BAOTAYNINH.VN trên Google News

Công nghiệp nông thôn Tây Ninh: Có phát triển, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng

Cập nhật ngày: 28/02/2012 - 05:59

Ngành công nghiệp ở Tây Ninh trong những năm gần đây có tốc độ tăng trưởng khá cao so với các ngành khác. Trong năm 2011, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng 14% so với năm trước, trong đó riêng giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng đến 22%. Đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ này có phần đáng kể của các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn nông thôn ở Tây Ninh- còn được gọi là công nghiệp nông thôn. Theo đánh giá của ngành chức năng, công nghiệp nông thôn ở Tây Ninh trong những năm qua đã có sự phát triển, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.

Một sơ sở chế biến khoai mì ở nông thôn Tây Ninh

Theo Sở Công thương, công nghiệp nông thôn được hiểu là “một bộ phận của công nghiệp, phân bố sản xuất trên địa bàn nông thôn, gắn bó mật thiết với kinh tế nông nghiệp và đời sống xã hội ở nông thôn, do chính quyền địa phương quản lý về mặt Nhà nước”. Như vậy, công nghiệp nông thôn không bao gồm những cơ sở sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài, trong các khu công nghiệp tập trung và các cơ sở sản xuất tại các phường thuộc Thị xã. Từ cách hiểu như vậy và qua đánh giá trong những năm qua cho thấy, công nghiệp nông thôn ở Tây Ninh có giá trị sản xuất ngày càng tăng.

Theo thống kê của ngành chức năng, trong những năm gần đây, số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn nông thôn Tây Ninh tiếp tục tăng. Năm 2007, toàn tỉnh có khoảng 6.680 cơ sở sản xuất công nghiệp ở khu vực nông thôn. Đến năm 2011, số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn vào khoảng 6.850 cơ sở- tăng hơn khoảng 170 cơ sở. Số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ở các huyện và Thị xã đều tăng. Song song đó, quy mô sản xuất bình quân của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn cũng có tăng và doanh thu bình quân mỗi lao động công nghiệp nông thôn năm 2011 đạt hơn 40 triệu đồng. Sản lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn ngày càng gia tăng theo. Riêng nhóm các sản phẩm chế biến nông, lâm, thuỷ sản có tốc độ tăng khá cao. Đến năm 2011, trên địa bàn nông thôn ở Tây Ninh có: gần 80 cơ sở chế biến tinh bột khoai mì- trong đó có 4 cơ sở có công suất đạt từ hơn 100 đến 200 tấn bột/ngày; 10 cơ sở chế biến hạt điều nhân với sản lượng khoảng 12.000 tấn/năm- tăng hơn 5 năm trước trên 3.000 tấn/năm; 34 cơ sở chế biến mủ cao su với tổng công suất khoảng hơn 100.000 tấn/năm… Ngoài ra, các nhóm mặt hàng dệt may, vật liệu xây dựng, công cụ cơ khí, chế biến gỗ cũng có sự phát triển. Đặc biệt, trong những năm qua có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư thay đổi công nghệ mới để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Do đó mà giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn trong những năm qua gia tăng khá mạnh trong khi số lượng cơ sở sản xuất tăng không nhiều. Theo con số khảo sát được, năm 2005 giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 1.100 tỷ đồng thì năm 2007 tăng lên hơn 1.400 tỷ đồng và năm 2011 tiếp tục tăng lên hơn 2.000 tỷ đồng.

Ứng dụng khoa học, cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp

Sự phát triển công nghiệp nông thôn đã góp phần đáng kể vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thúc đẩy quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn ở Tây Ninh. Tuy nhiên, lĩnh vực công nghiệp nông thôn ở Tây Ninh vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Hạn chế lớn nhất là hầu hết cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có quy mô nhỏ, thiếu tiềm lực về tài chính, vốn đầu tư ban đầu và vốn lưu động ít. Thiếu vốn khiến cho nhiều cơ sở không thể mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Hạn chế kế đến là nhận thức về tầm quan trọng của kênh phân phối sản phẩm chưa cao, chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu. Tiếp cận thông tin thị trường cũng hạn chế, nhiều cơ sở quyết định sản xuất kinh doanh theo kinh nghiệm và cảm tính nên hiệu quả chưa cao. Đặc biệt là trình độ về văn hoá, chuyên môn, kỹ thuật của lao động nông thôn thấp hơn nhiều so với lao động ở thành thị. Ở nông thôn, lao động có trình độ văn hoá phổ biến ở bậc trung học cơ sở nên khả năng nắm bắt công nghệ kỹ thuật có nhiều hạn chế.

Tây Ninh là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi cho giao lưu kinh tế với các vùng cũng như có nhiều tiềm năng cho sự phát triển công nghiệp nông thôn. Trong những năm qua, công nghiệp nông thôn ở Tây Ninh phát triển đa dạng, với nhiều ngành nghề và đã đạt được những thành tựu đáng kể. Để công nghiệp nông thôn ở Tây Ninh tiếp tục phát triển mạnh, ổn định và bền vững hơn, cần phải có phương hướng nhất quán, giải pháp phù hợp. Và ngoài sự nỗ lực của các cơ sở sản xuất còn cần có sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho lĩnh vực công nghiệp nông thôn phát triển.

Sơn Trần

 

 


Liên kết hữu ích