Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Về lâu dài, Công ty DT-PH đã kiến nghị làm cầu song song với cầu Máng (K25) để các phương tiện lưu thông qua cầu này, cấm toàn bộ phương tiện đi qua cầu Máng (K25).
Barie tại cầu Máng (K25) bị ủi cong, biển báo cầu yếu thường xuyên bị phá.
Báo Tây Ninh số ra ngày 22.7 có đăng bài “Cầu, đường trên tuyến kênh Tây kêu cứu”, phản ánh tình trạng xe tải trọng lớn lưu thông trên các cây cầu, cống dẫn nước và đường chạy dọc hai bên tuyến kênh Tây bị xuống cấp nghiêm trọng. Ngay sau khi báo đăng, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra thực tế. Sáng 1.8, Sở Giao thông Vận tải có buổi làm việc với các đơn vị có liên quan bàn giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Lữ- quyền Đội trưởng Đội Quản lý kênh Tây thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà (DT-PH) cho biết, đường bờ kênh vừa để bảo vệ đê điều, vừa để người dân sinh sống hai bên bờ kênh đi lại, vận chuyển hàng hoá nhưng không thiết kế cho phương tiện vận tải lớn trên 10 tấn. Trước tình trạng nhiều xe tải trọng lớn lưu thông qua đây, Đội Quản lý đã tăng cường kiểm tra, lắp barie nhưng khi phát hiện xe vi phạm thì lại không thể xử lý.
Theo Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22.10.2013 của Chính phủ và Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14.9.2017 quy định xử phạt hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão… thẩm quyền xử phạt hành chính về điều khiển xe cơ giới qua công trình thuỷ lợi được giao cho UBND xã, huyện và tỉnh.
Theo ông Lữ, thời gian qua, khi phát hiện vi phạm, Đội Quản lý không có chức năng tạm giữ phương tiện và xử phạt nên phải báo về UBND xã, nhưng khi lực lượng chức năng của địa phương đến nơi thì phương tiện đã đi khỏi. Ông Lữ còn thông tin, vừa qua đã xảy ra trường hợp một cán bộ của Đội Quản lý kênh Tây bị 2 đối tượng rượt chém, rất may người này chạy thoát.
Đại diện Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông cho biết, theo thiết kế, đường bờ kênh không có các điều kiện bảo đảm về giao thông công cộng, không nằm trong 6 loại đường bộ quy định; vì vậy việc tuần tra, kiểm tra dọc tuyến kênh Tây không được thường xuyên. Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông chỉ xử phạt xe quá tải trọng quy định trên tuyến kênh. Bên cạnh đó, công tác phát hiện, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng.
Hơn nữa, nhằm đối phó với lực lượng chức năng, hệ thống biển báo hạn chế tải trọng tại đầu đường bờ kênh và cầu đã bị đối tượng xấu nhổ, bôi xoá, barie bị hư bất thường khiến công tác xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải đã yêu cầu Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm; rà soát toàn bộ biển báo, để thay thế mới; Thanh tra sở Giao thông vận tải hỗ trợ phương tiện kiểm tra tải trọng; đề nghị Công ty DT-PH có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh để UBND tỉnh có công văn kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét bổ sung chức năng, nhiệm vụ trong đó có thanh tra xử lý vi phạm đối với Đội Quản lý kênh Tây.
Để hạn chế phương tiện quá tải, ông Tài đề nghị có thể nghiên cứu 1 trong 2 giải pháp: Tại mỗi đầu đường bờ kênh sẽ đổ trụ bê tông vì trụ sẽ cố định, khó phá huỷ; nhưng sẽ nguy hiểm cho người đi xe gắn máy. Phương án 2 là bố trí barie mỗi đầu đường bờ kênh, lắp camera tại cầu Máng (K25) và truyền dữ liệu về Công ty DT-PH.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, Công ty DT-PH đã kiến nghị làm cầu song song với cầu Máng (K25) để các phương tiện lưu thông qua cầu này, cấm toàn bộ phương tiện đi qua cầu Máng (K25). Đối với cầu K13, sắp tới sẽ đưa cống điều tiết nước về phía hạ lưu và bàn giao lại cầu, cống cho ngành Giao thông để có phương án xử lý, xây dựng cầu mới.
Sở Giao thông Vận tải cơ bản nhất trí và đề nghị Công ty DT-PH kiến nghị với Bộ NN&PTNT và có văn bản gửi UBND tỉnh để xin chủ trương và kinh phí đầu tư tại cầu Máng (K25); thống nhất với phương án di dời cống điều tiết nước tại cầu K13.
Vũ Nguyệt