BAOTAYNINH.VN trên Google News

Công nhân lao động: Không dễ chọn nơi gửi trẻ

Cập nhật ngày: 16/12/2010 - 05:51

Sau vụ bảo mẫu hành hạ trẻ em ở Bình Dương vào cuối tháng 11 vừa qua, việc gửi con của công nhân trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm. Ở Tây Ninh hiện có một số khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất tập trung số lượng lớn người lao động. Tìm chỗ nào gửi con an toàn để có thể yên tâm làm việc cũng là mối bận tâm của nhiều cặp vợ chồng công nhân có con nhỏ. Tính đến thời điểm này, ở Tây Ninh chưa phát hiện vụ bạo hành nghiêm trọng nào ở các cơ sở nuôi dạy trẻ nhưng thực tế cũng đang đặt ra một số điều đáng lưu tâm...

Bài viết này chỉ mới phản ánh một góc nhỏ, trong một phạm vi nhỏ so với thực tế đang diễn ra của tỉnh nhà.

Trường công: thiếu giáo viên

Các cháu bé ở lớp mầm non tư thục Hoa Mai

2 hôm trước, chúng tôi đã tìm đến Khu công nghiệp – chế xuất Linh Trung III (đóng trên địa bàn xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng) – nơi tập trung số lượng công nhân đông nhất ở tỉnh Tây Ninh hiện nay. Ở đây hiện có 4 điểm giữ trẻ tư thục và một trường mẫu giáo công lập. “Quá tải” là tình hình chung ở cả 5 cơ sở nuôi dạy trẻ này. Trong thực tế vẫn còn nhiều trẻ nhỏ dưới 3 tuổi không được gửi vào trường lớp.

Trường Mẫu giáo Rạng Đông (ấp An Bình) là trường nuôi dạy trẻ công lập có quy mô lớn và hiện đại nhất ở xã An Tịnh hiện nay. Trường mới xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 7.2010. Trường có 8 phòng, trong đó 7 phòng phục vụ cho việc dạy học. Các phòng học đều rộng, trang trí đẹp, nhiều đồ chơi, có đầy đủ đồ dùng dạy học, được trang bị ti vi, quạt máy. Hiện tại, trường đang nuôi dạy 303 trẻ theo chế độ bán trú. Có tất cả 7 lớp, nhưng chỉ có 8 giáo viên phụ trách. Cô Nguyễn Thị Bạch, Hiệu trưởng trường cho biết: Trường đang thiếu giáo viên trầm trọng. Theo quy định, ở lớp 5 tuổi số lượng học sinh tối đa chỉ 35 nhưng thực tế, mỗi lớp ở đây đều có từ 40 – 48 trẻ. Lẽ ra trường phải nhận tất cả trẻ từ 3 – 5 tuổi nhưng hiện chỉ có thể nhận trẻ 4 – 5 tuổi. Vì thế đã gây không ít lời phàn nàn thậm chí… gây gổ từ phía các bậc cha mẹ của các cháu. Do thiếu giáo viên nên ngày nào cũng vậy, cứ đến giờ ăn trưa, giờ tắm rửa cho trẻ, Ban giám hiệu và hai nhân viên văn phòng của trường cũng phải toả ra, đến các lớp để phụ một tay với giáo viên. Trung bình mỗi một giáo viên phải phụ trách cả một lớp nên rất mệt. Có nhiều giáo viên chỉ mới nhận nhiệm vụ ngày đầu tiên đã bị… tắt tiếng. Một số cô chịu không nổi, đã tính đến chuyện xin nghỉ việc.

“Sắp tới, huyện có kế hoạch xây dựng thêm 2 phòng học nữa nhưng nếu không có đủ giáo viên, tôi sẽ kiên quyết không nhận học sinh. Vì lỡ xảy ra sự cố gì cho học sinh, ai sẽ chịu trách nhiệm”, cô Bạch nói.

