BAOTAYNINH.VN trên Google News

Công ty CP cao su Tây Ninh: Đầu tư hệ thống xử lý chất thải, hạn chế ô nhiễm môi trường

Cập nhật ngày: 28/11/2010 - 10:17

Trước đây, Báo Tây Ninh có nhiều bài phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất của Công ty cổ phần Cao su (CTCPCS) Tây Ninh làm cho một số hộ dân ấp Đá Hàng, xã Hiệp Thạnh, Gò Dầu bị ảnh hưởng có hại đến sức khoẻ, đồng thời mái nhà (lợp tôn) bị hư hại.

Hệ thống xử lý bùn tươi trước khi ép khô

Sau khi Báo Tây Ninh phản ánh thực trạng trên, CTCPCS Tây Ninh đã có động thái tích cực nhằm hỗ trợ các hộ dân khắc phục tình trạng “sống chung với ô nhiễm”, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất. Cụ thể, Công ty đã nhiều lần tổ chức “họp dân”, thoả thuận sẽ “đổi đất” với các hộ dân sống gần khu chứa nước thải của nhà máy chế biến mủ. Cụ thể, 2m2 đất ruộng lúa của các hộ dân sẽ đổi lấy 1m2 đất xây dựng của Công ty để ở (tổng diện tích đất của 5 hộ dân là 2.083,7m2 đổi lấy 1.041,9m2 đất xây dựng tại khu lò gạch cũ của Công ty). Công ty cũng đồng ý hỗ trợ cho 5 hộ phải di dời các khoản tiền tương ứng với giá trị nhà, tài sản mà họ bị thiệt hại khi di dời cùng với một khoản tiền chi phí di dời sau. Đồng thời, Công ty cũng hỗ trợ 1 đường dây tải điện chính đến nơi ở mới và 1 giếng khoan cho 5 hộ này.

Lúc đầu, các hộ dân đều đồng tình với mức đền bù, hỗ trợ di dời của Công ty. Tuy nhiên, sau khi “tính toán lại”, vài hộ kiến nghị Công ty xem xét “hỗ trợ thêm cho phù hợp”, bởi các hộ này đều là ngư dân, quen sống ven bờ sông để thuận lợi cho việc đánh bắt cá. Nếu phải di dời đến nơi ở mới cách xa bờ sông, ngư dân sẽ gặp nhiều bất tiện, có khi phải đổi nghề. Dây dưa mất gần 1 năm, giữa Công ty và người dân vẫn không đạt được sự thống nhất.

Mới đây, trao đổi với phóng viên, đại diện CTCPCS Tây Ninh cho biết, do thoả thuận “đổi đất” bất thành với các hộ dân ở cạnh khu chứa nước thải nhà máy, Công ty đã chọn phương án khác. Hiện nay Công ty đã mua hơn 2,5 ha đất ruộng ở cạnh nhà máy để mở rộng hệ thống xử lý chất thải. Mặt khác, đến nay Công ty đã cơ bản hoàn thành hệ thống xử lý bùn, một trong những loại chất thải chủ yếu gây ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất mủ thải ra. Hệ thống máy ép bùn đã đi vào hoạt động thử nghiệm ổn định và đã “biến” toàn bộ bùn ướt thành bùn khô sau khi loại bỏ, xử lý hết các chất độc hại theo các tiêu chuẩn quy định. Trước đó, hệ thống xử lý nước thải của Công ty cũng đã hoạt động hiệu quả, nước thải khi được xả ra môi trường đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Công ty còn cho biết thêm, vừa qua, Công ty đã lắp đặt và vận hành thử nghiệm thành công hệ xử lý khí (mùi hôi) do quá trình chế biến mủ tạp gây ra, hạn chế tác động tiêu cực đến sức khoẻ con người và môi trường.

Bùn được ép khô sau khi loại bỏ chất độc hại

Tiếp xúc với phóng viên, các hộ dân ở cạnh nhà máy chế biến của CTCPCS Tây Ninh cho biết, thời gian gần đây môi trường xung quanh không còn “hôi nồng nặc” như trước. Các miệng cống cũng không còn “chảy nước vừa đen vừa hôi” ra sông Vàm Cỏ. Về việc đổi đất, người dân cho rằng nếu Công ty đảm bảo không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường như trước thì họ cũng không cần phải di dời đi nơi khác.

BẢO TÂM