BAOTAYNINH.VN trên Google News

Công ty CPCS Tây Ninh: Giải trình về việc xử lý ô nhiễm môi trường ở nhà máy chế biến cao su

Cập nhật ngày: 06/12/2009 - 10:27
HTML clipboard

Các hộ dân cư ngụ ngay bên cạnh hố xử lý nước thải của CTCP Cao su Tây Ninh.

Sau khi Báo Tây Ninh có hai bài phản ánh ý kiến một số người dân ấp Đá Hàng, xã Hiệp Thạnh (Gò Dầu) về việc Xí nghiệp cơ khí chế biến thuộc Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh xả nước thải gây ô nhiễm môi trường, phóng viên Báo Tây Ninh đã có cuộc tiếp xúc, nghe giải trình của Ban Giám đốc CTCP Cao su Tây Ninh, đồng thời quan sát khu vực xử lý nước thải của Xí nghiệp cơ khí chế biến. Qua đó, chúng tôi nhận thấy không phải Công ty không tích cực giải quyết vấn đề ô nhiễm, tuy nhiên thực tế cho thấy việc xử lý nước thải của ngành chế biến cao su trước nay vốn không dễ dàng và hiện nay vẫn còn những điều bất cập.

Tiếp xúc với phóng viên, các ông Trịnh Văn Vĩnh, Tổng Giám đốc, Trần Văn Rạnh, Phó Tổng Giám đốc CTCP Cao su Tây Ninh cho biết, công ty hiện có 7.225 ha cây cao su, trong đó có hơn 6.000 ha đang khai thác với sản lượng bình quân hằng năm trên 13.000 tấn mủ khô. Do sản xuất, chế biến ngày càng tăng cả về quy mô và chất lượng sản phẩm, với nhu cầu sử dụng nước rất lớn, do đó việc xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường là yêu cầu phải thực hiện rất nghiêm ngặt mới có thể hạn chế tác động môi trường. Công ty nhận thức rất rõ điều đó nên từ năm 1992 đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tại hai cụm nhà máy chế biến ở Bến Củi (công suất 400 m3/ngày) và Vên Vên (thuộc địa bàn ấp Đá Hàng, công suất 1.000 m3/ngày) theo công nghệ hồ sinh học. Sau đó do yêu cầu phát triển sản xuất, hệ thống XLNT không còn phù hợp và bị quá tải, công ty đã tổ chức đấu thầu công trình nâng cấp hệ thống XLNT, Công ty TNHH Glowtec Environmental VN trúng thầu thi công công trình với giá trị trúng thầu 6 tỷ 282 triệu đồng. Cuối năm 2006 công trình hoàn thành được nghiệm thu đưa vào sử dụng với kết quả XLNT đạt yêu cầu, nước thải sau xử lý đều đạt tiêu chuẩn TCVN 5945-1995, cụ thể các chỉ số BOD, COD, chất lơ lửng, đạm tổng số, ammoniac trong nước thải sau xử lý đều đạt yêu cầu theo quy định hiện hành của Nhà nước, đã cơ bản hạn chế được vấn đề ô nhiễm môi trường. Đồng thời hệ thống XLNT này còn có hiệu quả thu lại triệt để lượng mủ tồn đọng trong nước thải nhờ có bể gạn mủ, bình quân mỗi tháng thu lại được khoảng 70-80 tấn mủ phế phẩm, góp phần giảm chi phí giá thành sản phẩm đáng kể.

Giám đốc xí ngiệp chế biến Lê Khắc Minh (phải) và cán bộ kỹ thuật đang lấy mẫu nước thải sau xử lý để kiểm nghiệm

Như thế trước nay CTCP Cao su Tây Ninh đã đầu tư khoảng 10 tỷ đồng cho việc xử lý nước thải đem lại hiệu quả rất tích cực, nước thải được xử lý đạt yêu cầu, nghĩa là không có tình trạng nhà máy chế biến xả nước thải ra môi trường chưa qua xử lý.

