Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Thực trạng xét xử án dân sự liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất:
Công tác phối hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ
Thứ bảy: 12:41 ngày 27/12/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Thường trực HĐND, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên – Môi trường, UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác phối hợp với ngành Toà án, tăng cường kiểm tra, rà soát để cung cấp thông tin, bảo đảm chính xác và đúng quy định cho Toà án.

Theo quy định của pháp luật thì quan hệ giữa Uỷ ban nhân dân (UBND) với Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) và Toà án nhân dân (TAND) cùng cấp là mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan quản lý hành chính Nhà nước và cơ quan tư pháp ở địa phương. UBND cùng cấp tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan tư pháp thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật, bảo đảm thực thi pháp luật, các quyền và nghĩa vụ của mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

Qua khảo sát, giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho thấy, trong những năm gần đây, số lượng các vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất ngày một gia tăng. Theo nhận định của một số thẩm phán thì đây là loại án có tính chất phức tạp, khó giải quyết, từ việc đánh giá chứng cứ, thu thập chứng cứ đến việc áp dụng pháp luật.

Theo báo cáo của TAND tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 110 vụ án chờ ý kiến hoặc kết quả giải quyết của UBND các cấp. Do vậy, khi giải quyết các vụ án này ngành Toà án thường gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể là khi giải quyết các tranh chấp dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất thì ngành Toà án đều có văn bản đề nghị UBND cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cung cấp các thông tin có liên quan đến nguồn gốc, quá trình sử dụng đất.

Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến trả lời của UBND và ngành Tài nguyên – Môi trường đều chậm trễ, nhiều vụ án phải tạm đình chỉ để chờ thông tin phản hồi. Cụ thể như trường hợp bà Nguyễn Thị Hai tranh chấp với bà Nguyễn Thị Ri, được TAND huyện Bến Cầu tạm đình chỉ từ tháng 6.2010; vụ bà Đặng Thị Hai tranh chấp với ông Nguyễn Hoàng Sơn, được TAND huyện Bến Cầu tạm đình chỉ từ tháng 1.2012; vụ ông Hoàng Văn Kỳ tranh chấp với ông Nguyễn Văn Thực được TAND huyện Tân Châu tạm đình chỉ từ 11.2011…

Ngoài ra, để có cơ sở phản hồi thông tin cho ngành Toà án, nhiều trường hợp ngành Tài nguyên - Môi trường không tổ chức kiểm tra, rà soát lại thực tế nguồn gốc và quá trình sử dụng đất mà thường trả lời việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên là đúng quy định của pháp luật. Theo báo cáo của ngành Toà án thì gần như toàn bộ công văn trả lời của UBND đều xác định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều theo đúng thủ tục, quy trình.

Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng như cha mẹ lập di chúc để lại tài sản cho con, nhưng khi cha chết, mẹ còn sống đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn bộ cho con; hoặc khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người này mà người khác có tài sản trên đất không biết… dẫn đến tranh chấp. Điển hình như việc trả lời không đúng của UBND cũng dẫn đến xét xử sai như vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn bà Trần Tuyết Mai với bị đơn ông Đào Văn Phúc, Đào Văn Mon.

TAND huyện Châu Thành và TAND tỉnh đã 3 lần có công văn trao đổi nhưng UBND huyện Châu Thành đều xác định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho bà Mai là đúng quy định. Sau khi Toà án xét xử, án có hiệu lực thi hành đương sự khiếu nại nhiều nơi. Thanh tra huyện Châu Thành xác minh kết luận việc UBND huyện Châu Thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Mai là không đúng. Sau đó, UBND huyện Châu Thành cũng đã đính chính nội dung các công văn phúc đáp cho TAND huyện Châu Thành, TAND tỉnh trước đây là chưa chính xác…

Về phía ngành Toà án, mặc dù ý kiến của UBND không phải là ý kiến quyết định trong vụ án nhưng nó cũng đóng vai trò rất quan trọng. Nhiều trường hợp thẩm phán xét xử vụ án nhận định việc cấp giấy chứng nhận trên không đúng quy định của pháp luật, nhưng do áp lực công việc, giải quyết án chạy theo số lượng, có khi không đủ bản lĩnh để đánh giá là cấp sai nên đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Hệ quả là người dân phải lặn lội khiếu nại đến TAND tối cao để được xem xét lại theo trình tự thủ tục tái thẩm, giám đốc thẩm.

Qua thực trạng trên, Thường trực HĐND, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên – Môi trường, UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác phối hợp với ngành Toà án, tăng cường kiểm tra, rà soát để cung cấp thông tin, bảo đảm chính xác và đúng quy định cho Toà án. Từ đó hạn chế án quá hạn luật định, giúp cho hoạt động tố tụng bảo đảm khách quan, đúng pháp luật, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

KD

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục