BAOTAYNINH.VN trên Google News

Công tác hỗ trợ tái hoà nhập cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán trở về: Khó nhiều bề

Cập nhật ngày: 12/11/2010 - 07:23

Bài liên quan:

>> Phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ: Không dễ

 

Theo số liệu từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Tây Ninh, từ năm 2005 đến 7.2010, Sở đã tiếp nhận 58 phụ nữ và 3 trẻ em người Trung Quốc là nạn nhân từ nước ngoài về. Trong đó có 15 trường hợp là người ngoài tỉnh. Tất cả các đối tượng này đều được hỗ trợ ban đầu như đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội để ổn định về tâm lý, sức khoẻ, được hỗ trợ tiền tàu xe đi lại và đưa về gia đình, tiền ăn dọc đường, mua sắm vật liệu cá nhân sau đó đưa về địa phương. Mới đây Sở phối hợp với Tổ chức di dân quốc tế IOM hỗ trợ mua sắm dụng cụ học nghề, trợ vốn mua bán nhỏ, chăn nuôi cho 6 nạn nhân (mỗi nạn nhân được hỗ trợ 7,6 triệu đồng); phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giới thiệu học nghề cho 3 nạn nhân, hiện tại những người này đều đã có việc làm ổn định. Đoàn thể phụ nữ ở các địa phương cũng đã phối hợp với các cơ sở  dạy nghề miễn phí cho chị em. Trao đổi với chúng tôi về tình hình thực hiện Đề án 3 thuộc chương trình 130/CP của Thủ tướng Chính phủ về tiếp nhận hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về tại địa phương, bà Lê Thanh Hoàng, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Châu cho biết: năm 2009 chúng tôi đã làm hồ sơ hỗ trợ cho 2 đối tượng phụ nữ bị buôn bán trở về, trong năm 2010 cũng đã phối hợp với Hội Phụ nữ huyện tiếp cận và làm hồ sơ hỗ trợ tiếp cho 3 đối tượng vừa được trao trả về địa phương. Sau khi được tiếp nhận, các đối tượng đều được Sở LĐ-TB&XH trợ cấp khó khăn ban đầu là 750.000 đồng/người. Sau đó được Hội Phụ nữ huyện tạo điều kiện cho học nghề miễn phí.

Tại huyện Tân Biên, anh Lê Chí Sang, cán bộ phụ trách đề án thuộc Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: “Từ năm 2008 đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận 12 đối tượng phụ nữ là nạn nhân bị buôn bán trở về. Trong đó 5 nạn nhân được hỗ trợ tái hoà nhập bằng trợ cấp khó khăn ban đầu (mức 750.000 đồng/người từ Sở). Mới đây có một đối tượng vừa được nhận hỗ trợ lần hai từ một tổ chức nước ngoài thông qua Sở LĐ-TB&XH”. Hầu hết nạn nhân bị buôn bán trở về tại hai huyện kể trên đều phối hợp để được giới thiệu học nghề, tìm việc làm. 

Cần tạo việc làm cho phụ nữ ở nông thôn

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị buôn bán trở về cũng khá nhiêu khê. Yêu cầu trước nhất là nạn nhân phải có đầy đủ hồ sơ cần thiết xác nhận hoàn cảnh mới được xem xét, hỗ trợ. Điều này rất khó vì đa số nạn nhân tự mình trở về nên thường là không có hồ sơ. Việc tiếp  cận đối tượng của các ngành, đoàn thể chức năng thường gặp khó khăn do mặc cảm của các nạn nhân và định kiến xã hội. Có trường hợp nạn nhân cố tình khai địa chỉ sai lệch gây khó cho khâu rà soát, quản lý. Không ít trường hợp nạn nhân sau khi trở về lại đi khỏi địa phương và làm gì không ai biết!