Tuy nhiên sau 3 năm vận hành, hệ thống XLNT của Xí nghiệp cơ khí chế biến cao su ở Vên Vên cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Cụ thể là việc xử lý bùn lắng từ nước thải chưa triệt để, đồng thời hệ thống cũng đã bị quá tải trong việc chứa bùn. Mặt khác vấn đề xử lý mùi đặc trưng của mủ cao su bốc lên cũng không triệt để, gây khó chịu cho những người sống gần nơi chế biến cao su.

Sau khi nghe Ban Giám đốc công ty và Xí nghiệp cơ khí chế biến giải trình, chúng tôi được hướng dẫn đến quan sát trực tiếp nhà máy chế biến và hệ thống XLNT. Tại đây chúng tôi nhận thấy hệ thống XLNT nước thải của nhà máy khá hoàn chỉnh, có cả phòng xét nghiệm các chỉ tiêu môi trường của nước thải sau xử lý. Nước thải từ nhà máy được dẫn qua hệ thống xử lý trước khi xả ra môi trường. Còn việc chứa bùn lắng thì quả thật hồ chứa đã quá tải và công ty cũng đang cho mở rộng hồ chứa trong khoảng diện tích mặt bằng còn lại rất hạn chế ở khu vực chế biến. Trong khi đó có một số hộ dân cư ngụ ngay bên ngoài hàng rào sát hồ chứa bùn, cho nên không thể nào tránh khỏi bị ảnh hưởng về mùi hôi đặc trưng của mủ cao su, hết sức khó chịu.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về giải pháp nào để giải quyết vấn đề các hộ dân bên cạnh phải chịu đựng mùi hôi? Ông Trịnh Văn Vĩnh, Tổng Giám đốc công ty cho biết: Do điều kiện lịch sử, Nhà máy Cao su Vên Vên do Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX nằm rất gần bờ sông Vàm Cỏ Đông, do vậy nơi đây trước kia không phải là khu dân cư. Sau này mới có 4 hộ dân, vốn sống trên sông nước, hành nghề đánh bắt thuỷ sản sông Vàm Cỏ Đông, lên bờ định cư trên diện tích rất hẹp sát vòng rào nhà máy. Như thế không thể nói là nhà máy gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề các hộ dân bị ô nhiễm mùi hôi, công ty cố gắng khắc phục bằng cách vận động 4 hộ dân chấp nhận “đổi đất” dời lên ở phía bắc khu vực trụ sở Công ty. Công ty sẽ cấp đất, hỗ trợ di dời và giúp khoan giếng, kéo điện cho bà con dùng. Tuy nhiên, quá trình thoả thuận “đổi đất” với các hộ dân cũng còn vấp phải trở ngại do bà con tự định giá đất quá cao, rất bất hợp lý. Giải quyết được việc “đổi đất”, chẳng những bà con thoát khỏi cảnh chịu đựng mùi hôi, mà công ty cũng có điều kiện mở rộng diện tích để nâng cấp hệ thống XLNT bằng công nghệ mới, trong đó quan trọng nhất là công nghệ ly tâm để xử lý triệt để ô nhiễm bằng cách làm khô bã bùn”.

Hệ thống xử lý nước thải của CTCP Cao su Tây Ninh đang vận hành

Qua buổi làm việc, chúng tôi cảm nhận được thiện chí của CTCP Cao su Tây Ninh trong việc xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Mặc dù trong điều kiện rất khó khăn, cả về công nghệ xử lý và mặt bằng khu vực chế biến, nhưng công ty cũng đã vận dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế ô nhiễm, tránh gây ảnh hưởng môi trường sống. Tất nhiên việc di dời 4 hộ dân khỏi nơi bị ảnh hưởng vẫn dễ dàng, khả thi hơn việc phải... di dời một cơ sở sản xuất kinh doanh đang bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc của hàng ngàn gia đình công nhân.

N.T.H