Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
“3 tại chỗ” tại các KCN, KCX:
Công nhân ở lại được lo chỗ ăn ở, được thưởng tiền
Thứ bảy: 11:08 ngày 24/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - 158 doanh nghiệp ở Tây Ninh đăng ký triển khai biện pháp thực hiện “3 tại chỗ”, với gần 52.000 công nhân để bảo vệ an toàn sản xuất trước sự xâm nhập của dịch bệnh Covid-19.

Các doanh nghiệp bố trí chỗ ăn ở, hỗ trợ thêm 2 triệu - 3 triệu đồng/người cho công nhân, nhân viên ở lại nhà máy, xí nghiệp.

Vận động người lao động ở lại ảo đảm sản xuất kinh doanh

Trước sự xâm nhập nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, vấn đề thực hiện “mục tiêu kép” tại các doanh nghiệp, nhất là các khu công nghiệp, khu chế xuất (gọi tắt là KCN) được tỉnh Tây Ninh đặc biệt quan tâm.

Trong đó, tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp tập trung triển khai phương án “3 tại chỗ”, gồm sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ để vừa sản xuất, vừa cách ly bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhất là trong thời gian Tây Ninh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hầu hết các doanh nghiệp cấp tốc triển khai, bố trí chỗ ăn ở, hỗ trợ thêm 2 triệu đến 3 triệu đồng/người cho công nhân, nhân viên (gọi tắt là NLĐ) ở lại nhà máy, xí nghiệp để tránh lây lan dịch bệnh và đảm bảo sản xuất. Trước khi vào ở, các doanh nghiệp đều tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn thể NLĐ, cho xe đưa đón tập trung đến nơi làm việc.

Doanh nghiệp khác bố trí giường gỗ cho NLĐ ở lại

Tại Khu Công nghiệp Phước Đông, Công ty TNHH dệt kim Lian Ta Hsing (Việt Nam) đã vận động hơn 200 công nhân ở lại nhà máy từ ngày 18.7. Mọi sinh hoạt cần thiết đều được công ty tạo điều kiện tối đa, đảm bảo đầy đủ vật chất cho NLĐ yên tâm ở lại công ty sau giờ làm việc. Mỗi công nhân được hỗ trợ lều ngủ, chăn đắp, bố trí chỗ ngủ có máy lạnh (mỗi phòng 5 lều, nam riêng, nữ riêng), hỗ trợ suất ăn 3 bữa miễn phí, trợ cấp thêm 2 triệu đồng/NLĐ.

Ông Tsai Ying Nan- đại diện Công ty Lian Ta Hsing cho biết, từ ngày 28.6, công ty đã lập phiếu khảo sát gửi cho toàn thể nhân viên, NLĐ trong công ty, có 145 NLĐ tự nguyện ở lại. “Công ty chúng tôi rất hoan nghênh khi NLĐ sẵn sàng hợp tác với công ty để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp này.

Công ty này còn thành lập đội lưu trú tự quản và hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Trường hợp khác, nếu công ty áp dụng các biện pháp cách ly tích cực, không một NLĐ nào được phép vào nhà máy cho đến khi dịch được khống chế hoặc công ty thực hiện quyết định mới”- ông Tsai Ying Nan nói.

Sau khi đã bố trí ổn định phương án “3 tại chỗ”, toàn thể nhân viên công ty Lian Ta Hsing (Việt Nam) đều được test nhanh Covid-19, trường hợp âm tính mới chấp nhận lưu trú tại chỗ. Đến thời điểm hiện tại, 100% đều âm tính sau khi test lần 2.

Khu vực nhà ăn cũng được doanh nghiệp bố trí lệch ca, bảo đảm giãn cách.

Còn tại Khu chế xuất Linh Trung III, Công ty TNHH MTV Gỗ Khang Đạt (Việt Nam) quyết định chi hỗ trợ cho NLĐ ở lại công ty 2 triệu đồng/người/tháng, sắp xếp giường ngủ và lo suất ăn 3 bữa/ngày.

Công ty TNHH sản xuất da Xiang Jiang Group VN (KCN Thành Thành Công) đã tận dụng các khu nhà tập thể hiện có, mua thêm lều, sắp xếp tạo điều kiện cho 210 NLĐ nghỉ ngơi. Trước đó, doanh nghiệp này hỗ trợ 2 triệu đồng/người cho NLĐ ở lại nhà máy làm việc chỉ trong 2 tuần (từ 28.6 đến 10.7).