Hầu hết những nạn nhân sau khi về tái hoà nhập cộng đồng đều gặp khó khăn về kinh tế. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến họ trở thành nạn nhân của bọn buôn người. Hiện nay, Tây Ninh không có nguồn vốn riêng để hỗ trợ cho đối tượng kể trên. Với số tiền trợ cấp khó khăn ban đầu và các mức hỗ trợ khác rất thấp xem ra việc hỗ trợ chỉ “tinh thần” là chính. Hầu hết chị em phụ nữ bị buôn bán trở về đều cần có một số vốn tương đối để có thể làm ăn, buôn bán nhỏ cải thiện cuộc sống gia đình. Chỉ một số chị em được tặng xe đạp, hỗ trợ vốn từ các dự án phối hợp với các tổ chức phi chính phủ, tổ chức nhân đạo, nhiều trường hợp khác phải nhờ vào các nguồn vốn tại địa phương (thường là cho vay dạng hộ nghèo, từ quỹ Hội Phụ nữ). Ở xã Mỏ Công (Tân Biên) đã xảy ra một trường hợp dở khóc dở cười là Hội Phụ nữ xã tiếp nhận nguồn vốn từ một chương trình của Hội Phụ nữ tỉnh cho hai đối tượng vay với số tiền 4 triệu đồng, lãi suất 1%. Cho đến nay, hai đối tượng này vẫn chưa hoàn được vốn mà trả lãi thì cũng hết khả năng vì cuộc sống quá khó khăn, trong đó có người đã bỏ đi nơi khác. Trong số các trường hợp được giới thiệu việc làm hay học nghề cũng xảy ra tương tự, có người không chấp nhận làm ở nơi được giới thiệu hoặc bỏ nơi học nghề để đi làm kiếm sống. Mới đây ở huyện Tân Châu, một nạn nhân được Hội Phụ nữ huyện giới thiệu cho học nghề miễn phí tại một cơ sở tận TP.HCM. Nhưng bao lâu sau đối tượng… bỏ đi mất dạng.

 Đa số phụ nữ bị buôn bán đều không có nghề nghiệp ổn định. Những năm gần đây, nhờ việc tuyên truyền được đẩy mạnh mà tình trạng phụ nữ lấy chồng nước ngoài (một trong các hình thức buôn người) giảm đi rõ rệt ở các địa phương. Trong 5 năm qua, Tân Biên có 69 trường hợp lấy chồng nước ngoài, Tân Châu có 204 trường hợp- giảm đáng kể so với hàng ngàn trường hợp trước đây.

Chúng tôi có dịp tiếp cận với một nạn nhân bị buôn bán trở về ở xã Hoà Hiệp (Tân Biên) được biết: từ khi được trở về đến nay, chị vẫn chưa có được cuộc sống ổn định. Chị rất mong được hỗ trợ một số vốn để có thể mở cửa hàng buôn bán nhỏ tại nhà, ổn định được cuộc sống cho mình. Đó cũng là tâm tư của một đối tượng khác ở xã Tân Thành (Tân Châu) sau khi trở về tái hoà nhập cộng đồng, cuộc sống cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Những đối tượng dễ bị sa vào tay bọn buôn người thường có hoàn cảnh và công việc khá “nhạy cảm” vì thế việc tiếp cận, tuyên truyền và hỗ trợ tích cực cho các đối tượng này là rất cần thiết. Việc rà soát, tiếp cận đối tượng cần chính xác và kịp thời hơn để có biện pháp giúp đỡ hiệu quả. Ở một số nơi, cán bộ địa phương vẫn chưa sâu sát trong nắm bắt tình hình, tiếp cận đối tượng. Một phần cũng do thiếu nguồn nhân lực (thường chỉ là cán bộ làm kiêm nhiệm). Việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao thực hiện song song với các chương trình xã hội khác như đào tạo nghề, giới thiệu việc làm tạo cuộc sống ổn định sẽ góp phần kéo giảm tình trạng phụ nữ, trẻ em bị lừa gạt, buôn bán ra nước ngoài.

Việc triển khai và thực hiện đề án này là một việc làm có tính nhân đạo sâu sắc. Tuy nhiên, những khó khăn như trên đang rất cần sự phối hợp, chung tay tháo gỡ của các ban, ngành, đoàn thể có liên quan.

NGÔ TUYẾT