Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Công tác hội mang lại những niềm vui
Thứ bảy: 01:30 ngày 22/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong công tác Hội, niềm vui đối với chị Võ Thị Hạnh là cùng với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội xây dựng được nhiều mô hình, chính sách để hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ và trẻ em.

Chị Hạnh (bìa phải) trao quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn

Toàn tỉnh có gần 800 cán bộ Hội Phụ nữ các cấp từ tỉnh đến chi hội. Với những người làm công tác Hội, không chỉ luôn cần mẫn đưa chính sách của Nhà nước đến gần hơn với người dân, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, mà còn kết nối những tấm lòng hảo tâm nhằm giúp những phận đời, hoàn cảnh đặc biệt có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống, mang lại những đổi thay ngày một tốt hơn cho phụ nữ và gia đình họ.

Cần mẫn với công tác Hội

Chị Võ Thị Hạnh- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Hoà Thành cho biết, năm 2019, khi nhận nhiệm vụ, chị lo lắng vì chưa hiểu hết về công tác Hội cũng như không có kinh nghiệm thực tiễn. “Nhờ có sự đồng hành, chỉ bảo tận tình của các cô, các chị đi trước, tôi dần trưởng thành hơn trong vai trò người cán bộ Hội”- chị Hạnh chia sẻ.

Chị Hạnh nói, nhờ tham gia công tác Hội Phụ nữ, chị biết đến các hoạt động ý nghĩa như chăm lo đời sống cho phụ nữ nghèo, yếu thế, phụ nữ và trẻ em khuyết tật, cán bộ, hội viên phụ nữ. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Hội và phong trào phụ nữ địa bàn Thị xã. Trong công tác Hội, niềm vui đối với chị là cùng với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội xây dựng được nhiều mô hình, chính sách để hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ và trẻ em. Thấy những phụ nữ yếu thế được giúp đỡ vượt qua khó khăn, tự tin vươn lên ổn định cuộc sống, những người cán bộ Hội như chị Hạnh rất vui, hạnh phúc.  

Năm 2019, vừa bước qua tuổi 30, chị Lương Thị Mỹ Dư- Chủ tịch Hội LHPN xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu mạnh dạn nhận công tác về Hội LHPN xã. Từng có 8 năm làm công tác Mặt trận, khi được phân công nhiệm vụ Chủ tịch Hội LHPN xã, chị Dư hiểu được cách làm của Hội. Bên cạnh đó, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng uỷ, UBND, sự phối hợp của các ngành, mạnh thường quân và các cô, các chị trong chi, tổ hội nên chị Dư tự tin hơn trong công việc.

Chị Dư bộc bạch: “Khi tham gia công tác Hội, tôi vừa vui vừa lo. Vui vì nếu mình làm tốt công tác sẽ giúp được cho nhiều người còn có hoàn cảnh khó khăn”. Những khó khăn đó cũng là động lực giúp chị cố gắng làm việc mỗi ngày. Hơn 3 năm gắn bó, chị Dư ngày càng yêu thích công việc, bởi chị tìm được rất nhiều niềm vui. “Tôi thấy vui vì trong công tác có cơ hội gặp gỡ, họp mặt với chị em, qua đó gắn kết tình cảm với nhau”.

Chị Quý (giữa) tham gia phiên chợ 0 đồng do Hội LHPN xã tổ chức.

Tham gia công tác Hội để tạo niềm vui cho chính mình

Không còn tham gia công tác Hội Phụ nữ đã nhiều năm, cô Trương Thị Thu Huyền (65 tuổi, ấp Đồng Kèn II, xã Tân Thành, huyện Tân Châu) vẫn nhớ những kỷ niệm rất đẹp trong gần 10 năm tham gia công tác. Từ năm 2003, cô Huyền tham gia công tác Hội Phụ nữ tại ấp. Bằng sự năng động và sáng tạo, cô Huyền đã giúp vực dậy phong trào phụ nữ ở địa phương. Những phụ nữ vùng xa quanh năm quen với ruộng rẫy được cô Huyền vận động đã tham gia vào những tổ, nhóm phụ nữ. Năm 2005, cô Huyền được bầu làm Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thành. Với cô Huyền, đó là khoảng thời gian đẹp, không thể quên.

Cô Huyền chia sẻ: “Không nghĩ đến lợi ích đâu, làm việc vì đam mê, yêu thích công việc là chính. Cái họ thu được chính là niềm vui”. Cô Huyền nói, cô tham gia công tác Hội vì thấy hoạt động Hội gần gũi với chị em phụ nữ. Cô nghĩ, mình là phụ nữ, cũng muốn góp phần phát triển những phong trào cho giới nữ.

Thời điểm đó, dẫu có nhiều khó khăn nhưng cô vẫn luôn hoàn thành xuất sắc công tác, đặc biệt là công tác dân vận, tuyển quân, phối hợp với các ngành. “Hơn 10 năm gặp lại, vẫn có người nhớ và nhận ra mình, cô rất vui và hạnh phúc vì điều này. Đó là những kỷ niệm dễ thương”- cô Huyền xúc động nói.

Tuy không còn làm ở Hội Phụ nữ, cô Huyền vẫn tích cực tham gia các hoạt động hội, đoàn thể ở địa phương. Mới đây, cô Huyền và những người bạn cùng đoàn thể ấp thành lập CLB Thể dục dưỡng sinh với hơn 50 người tham gia, có gây quỹ để giúp đỡ nhau, tạo sân chơi bổ ích cho phụ nữ trong ấp.

Chị Dư (bên trái) thăm hỏi hội viên sau khi nhận vốn khởi nghiệp.

Còn với chị Nguyễn Thị Cẩm Quý (ấp 4, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên), công tác Hội Phụ nữ giúp chị vượt qua được mặc cảm. Chị Quý bị tật một chân sau một lần sốt bại liệt. Khiếm khuyết khiến chị tự ti, mặc cảm trong suốt thời gian dài. Đến năm 2000, chị được động viên tham gia công tác Hội, dần tự tin và luôn tích cực trong các hoạt động của Hội.

Chị Quý chia sẻ: “Tham gia công tác Hội, với tôi là một bước ngoặt để thay đổi cuộc đời. Tôi dần lấy lại sự tự tin và có thêm nhiều mối quan hệ mới. Được đi nhiều, biết nhiều, tôi mới thấy rằng vẫn còn đó nhiều người bất hạnh hơn mình. Từ đó, tôi có thêm động lực để cố gắng hơn mỗi ngày”. Chị Quý từng giữ chức Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã; sau đó, chị nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, Chủ nhiệm CLB Người khuyết tật xã- những vị trí mà trước đây chị không dám nghĩ tới vì mặc cảm, tự ti. Hiện tại, chị Quý vẫn luôn tích cực trong công tác phụ nữ tại địa phương, lần họp mặt nào chị cũng tham gia, vừa cổ vũ phong trào, vừa lưu giữ những kỷ niệm đẹp.

Vi Xuân

Tin cùng chuyên mục