Đại diện công ty cho biết thêm, đợt giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, dù công ty không tiếp tục chi hỗ trợ, nhưng vẫn thực hiện các chính sách ưu đãi khác cho NLĐ (lo ăn, ở, cung cấp các vật dụng thiết yếu khác…), sau gần một tuần thực hiện “3 tại chỗ”, hầu hết NLĐ công ty đều vui vẻ, phấn khởi làm việc.

Ưu tiên bảo vệ sức khỏe người lao động trước

Bà Nguyễn Thị Kim Liên- Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh cho biết, phương án khuyến khích, vận động và chi hỗ trợ cho NLĐ ở lại là một cách hài hòa, giúp NLĐ yên tâm hơn, doanh nghiệp giữ được nhịp sản xuất trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trước và sau khi áp dụng “3 tại chỗ”, các doanh nghiệp đã chủ động thực hiện nghiêm ngặt biện pháp phòng dịch, đồng thời tạo mọi điều kiện cho NLĐ an tâm khi ở lại.

Đáng chú ý, trước ngày giãn cách, một số công ty đã chủ động thông báo tạm dừng sản xuất để đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19, nhưng vẫn trả lương theo mức tối thiểu vùng (3.430.000 đồng/tháng), tham gia đầy đủ bảo hiểm cho NLĐ.

Các doanh nghiệp bảo vệ sức sức khỏe của NLĐ trước, sau khi dịch bệnh được đánh giá an toàn thì tiếp tục đẩy mạnh sản xuất. Hiện có 88 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, với hơn 81.000 công nhân.

Sau khi đã bố trí ổn định phương án “3 tại chỗ”, toàn thể NLĐ phải test nhanh Covid-19, trường hợp âm tính mới chấp nhận lưu trú tại chỗ.

Theo Công đoàn Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, để bảo đảm công tác kiểm soát dịch trong các khu công nghiệp, hiện có 158 doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” trong sản xuất với gần 52.000 NLĐ; 1 doanh nghiệp thực hiện “1 cung đường 2 địa điểm”; 14 doanh nghiệp đăng ký hoạt động vừa thực hiện “3 tại chỗ”, vừa thực hiện đưa rước đến nơi làm việc.

Hầu hết các doanh nghiệp đang sản xuất (không thực hiện “3 tại chỗ”) đều đảm bảo đưa đón tập trung cho 100% NLĐ làm việc trong công ty và yêu cầu phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà, không di chuyển nhiều nơi để bảo đảm phòng, chống dịch.

Tất cả NLĐ khi đến nơi làm việc phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn, giữ khoảng cách, các khu vực trong công ty, nhà máy đều được phun khử khuẩn. Doanh nghiệp bố trí làm việc lệch ca, bảo đảm giãn cách trong sản xuất, ăn uống…

“Dù có những khó khăn phát sinh, nhưng doanh nghiệp và NLĐ đều nhận thức được tầm quan trọng khi chung tay phòng, chống dịch Covid-19. Đây cũng là nỗ lực rất lớn mà các doanh nghiệp quan tâm chăm lo đời sống, sức khỏe cho NLĐ. Sức khỏe của NLĐ phải được ưu tiên hàng đầu”- bà Liên nói.

Sau khi đã bố trí ổn định phương án “3 tại chỗ”, toàn thể NLĐ phải test nhanh Covid-19, trường hợp âm tính mới chấp nhận lưu trú tại chỗ.

Bà cho biết thêm, Công đoàn Ban quản lý sẽ giám sát đời sống của NLĐ trong quá trình ở lại, sẽ luôn đồng hành, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để doanh nghiệp và NLĐ cùng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong KCN. Song song đó, Công đoàn Ban quản lý đã trích quỹ công đoàn để hỗ trợ các trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 (3 triệu đồng/trường hợp F0, 2 triệu đồng/trường hợp F1) tại KCN, KCX.

Theo Ban quản lý Khu Kinh tinh tế tỉnh, tính đến ngày 22.7.2021, qua quá trình kiểm tra các doanh nghiệp tại KCN, KCX, có 7 công ty phải tạm dừng hoạt động do không đảm bảo các điều kiện hoạt động “3 tại chỗ”: Công ty May mặc Lang Ham; Công ty đầu tư thể thao toàn năng; Công ty Dệt Phước Thịnh; Công ty HaoJao; Công ty Da Đức Tín; Công ty TST; Công ty Neeu.

Tâm Giang

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục