Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đến nay Tây Ninh đã cổ phần hoá xong 18 DNNN và CPH 4 DN bộ phận với tổng số vốn điều lệ hơn 210 tỷ đồng. Tuy nhiên vẫn còn DNNN chưa CPH theo kế hoạch, đó là Công ty Cơ khí Tây Ninh.
Theo nguồn tin từ Sở Tài chính, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đến nay Tây Ninh đã cổ phần hoá (CPH) xong 18 DNNN và CPH 4 DN bộ phận với tổng số vốn điều lệ hơn 210 tỷ đồng. Tuy nhiên vẫn còn DNNN chưa CPH theo kế hoạch, đó là Công ty Cơ khí Tây Ninh, mặc dù theo dự kiến, đối với DNNN chưa tiến hành CPH được thì cơ quan chức năng sẽ cố gắng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành CPH vào quý I năm 2010. Thế nhưng…
Ông Nguyễn Xuân Rạng- Giám đốc Công ty Cơ khí Tây Ninh cho biết, đến nay Công ty vẫn còn đang lúng túng trong việc tiến hành CPH. Lúng túng nhất là vấn đề di dời nhà xưởng của Công ty. Bởi vì khi di dời phải bỏ ra chi phí rất lớn. Theo tính toán sơ bộ, toàn bộ chi phí mua đất và tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt thiết bị, nhà xưởng phải tiêu tốn không dưới 10 tỷ đồng trong khi giá trị tài sản hiện tại của Công ty cũng chỉ xấp xỉ 10 tỷ đồng. Chi phí lớn như vậy thì lấy đâu ra và hạch toán vào đâu? Nếu đưa chi phí di dời vào phương án CPH thì sẽ đội giá trị bán cổ phần lên gấp đôi mà thực chất đó không phải là tài sản. Điều này chắc chắn sẽ làm cho những đối tác dự định mua cổ phần e ngại, không muốn tham gia. Nếu không đưa vào phương án CPH, cổ đông có mua cổ phần thì sau này cũng phải bỏ thêm tiền vào chi phí di dời, điều này cũng không cổ đông nào muốn nên cũng sẽ không tham gia. Hơn nữa, chuyện di dời cả một nhà máy còn phải tính đến nhiều khía cạnh khác. Cụ thể là khi dời nhà xưởng đi xa, số lượng công nhân sẽ bị hao hụt vì sẽ có người bỏ việc do bất tiện trong việc đi làm hằng ngày. Lúc đó phải tính đến khoản chi phí bồi dưỡng, đào tạo lao động có tay nghề để bù vào khoản hụt. Đồng thời chuyện di dời cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch với khách hàng do sản xuất bị ảnh hưởng vì phải ngưng công việc. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ công ty có thể bị mất khách hàng…
Một trong những nhà xưởng của Công ty Cơ khí Tây Ninh |
Thực ra, Công ty Cơ khí Tây Ninh là DNNN được triển khai CPH từ khá sớm nhưng kéo dài đến nay chưa thực hiện được. Năm 2005 Công ty theo phương thức Nhà nước giữ 51% vốn. Đầu năm 2006 UBND tỉnh phê duyệt phương án CPH theo phương thức Nhà nước giữ vốn hiện có và bán cổ phần vốn tăng thêm. Tuy nhiên, sau 2 năm tiến hành, việc CPH Công ty vẫn chưa thực hiện được do phương án CPH không phù hợp, không có nhà đầu tư tham gia. Tháng 7.2007 Công ty Cơ khí Tây Ninh xin chủ trương điều chỉnh phương án CPH, được UBND tỉnh đồng ý cho điều chỉnh từ cuối năm 2007, đã có một số nhà đầu tư trong và ngoài nước dự kiến mua cổ phần. Thế nhưng đến nay Công ty Cơ khí Tây Ninh vẫn chưa tiến hành CPH được chủ yếu là do vướng mắc từ việc Công ty sẽ phải di dời đi nơi khác. Công ty Cơ khí Tây Ninh thành lập từ những năm đầu sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng và được quy hoạch xây dựng nhà xưởng tại khu vực Mũi Tàu đường 30.4. Lúc đó khu vực này còn rất hoang vu, trống vắng. Tuy nhiên, đến nay tại vị trí mà Công ty đang hoạt động đã trở thành phố thị sầm uất, dân cư đông đúc nên không còn phù hợp cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp cơ khí nữa. Chuyện di dời Công ty Cơ khí là hoàn toàn hợp lý- nhất là khi thị xã Tây Ninh đang đô thị hoá- hiện đại hoá.
Làm thế nào giải quyết lúng túng này? Trước tiên là phải xác định khoản chi phí di dời được trích từ nguồn vốn nào. Tuy nhiên, theo Ban giám đốc Công ty thì nhất thiết phải có nguồn hỗ trợ của ngân sách đối với khoản chi phí di dời này thì mới có thể tiến hành CPH Công ty được.
S.T