BAOTAYNINH.VN trên Google News

Công trình đê bao tiểu vùng ấp Cẩm Bình: Bước khởi đầu cuộc chuyển mình của đất

Cập nhật ngày: 24/07/2009 - 08:53

Đê bao tiểu vùng ấp Cẩm Bình, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu là công trình đầu tư của Nhà nước với mục tiêu phân chia tiểu vùng nuôi trồng thuỷ sản kết hợp trồng lúa theo định hướng quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh giai đoạn 2010 – 2020. Công trình đã hoàn chỉnh phần xây dựng cơ bản vào cuối năm 2008 với diện tích trong khu vực đê bao là 120 ha. Bước đầu nó đã cho thấy tác dụng thiết thực là hình thành hệ thống thuỷ lợi kết hợp giao thông nội đồng, tạo thuận lợi cho việc đi lại sản xuất của người dân.

Công trình đã hoàn chỉnh phần xây dựng cơ bản.

Khu vực đê bao ấp Cẩm Bình, cách QL 22B khoảng 500m. Chúng tôi đến đúng vào vụ lúa hè thu. Phóng tầm mắt có thể thấy được bao quát các bờ đê chạy dài như những con lươn ôm trọn cánh đồng lúa đang trong thì làm đòng. Trên các bờ đê giờ đã trở thành đường đi cho nông dân ra đồng, xa xa xe máy đang dựng rải rác, những người nông dân đang chở phân bón, cỏ hay dụng cụ lao động ra đồng. Cả cánh đồng như đang chuyển mình một sức sống mới.

Gặp một nông dân là tổ trưởng tổ liên kết sản xuất, tôi hỏi thăm về công trình đê bao tiểu vùng, anh hồ hởi nói rằng: “Trước đây muốn đi làm ruộng, phải vác diêm tro từ ngoài bìa xóm vào. Còn bây giờ bỏ lên xe, chạy bon bon là đến ruộng, thuận lợi quá còn gì bằng”. Mục tiêu ban đầu của công trình đê bao Cẩm Bình là nhằm phát triển thuỷ sản trên vùng chuyên lúa nhưng khi hoàn thành xong, đê bao đã trở thành một hệ thống thuỷ lợi đa mục tiêu về nông nghiệp, giao thông, thuỷ sản.

Tuy nhiên, theo ý kiến một số nông dân và dựa trên thực tế mà chúng tôi quan sát, giao thông nội đồng trong khu vực nói trên còn nhiều vấn đề phải tiếp tục quan tâm. Với diện tích ruộng trong khu vực đê bao khoảng từ 50 – 70 ha thì việc chuyển phân bón đến cũng như thu hoạch nông sản cho những thửa bên trong trung tâm cánh đồng còn rất khó khăn. Đa số các mương dẫn nước hiện đã bị nghẹt dòng chảy do lâu ngày cỏ mọc và đất cát bồi lắng khiến thuyền ghe không đi lại được. Con mương dẫn nước rộng gần 10 m cắt ngang 2 khu đê bao gây trở ngại cho việc vận chuyển của nông dân. Hiện ở đây đang rất cần có một cái cầu để tạo sự thông suốt qua lại giữa các khu vực.

Việc hình thành tiểu vùng nuôi trồng thuỷ sản như mục tiêu dự án đề ra hiện đang được các ngành chức năng, cụ thể là ngành Nông nghiệp và PTNT của huyện triển khai thực hiện. Trước mắt là xây dựng các mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá cho một số hộ nông dân. Từ các mô hình này sẽ nhân rộng ra cho nhiều người cùng tham gia. Việc thiết kế đào ao nuôi cá sẽ tiến hành ngay sau khi thu hoạch lúa hè thu 2009. Song song đó, ngành Nông nghiệp cũng đang triển khai xây dựng vùng nhân giống lúa tập trung trong vụ mùa 2009 nhằm có nguồn giống lúa tốt, chủ động cung ứng cho nhu cầu sản xuất lúa vụ đông xuân 2009-2010.

Để phát huy hiệu quả của công trình đê bao tiểu vùng ấp Cẩm Bình, giải pháp khai thác hiệu quả vùng đê bao cần được đặt ra cho các cấp lãnh đạo, ngành chuyên môn từ huyện đến xã. Cần có định hướng, biện pháp và kế hoạch thực hiện cụ thể để đạt được mục đích. Thứ nhất là bảo vệ hệ thống công trình bền vững, điều tiết hợp lý phù hợp với điều kiện thực tế và sản xuất đạt hiệu quả cao nhất. Thứ hai là xác định được cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý để vừa tăng sản lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng lợi nhuận và hiệu quả kinh tế trong sản xuất, vừa bảo đảm tính bền vững an toàn sinh học đồng ruộng. Hiện tại, trong vùng đê bao đã có 6 tổ liên kết sản xuất lúa được hình thành, cũng cần có thêm một tổ làm nhiệm vụ bảo vệ hệ thống đê bao và điều tiết nước cho sản xuất một cách hợp lý, đúng kỹ thuật, phù hợp quy trình canh tác theo thời vụ và có thể chủ động, đối phó với tình hình nước. Mục tiêu đề ra trong kế hoạch thực hiện dự án là sẽ tăng 3 vụ sản xuất trong năm theo lịch canh tác trên quan điểm không ngăn lũ triệt để, mục đích vừa bảo vệ đất canh tác vừa tận dụng phù sa bồi đắp từ sông Vàm Cỏ Đông, đồng thời vệ sinh đồng ruộng, giải độc cho đất ruộng khi phải sản xuất liên tục, tạo sự trao đổi nước giữa trong và ngoài đê bao để hạn chế thấp nhất những tác động của biến đổi môi trường đến sản xuất nông nghiệp. Thâm canh tăng năng suất lúa bằng các biện pháp sử dụng giống tốt, bón phân hợp lý, phòng ngừa sâu bệnh kịp thời đúng quy trình, bổ sung các cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho vùng, có thể xen canh, luân canh cây màu hợp lý để đa dang hoá cây trồng vật nuôi, phát huy hiệu quả của vùng.

Công trình đê bao Cẩm Bình có thể xem như một mô hình điểm để phát triển nông nghiệp từng vùng. Gò Dầu vẫn còn nhiều vùng tương tự chưa được đầu tư khai thác. Việc vận hành hợp lý công trình và đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hiệu quả để phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng của vùng là cơ sở để xác định hướng đầu tư và các biện pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn huyện nhà trong thời gian tới.

NGUYỄN THỊ NHUNG