BAOTAYNINH.VN trên Google News

Công trình điện khí hoá nông thôn ở xã Suối Đá, huyện DMC: Không thể đưa vào sử dụng, trách nhiệm thuộc về ai?

Cập nhật ngày: 13/05/2009 - 05:33

Bà Phạm Thị Thường, bức xúc trình bày việc đường điện đi sát mái nhà

Xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu là một trong số ít xã ở Tây Ninh được Chính phủ quyết định đầu tư chương trình Điện khí hoá nông thôn. Chương trình này được triển khai cho cả 3 ấp trong hồ Dầu Tiếng là Tà Dơ, Đồng Kèn và Suối Bà Chiêm (khi ấy các ấp này còn thuộc xã Suối Đá). Năm 2007 thể theo nguyện vọng chính đáng của người dân địa phương, chương trình được bổ sung 4 tuyến trung thế tại 4 ấp, tổng trị giá hơn 800 triệu đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Trong quá trình thiết kế thi công, phía địa phương (xã Suối Đá) được giao nhiệm vụ: Tổ chức vận động nhân dân phát hoang, giải phóng mặt bằng. Bên thi công căn cứ vào thiết kế, đo vẽ, phóng tuyến, định vị vị trí trụ cột và dựng cột, kéo dây điện. Lúc bấy giờ, một số người dân có đường điện đi qua đất của mình đã có những phản ứng, không đồng tình. Phía thi công không cần biết cứ thi công, vì việc vận động, giải quyết khiếu nại là của chính quyền địa phương. Cuối năm 2007, cả 4 tuyến đường trung thế đã hoàn thành, nhưng không thể đóng điện cho dân sử dụng (Báo Tây Ninh đã có phản ánh). Lý do: Chưa phát hoang giải phóng xong hành lang an toàn lưới điện. Địa phương ra quân quyết liệt làm công tác vận động, kết quả tháng 2.2009 mới tổ chức đóng điện được 2 tuyến ở ấp Phước Bình 1 và ấp Phước Lợi 1. Tuyến ấp Tân Định 2 là tuyến người dân có nhiều thắc mắc, khiếu nại nhất, nhưng nhờ sự kiên trì vận động của địa phương, người dân cũng đồng ý chặt bỏ cây trồng, giải phóng hành lang an toàn lưới điện. Duy nhất chỉ có một người là bà Nguyễn Thị Pháp Luật, cư ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh, có vườn cao su gần 3 năm tuổi là kiên quyết không đồng ý, vì số lượng cao su phải đốn hạ lên đến gần 300 cây, trong phạm vi diện tích gần 6.000 mét vuông đất, trong khi đất đã được cấp giấy đỏ (giấy cấp trước khi có quy hoạch và cắm mốc lộ giới tuyến đường GTNT tại khu vực này). Khi bên thi công tiến hành cắm trụ, kéo dây qua khu vực vườn cao su này không gặp chủ nhân và không có sự đồng ý nào của chủ sở hữu đất, do không thể liên lạc, cũng như không tìm được nơi cư trú của bà Luật. Địa phương có nêu ý kiến về việc này, nhưng bên thi công cho biết: “Chỉ phải đốn đọt một hàng cao su ngoài cùng là đóng điện an toàn”. Thế nhưng, khi nghiệm thu, bên Điện lực lại yêu cầu phải đốn hạ hơn 3 hàng cao su mới bảo đảm an toàn lưới điện. UBND huyện phải vào cuộc, tìm và mời bà Nguyễn Thị Pháp Luật đến làm việc. Bà Luật kiên quyết không đốn hạ cao su nếu địa phương không giải quyết hợp tình, hợp lý.

Tại tuyến đường ấp Phước Hoà, ngay trụ cột đầu tiên (mặt tiền đường 781, đối diện trụ sở cơ quan Điện lực DMC) của tuyến trung thế đã nằm trong phần đất của gia đình chị Phạm Thị Thường gần 2 mét, đường dây cách mái nhà cũng chỉ hơn 2 mét. Trong khi đất của chị Thường chỉ rộng có 6 mét, đường điện chạy dọc theo chiều dài của đất. Lúc đầu bên thi công cho biết chỉ cần đốn hạ 1 cây trăm sừng là đóng điện an toàn. Địa phương nhiều lần vận động, cuối cùng cây trăm sừng cũng được đốn hạ. Nhưng lại phát sinh cây ăng ten máy thu hình cao hơn 10 mét, lại chỉ cách đường điện có 4 mét, không đảm bảo an toàn. Địa phương lại phải ra tay, nhưng khổ nỗi dời cây ăng ten đi đâu? Không thể dời sang đất của người khác được. Khi chúng tôi đến gặp và trao đổi, chị Phạm Thị Thường tỏ thái độ rất bức xúc: “Khi cắm cột, kéo dây không ai nói với gia đình tôi tiếng nào, nay biểu tôi phải chặt cây, phải dời ăng ten là làm sao, dời đi đâu? Rồi khi tôi xây nhà thì làm sao tránh đường dây điện được?”.

Việc giải quyết đường dây điện đi qua vườn cao su ở ấp Tân Định 2, đã được Chủ tịch UBND huyện Bùi Công Sơn trả lời, để UBND huyện giải quyết; còn đường điện đi qua nhà, đất của bà Phạm Thị Thường giao cho xã Suối Đá vận động, giải quyết. Giải quyết bằng cách nào? Xã Suối Đá đang lúng túng.

Việc khảo sát, thiết kế và thi công công trình này cần phải được làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, đơn vị nào. Không thể viện lý do: “Công trình trợ cấp không có việc bồi thường giải phóng mặt bằng” như một vài cán bộ nói khi giao nhiệm vụ cho địa phương đi vận động người dân phát hoang giải phóng mặt bằng. Thử đặt vị trí của những cán bộ chỉ đạo (miệng), người thiết kế, thi công và cán bộ đi vận động ở vào 2 trường hợp của bà Nguyễn Thị Pháp Luật và bà Phạm Thị Thường, liệu họ có vui vẻ thực hiện không?

NGUYỄN CÔNG DÂN