Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Công tác giám định tư pháp có chuyển biến tích cực
Thứ hai: 18:02 ngày 16/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vừa qua, đoàn giám sát của Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh do ông Phạm Hùng Thái- Trưởng ban Pháp chế chủ trì, đã có buổi làm việc với Sở Tư pháp, Sở Tài chính để thực hiện giám sát về công tác giám định, định giá, đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh từ ngày 1.1.2015 đến ngày 28.2.2018.

Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Thành Tâm- Chủ tịch HĐND tỉnh.

Báo cáo với đoàn giám sát, lãnh đạo Sở Tư pháp cho biết, hoạt động giám định tư pháp là một công cụ quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và công tác thi hành án hình sự, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật.

Ông Phạm Hùng Thái- Trưởng ban Pháp chế Hội HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát.

Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về hoạt động giám định tư pháp tại địa phương luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh.

Đặc biệt, kể từ khi thực hiện đề án “Đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”, hàng năm Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trong việc rà soát, lựa chọn những công chức, viên chức có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý để phối hợp với Sở Tư pháp đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 tổ chức giám định tư pháp công lập theo quy định của Luật giám định tư pháp năm 2012, gồm Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh và Trung tâm pháp y Tây Ninh trực thuộc Sở Y tế tỉnh.

Từ năm 2015 đến tháng 2.2018, các tổ chức giám định tư pháp đã tiếp nhận 6.500 vụ việc trưng cầu, yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng và các tổ chức, cá nhân có yêu cầu.

Trong đó, chỉ riêng lĩnh vực pháp y là 2.309 vụ việc, lĩnh vực kỹ thuật hình sự 4.465 vụ việc, lĩnh vực tài chính 7 việc và lĩnh vực khác 7 vụ việc...

Theo Sở Tư pháp, hoạt động giám định của các tổ chức giám định tư pháp đáp ứng nhu cầu của các cơ quan tố tụng. Các giám định viên đều xác định được tầm quan trọng đối với công việc giám định nên các kết luận giám định đều chính xác; chấp hành nghiêm chỉnh đúng theo quy định pháp luật...

Tuy nhiên hoạt động giám định tư pháp trong tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tại địa phương chưa hình thành được đội ngũ giám định viên tư pháp theo vụ việc. Các cơ quan chuyên môn chưa quan tâm nhiều đến hoạt động giám định tư pháp chuyên ngành đang quản lý.

Đội ngũ giám định viên tư pháp hiện nay là 114 giám định viên, cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng phục vụ cho các cơ quan  tiến hành tố tụng của tỉnh.

Tuy nhiên, đa số đội ngũ giám định viên tư pháp chuyên về pháp y và kỹ thuật hình sự; đối với các lĩnh vực khác, lực lượng giám định viên khá mỏng, chưa có kinh nghiệm nên chưa thể đáp ứng yêu cầu giám định trong những vụ việc phức tạp...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Phạm Hùng Thái- Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh nhận định, từ năm 2015 đến nay hoạt động giám định tư pháp đã có chuyển biến tích cực, khắc phục được những tồn tại bấp cập trước đây.

Công tác phối hợp trong hoạt động giám định tư pháp cơ bản đảm bảo nhu cầu hoạt động của cơ quan tố tụng.

Ông Thái đề nghị Sở Tư pháp cần tham mưu cho UBND tỉnh khắc phục những hạn chế đã được các đại biểu nêu ra trong buổi giám sát; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nghiên cứu đề xuất tham mưu cho UBND tỉnh xem xét thành lập Văn phòng giám định tư pháp để phục vụ nhu cầu giám định tư pháp của các tổ chức, cá nhân…

Thiên Tâm

Tin cùng chuyên mục