Cơ sở tư: chưa đảm bảo

Chúng tôi cũng đã thử đến tham quan hai lớp mầm non tư thục ở khu công nghiệp và nhận thấy cả hai nơi này đều bộc lộ những vấn đề chưa thể an tâm. Lớp mầm non tư thục Hoa Mai (ấp Suối Sâu) nằm ngay mặt tiền đường Xuyên Á, gần như đối diện với Khu công nghiệp – chế xuất Linh Trung III, vị trí khá thuận tiện cho việc đưa đón trẻ. Nhưng mặt bằng cơ sở này lại khá hẹp. Đó là một căn nhà có diện tích khoảng 4mx10m, xây cất theo kiểu nhà ở. Nhà trước dùng làm nơi sinh hoạt chung cho các cháu, kế đến là một phòng ngủ, không cửa sổ, không máy lạnh, chỉ có một cây quạt trên tường, trông rất ngộp. Phía sau có bếp nấu ăn, nhà vệ sinh. Tường nhà do lâu ngày không được sơn phết nhìn không được sạch sẽ mấy. Trong lớp học không thấy đồ chơi, đồ dùng dạy học. Sân chơi cho trẻ cũng không thấy. Mặc dù ngoài biển hiệu ghi rõ nhận giữ trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi nhưng hiện tại cơ sở chỉ nhận trẻ từ 2 tuổi trở lên. Lớp hiện có 30 trẻ bán trú, đa số là con của công nhân, do 2 giáo viên và 2 bảo mẫu đảm trách. Cô Phạm Thị Thanh Tuyền, 41 tuổi, chủ cơ sở Hoa Mai cho biết: cô thuê mặt bằng mở lớp này đã được 3 năm.

Riêng lớp mầm non tư thục Ban Mai (ấp An Khương) tuy nằm sâu trong hẻm nhưng có mặt bằng tương đối rộng, xung quanh nhiều cây xanh rợp mát. Cơ sở được cải tạo lại từ nhà ở, có xây thêm hai phòng học. Hiện tại cơ sở này đang nuôi dạy bán trú khoảng 100 trẻ là con của công nhân. Trong các phòng học có khá nhiều đồ chơi trẻ em, đồ dùng dạy học. Điều đáng lo ngại là lớp học của các cháu nằm cạnh một… chuồng heo. Hố chứa phân heo cách lớp học chỉ một hàng rào kẽm gai. Chủ nhà đã khéo léo dùng các băng rôn quảng cáo giăng dọc theo hàng rào để che chắn bớt nhưng vẫn không ngăn nổi mùi phân heo cứ xộc vào. Bà Nguyễn Thị Sữa, chủ cơ sở cho biết: “Chuồng nuôi heo của người hàng xóm. Chúng tôi đã đề nghị thu dọn bớt nhưng hình như họ mới thả nuôi thêm vài con nữa”. 
Mai này ra sao?

Hiện nay, Tây Ninh chỉ mới có một vài khu, cụm công nghiệp hoạt động nhưng tình hình nuôi giữ trẻ của con em công nhân đã bộc lộ nhiều vấn đề khó khăn, bất cập như nói trên. Mai này khi có thêm nhiều khu công nghiệp đi vào hoạt động, số lượng người lao động sẽ tăng lên, tất yếu nhu cầu gửi con của các gia đình công nhân cũng sẽ tăng theo. Điều đó đặt ra bài toán cần phải giải quyết là phải đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống trường học, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non như thế nào cho đồng bộ, tương xứng với sự phát triển về kinh tế, văn hoá… của xã hội?

“Hiện nay, trên địa bàn này có khoảng 20.000 công nhân đến tạm trú. Nhưng chỉ mới có khoảng 200 con em của công nhân (từ 4 – 5 tuổi) được gửi vào các trường mẫu giáo, lớp mầm non tư thục. Số trẻ còn lại, cha mẹ các bé buộc phải gửi đến Trường mẫu giáo thị trấn Trảng Bàng. Các công nhân địa phương thường chọn giải pháp gửi con cho bên nội, ngoại. Những công nhân ở xa thì rước cha, mẹ đến cùng ở nhà trọ để trông giữ cháu. Sắp tới, huyện sẽ đầu tư xây dựng thêm 2 phòng học tại Trường Mẫu giáo Rạng Đông để giảm bớt áp lực này”. (Ý kiến của bà Phan Thị Bạch Yến, Phó Chủ tịch UBND xã An Tịnh)

ĐẠi Dương - Võ CưỜng