BAOTAYNINH.VN trên Google News

10 năm thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở:

Công tác hoà giải ngày càng chất lượng, hiệu quả 

Cập nhật ngày: 13/12/2023 - 15:29

BTN - Trong 10 năm, các cấp, ngành, địa phương đã tổ chức được 105 hội nghị với hơn 306.000 lượt hoà giải viên, 190 lượt tập huấn viên tham dự.

Ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp tặng giấy khen của Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh cho tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở.

Ngày 11.12, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở và sơ kết phong trào thi đua thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hoà giải ở cơ sở và xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại hội trường Sở Tư pháp và trực tuyến đến 9 điểm cầu UBND cấp huyện.

Đến dự hội nghị có ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh; ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh; ông Hồ Đức Hải- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh; đại diện lãnh đạo ban, ngành liên quan.

Trong 10 năm qua, các cấp, ngành tích cực tổ chức quán triệt, phổ biến, truyền thông Luật Hoà giải ở cơ sở và văn bản quy phạm chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, kịp thời chuyển tải các quy định của pháp luật về hoà giải đến toàn thể cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ về hoà giải ở cơ sở và nhân dân địa phương.

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hoà giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức như đăng tải 425 tin, bài, media trên Báo Tây Ninh, tuyên truyền trên đài phát thanh và loa truyền thanh hơn 15.300 giờ phát sóng; biên soạn, in ấn, phát hành 10.000 tờ gấp hỏi - đáp, 1.270 tài liệu tuyên truyền Luật Hoà giải ở cơ sở; tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp của ấp, khu phố được 4.690 cuộc với hơn 140.000 lượt người tham dự; đăng tải trên trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh, hệ thống thông tin ở cơ sở, nội san Tư pháp các bài viết, khẩu hiệu về quyền, nghĩa vụ các bên trong hoà giải ở cơ sở, chính sách của Nhà nước về hoà giải ở cơ sở…

Thực hiện đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”, UBND tỉnh và cấp huyện đã ban hành quyết định công nhận tập huấn viên về hoà giải ở cơ sở; kịp thời kiện toàn khi có thay đổi về nhân sự. Hiện toàn tỉnh có 5 tập huấn viên cấp tỉnh, 46 tập huấn viên cấp huyện.

Việc nâng cao năng lực cho đội ngũ tập huấn viên và hoà giải viên được địa phương đặc biệt quan tâm. Trong 10 năm, các cấp, ngành, địa phương đã tổ chức được 105 hội nghị với hơn 306.000 lượt hoà giải viên, 190 lượt tập huấn viên tham dự.

Uỷ ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các sở, ngành tỉnh, nhất là ngành Toà án, Công an đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tư pháp thông qua các hoạt động như sơ kết, tổng kết, đề nghị khen thưởng công tác hoà giải ở cơ sở; tổ chức các hội thi hoà giải viên giỏi; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở và kiến thức pháp luật cho tập huấn viên, hoà giải viên; hướng dẫn trong ngành Toà án các biện pháp xử lý chuyển hướng về hoà giải quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015…

Công tác hoà giải ở cơ sở ngày càng đi vào nề nếp, tỷ lệ hoà giải thành cao, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết trong nội bộ nhân dân, ổn định trật tự tại địa phương, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Hiện nay, toàn tỉnh có 542 tổ hoà giải với 4.084 hoà giải viên. Trong 10 năm, đã thụ lý 9.874 vụ (trong đó, không thuộc phạm vi hoà giải 42 vụ, rút đơn 73 vụ), đưa ra hoà giải 9.732 vụ (đạt tỷ lệ 100%), trong đó hoà giải thành 8.176 vụ (đạt 84,01%). Các vụ, việc mâu thuẫn, tranh chấp chủ yếu phát sinh trong sinh hoạt tại cộng đồng dân cư, liên quan đến lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai.

Phong trào thi đua thực hiện công tác PBGDPL; hoà giải ở cơ sở và xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2023 bảo đảm đạt các chỉ tiêu theo Kế hoạch số 995/KH-UBND của UBND tỉnh đã đề ra. Từ năm 2021 đến nay, đã có nhiều cá nhân, tập thể được khen thưởng trong công tác PBGDPL; hoà giải ở cơ sở và xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Trong giai đoạn 2021-2023, các cấp, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Kết quả, đã tổ chức hơn 48.900 cuộc tuyên truyền pháp luật với 1,7 triệu lượt người tham dự; 120 cuộc thi, hội thi tuyên truyền pháp luật; hơn 1,6 triệu tài liệu tuyên truyền pháp luật; 533 bài viết và 533 khẩu hiệu tuyên truyền trên Hệ thống thông tin ở cơ sở…

Ngoài ra, địa phương đã tổ chức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo đúng quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 09/2021/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Năm 2022, có 91/94 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Kết luận hội nghị, ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao kết quả của các cấp, ngành đạt được trong công tác PBGDPL, hoà giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, nhất là kết quả đạt được trong 10 năm thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở; những nỗ lực của đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị trong công tác PBGDPL, các cấp, ngành cần tăng cường tuyên truyền về vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, tầm quan trọng của việc tìm hiểu, chấp hành pháp luật của người dân; tìm tòi, áp dụng những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo trong công tác PBGDPL; đẩy mạnh các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chủ động tiếp cận, khai thác, tìm hiểu pháp luật; phát huy vai trò chủ động, tích cực, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm của thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp trong việc tham mưu cấp uỷ, UBND các cấp trong chỉ đạo, lãnh đạo triển khai toàn diện các mặt công tác PBGDPL; tập trung xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật có kiến thức pháp luật và nghiệp vụ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục xác định rõ công tác hoà giải ở cơ sở là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức triển khai, tuyên truyền, thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở. Vận động nhân dân khi có xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp thì lựa chọn phương thức hoà giải để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp.

Gắn công tác hoà giải ở cơ sở với việc giáo dục, vận động nhân dân ý thức tôn trọng, thực thi, tuân thủ pháp luật theo mục tiêu Nghị quyết 27-NQ/TW đề ra: “Đến năm 2030, thượng tôn pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của toàn xã hội”.

Tập trung xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, làm cơ sở quan trọng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, gắn với thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 3 tập thể, 7 cá nhân; Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh tặng giấy khen cho 3 tập thể, 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở; tặng giấy chứng nhận kèm tiền thưởng cho 16 tổ hoà giải đạt giải cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật về hoà giải ở cơ sở năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Thiên Di