏi giữa dòng người trẩy hội là những người khuân vác. Họ cắm cúi bước từng bước thật chậm. Lưng người nào cũng cong gập xuống với những thùng hàng được chằng buộc cẩn thận bên trên. Họ không màng đến người bên cạnh, không màng đến việc có người theo chụp ảnh, hỏi han. Bởi chỉ cần vô ý một chút là vấp chân, té ngã. Nhẹ thì bong gân sai khớp, nặng thì đổ máu ăn thua. Bởi đường lên núi dẫu đã được làm từng bậc tam cấp đá, nhưng rất hẹp, có nơi dốc đứng, sơ sẩy một chút thôi là tai nạn như chơi. Đó là chưa kể phải tìm cách lách mình giữa dòng người đông ken mùa lễ hội để lên đến nơi cho kịp yêu cầu của chủ quán. Đôi khi, họ phải rời đường chính, len bừa vào những tảng đá, bụi cây để đi tắt cho nhanh.
Tôi đi chậm rãi theo một người phu đang vác ba thùng nước suối. Mồ hôi đổ ròng từ đầu tới chân anh như dội nước. Mắt cắm thẳng xuống chân, anh buớc từng bước, chậm mà chắc, bước chân rất đều. Đến khi anh gá thùng hàng xuống một quán ven đường, tôi mới có dịp xin “đặc tả” gương mặt anh một chút.
Đó là anh Đặng Văn Sớm, 58 tuổi. Người có thâm niên gần 20 năm trong nghề. “Còn một người nữa, đồng tuổi với tui nhưng mà đã làm nghề hăm mấy năm rồi. Khu vực này, hỏi ông Tài đó, ai cũng biết!”.
Anh Sớm có 3 người con. Trừ cô con gái út, hai người con trai cũng theo nghề cha, bám núi mà sống từ lúc biết vác bao lúa. “Làm mướn ở đâu cũng vậy. Làm ở đây cực thiệt nhưng thu nhập ổn định hơn”. – anh Sớm nói.
Tính ra thu nhập từ nghề khuân vác ở đây cũng tạm ổn. Thù lao 35.000đ – 50.000đ cho mỗi cây nước đá, tuỳ theo khu vực, mỗi ngày vác từ 5 – 7 chuyến hàng như vậy, cũng đủ sống. Chưa kể, những ngày cao điểm, phải “chạy” đến 8 – 9 chuyến. Nhưng có một điều không thể lạc quan, sức khoẻ của những người làm công việc nặng nhọc ấy bị rút cạn kiệt từng ngày và không có chuyện bảo hiểm rủi ro!
Anh Bình, một người đã có 8 năm trong nghề khuân vác trên núi thở hắt ra khi ngồi nghỉ mệt bên cây nước đá: “Gian nan lắm chớ phải chơi đâu… Sáu giờ sáng có mặt tại kho nước đá, tám chín giờ đêm mới về tới nhà, miếng cơm trong miệng ăn không biết mặn lạt, đặt lưng xuống giường mà không có cảm giác là mình ngủ trên giường. Đừng nói chuyện tắm táp vệ sinh với tụi tui, toàn tắm… đờ mi không à. Tức là xối đại một thùng nước lên đầu là coi như xong rồi đó!”. Anh nhớ lại hồi mới đi làm, xong ngày làm đầu tiên phải… nghỉ 3 ngày. Đến lúc khoẻ khoẻ đi làm trở lại, vừa tới chân núi anh đã thấy… xây xẩm mặt mày! Trung bình mỗi cây nước đá hoặc một vác hàng như vậy nặng từ 50 – 70kg, chỉ nghe không thôi đã thấy mồ hôi rịn ướt toàn thân, nói gì vác lên! Nhưng rồi vì bức bách mưu sinh, cũng phải cố. Đến lúc quen rồi, hôm nào mưa gió không đi vác hàng thì lại thấy… nhớ nhớ!
Hầu hết những người trong đội bốc vác ở núi Bà là dân tứ xứ, đa số là dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An… Có người làm theo thời vụ, chỉ những lúc hội hè lễ tết đông người, nhưng cũng có người bám trụ quanh năm. Mối thường xuyên của họ là những quán hàng dọc theo đường lên núi. Cứ mỗi người “lãnh” một quán, rồi tuỳ nhu cầu của quán mà làm việc. Ngoài ra, họ còn nhận cõng vật liệu xây dựng cho những nơi có yêu cầu, tính theo ký lô một chuyến hàng.
Tôi bất ngờ gặp anh bạn trẻ ở đơn vị Xã đội Suối Đá (huyện Dương Minh Châu), đoạt giải nhất cuộc thi chinh phục đỉnh núi Bà Đen nhiều năm liền trong bộ đồng phục bốc vác ở chân núi. Anh cười bẽn lẽn: “Năm nay em hết thi rồi! Thiệt ra, em leo giỏi là vì tuần nào cũng lên đỉnh hết. Em vác lương thực, thực phẩm cho mấy anh kỹ thuật của Đài Truyền hình trên đó mà”. Tôi trợn mắt: “Cao dữ thần vậy thì tính công cán ra sao?”. “Dạ, tính công bằng… ký lô. Cứ mỗi ký hàng là hai ngàn đồng. Nói vậy chứ đi đỉnh… thiệt hơn cõng hàng dưới này. Vì đi lên tới nơi rồi xuống là mất đứt một ngày trời…”.
Khó kiếm ra một gương mặt trai trẻ trong đội ngũ những người làm cái nghề cần đến sức vóc ấy. Hầu hết những người trong đội ngũ khuân vác đều là lớp trung niên. Do gắn bó nhiều năm trong nghề và có kinh nghiệm, họ giữ được sức khoẻ dẻo dai để “chiến đấu” với chén cơm manh áo hàng ngày.
“Đám trẻ tuy có sức nhưng thiếu kinh nghiệm, liều lĩnh, sốc nổi… nên không thể nào theo nghề này nổi đâu. Người ta kêu giờ nào là phải chạy giờ đó, bất kể trưa sớm, nắng mưa. Mà phải giữ bình tĩnh, không được giận hờn, không được để lòng tức bực vì thấy vậy chứ nó phá sức ghê lắm. Lạng quạng là không làm nổi đâu. Đó, lúc bỏ vác nước đá xuống rồi, người dù đã quen việc như tui nè, cũng còn thấy người lơ lơ lửng lửng, bữa nào yếu trong người là về nhà bưng chén cơm không nổi, nói chi ăn!” – anh Sớm tâm sự.
Chiều muộn. Những người lên núi qua đêm bắt đầu đông dần trên những lối đi. Chen giữa họ, vẫn có những chiếc bóng nhỏ thó, liêu xiêu dưới sức nặng của những cây nước đá, âm thầm bấm chân vượt dốc.
CẨM GIANG