BAOTAYNINH.VN trên Google News

Công ty Cơ khí TN: Sẽ chuyển thành Công ty TNHH một thành viên

Cập nhật ngày: 24/08/2010 - 10:37

Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đến nay Tây Ninh đã cổ phần hoá (CPH) 19 DNNN và CPH 4 DN bộ phận với tổng số vốn điều lệ là hơn 210 tỷ đồng. Hiện nay còn DNNN cuối cùng chưa tiến hành CPH theo kế hoạch là Công ty Cơ khí Tây Ninh. Theo dự kiến, Công ty Cơ khí sẽ hoàn thành CPH vào quý I năm 2010. Thế nhưng…

Sản xuất hàng cơ khí xuất khẩu

Thật ra việc CPH Công ty Cơ khí Tây Ninh đã được chuẩn bị từ 5 năm trước đây. Năm 2005 Công ty lập phương án CPH theo phương thức Nhà nước giữ 51% vốn và bán cổ phần vốn tăng thêm là 49%. Sau 2 năm, việc CPH Công ty vẫn không thực hiện được do phương án CPH không phù hợp, không có nhà đầu tư tham gia. Tháng 7.2007, Công ty Cơ khí Tây Ninh xin chủ trương điều chỉnh phương án CPH và đã được UBND tỉnh đồng ý, nhưng từ đó đến nay Công ty Cơ khí Tây Ninh vẫn chưa tiến hành CPH được. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc trong việc Công ty sẽ phải di dời đi nơi khác, bởi vị trí Công ty đang hoạt động đã trở thành phố thị sầm uất, dân cư đông đúc, không còn phù hợp cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp cơ khí nữa. Tuy nhiên, khi phải di dời thì chi phí bỏ ra rất lớn. Theo tính toán sơ bộ của Ban Giám đốc Công ty thì toàn bộ chi phí mua đất và tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt thiết bị, nhà xưởng phải tốn không dưới 10 tỷ đồng, trong khi đó tổng giá trị tài sản hiện tại của Công ty cũng chỉ xấp xỉ 10 tỷ đồng. Việc tiến hành CHP bị lúng túng ở chỗ lấy đâu ra chi phí di dời và hạch toán vào đâu? Nếu như đưa chi phí này vào phương án CPH thì sẽ đội giá trị bán cổ phần lên gấp đôi mà thực chất đó không phải là tài sản của Công ty nên đối tác có ý định mua cổ phần sẽ không tham gia. Còn nếu không đưa vào phương án CPH thì sau này cổ đông sẽ phải bỏ thêm tiền vào chi phí di dời, điều này chắc chắn không cổ đông nào muốn. Chính vì thế mà dự kiến CPH công ty trong quý I  năm 2010 không thực hiện được, rồi kéo dài đến quý II vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ nên Công ty vẫn chưa tiến hành CPH được.

Cuối tháng 5.2010, Sở Tài chính có Tờ trình UBND tỉnh về việc CPH Công ty Cơ khí Tây Ninh. Trong đó Sở Tài chính nêu là các thủ tục chuyển đổi như: định giá doanh nghiệp, xử lý lao động… đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên việc xây dựng phương án CPH có gặp khó khăn do tính khả thi của việc di dời nhà xưởng. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh thì thời hạn di dời đến cuối tháng 6 năm 2010 phải xong để tỉnh thu hồi đất bố trí cho dự án quan trọng khác. Sau nhiều lần khảo sát tại các địa bàn trong tỉnh, được sự hỗ trợ của các ngành, Công ty mới có phương án di dời ra vị trí mới tại Cụm công nghiệp Thanh Điền huyện Châu Thành. Tuy nhiên, do thời gian di dời có thể kéo dài nên việc CPH Công ty khó có thể hoàn thành trước ngày 30.6.2010 theo Luật Doanh nghiệp quy định. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 1151/TTg- ĐMDN ngày 14.7.2009, trong đó chỉ đạo những doanh nghiệp trong diện CPH đến thời điểm 1.7.2010 mà chưa thể chuyển đổi được thì trước mắt chuyển thành Công ty TNHH Một thành viên do UBND tỉnh là đại diện chủ sở hữu và sẽ tiến hành CPH sau năm 2010.

Để thực hiện đúng Luật Doanh nghiệp và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở Tài chính đề xuất phương án trước mắt là cho Công ty Cơ khí Tây Ninh chuyển thành Công ty TNHH Một thành viên. Sau năm 2010, khi việc di dời nhà xưởng hoàn tất, tổ chức sản xuất ổn định thì sẽ tiếp tục triển khai CPH.

Nhà xưởng Công ty Cơ khí Tây Ninh phải di dời

Giữa tháng 6.2010, UBND tỉnh Tây Ninh đã có văn bản đồng ý chủ trương cho Công ty Cơ khí Tây Ninh chuyển thành Công ty TNHH Một thành viên theo đề nghị của Sở Tài chính, đồng thời giao cho Sở Tài chính- đơn vị Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp của tỉnh hướng dẫn Công ty Cơ khí Tây Ninh thực hiện chuyển đổi thành Công ty TNHH Một thành viên. Hiện nay, Sở Tài chính và Công ty Cơ khí đang tiến hành quy trình chuyển đổi và sẽ CPH sau năm 2010.

Được biết, Công ty Cơ khí Tây Ninh là một doanh nghiệp Nhà nước sản xuất kinh doanh khá hiệu quả. Trong những năm gần đây, Công ty đã tìm kiếm và ngày càng mở rộng thị trường xuất khẩu hàng cơ khí. Hiện nay thị trường tiêu thụ hàng cơ khí của Công ty chủ yếu là nước Mỹ và Nhật Bản. Trong 7 tháng đầu năm nay Công ty đã xuất khẩu sang thị trường nước Mỹ hơn 2,1 triệu USD và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản hơn 3 triệu Yen.

SƠN TRẦN