Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
TỪ PHẢN ÁNH CỦA NGƯỜI DÂN:
Công ty Đình Nhi khai thác đất vượt ngoài phạm vi cho phép
Thứ bảy: 13:13 ngày 22/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Công ty Ðình Nhi phát hiện loại khoáng sản khác nhưng không thông báo cho cơ quan chức năng biết mà vẫn tận thu. Ngoài ra, có nhiều đoạn bờ bao khu mỏ được khai thác theo kiểu thẳng đứng không chừa ta-luy để bảo đảm an toàn, tránh gây sạt lở.

Một số người dân ngụ ấp Bà Nhã, xã Ðôn Thuận, huyện Trảng Bàng phản ánh, Công ty TNHH MTV san lấp mặt bằng Ðình Nhi (Công ty Ðình Nhi) đang khai thác mỏ đất trên địa bàn có nhiều dấu hiệu vi phạm. 

Cụ thể, người dân nghi ngờ công ty khai thác vượt độ sâu cho phép, lấn ra ngoài phạm vi mỏ hiện trạng. Quá trình khai thác, Công ty Ðình Nhi phát hiện loại khoáng sản khác nhưng không thông báo cho cơ quan chức năng biết mà vẫn tận thu. Ngoài ra, có nhiều đoạn bờ bao khu mỏ được khai thác theo kiểu thẳng đứng không chừa ta-luy để bảo đảm an toàn, tránh gây sạt lở.

Một góc khai thác khoáng sản tại mỏ cũ.

Sau khi nhận phản ánh trên, ngày 18.9, chúng tôi đã đến tìm hiểu khu mỏ, khu mỏ khá rộng, trông giống như một “thung lũng” nhỏ, với nhiều đoạn bờ bao dốc thẳng đứng. Trong khu vực lòng mỏ, có rất nhiều nước. Hai chiếc máy bơm đang hoạt động để bơm nước ra bên ngoài.

Tại một góc khu mỏ, một vạt mì bị máy múc đất đào sâu, rộng, có dấu vết xe chở đất khỏi vị trí. Trên bờ bao xung quanh mỏ có lắp hàng rào kẽm gai và biển cảnh báo nguy hiểm, nhưng dây kẽm rào thưa, một vài đoạn trụ rào đã bị gãy đổ. Ngoài ra, gần khu vực nhà làm việc trong khu mỏ còn có một đống khoáng sản khá to, giống như cát.

Ðể làm rõ những vấn đề người dân phản ánh, ngày 19.9, phóng viên đã cùng đi kiểm tra thực tế tại khu mỏ với đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT), Phòng TN&MT huyện Trảng Bàng, cán bộ địa chính xã Ðôn Thuận.

Chủ trì đoàn công tác là ông Vũ Tiến Dũng - Phó trưởng Phòng Quản lý tài nguyên thuộc Sở TN&MT. Ông Dũng cho biết, về độ sâu khu vực mỏ khai thác đã được Sở đo đạc trước đó, Sở sẽ căn cứ vào hồ sơ sẵn có để cung cấp cho phóng viên sau buổi làm việc thực tế. Riêng các phản ánh về khoáng sản cát phát sinh, hoạt động khai thác đất lấn ra ngoài phạm vi khu mỏ hiện trạng, ông Dũng cùng đoàn kiểm tra đã xác minh và định vị ngay tại mỏ.

Bà Phạm Ngọc Diễm, đại diện phía Công ty Ðình Nhi cho hay: “Ðúng là mỏ đất có khoáng sản cát, nhưng là cát pha đất sét nên cũng chỉ có tác dụng như đất san lấp, thậm chí giá bán còn thấp hơn đất vì rất nhão và khó sử dụng. Việc người dân phản ánh chúng tôi khai thác đất vượt ra ngoài phạm vi mỏ được cấp phép là chưa đúng (chỗ khuyết vào đám mì).

Bởi vì, tại vị trí mà người dân đang nghi ngờ “bị lấn” cũng đã được UBND tỉnh cấp phép”. Minh chứng cho lời giải thích về khoáng sản phát sinh, người của Công ty Ðình Nhi liền dùng máy múc đào một điểm bất kỳ trên đống “cát” cho đoàn kiểm tra. Quả thật, loại khoáng sản này khá dẻo, gần giống như đất sét, trộn lẫn với sỏi phún, sạn, tất nhiên cũng có cát.

Trong biên bản làm việc của đoàn kiểm tra thể hiện: Tại thời điểm kiểm tra, Công ty Ðình Nhi không hoạt động khai thác khoáng sản, không có phương tiện bơm hút cát tại khu mỏ. Ghi nhận, có một đống cát pha đất sét khoảng 1.000m3 được tập kết trong diện tích khu mỏ. Ðoàn kiểm tra đã lấy 8 điểm toạ độ bằng máy định vị cầm tay GPS hệ VN2000…

Qua kiểm tra hiện trạng, định vị, đối chiếu với toạ độ đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 3174 ngày 26.12.2017, vị trí mà người dân phản ánh nằm trong diện tích được cấp phép. Về phần độ sâu, chiều cùng ngày 19.9, sau khi xem xét lại hồ sơ đã đo đạc trước đó, ông Dũng khẳng định Công ty Ðình Nhi khai thác khoáng sản đúng độ sâu quy định.

Ðược biết, Công ty Ðình Nhi được UBND tỉnh cấp 2 giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực này. Cụ thể, giấy phép khai thác khoáng sản số 407 ngày 23.2.2016, cho phép Công ty Ðình Nhi khai thác khoáng sản đất san lấp bằng phương pháp lộ thiên. Diện tích khu vực khai thác 4,99 ha, mức sâu khai thác 10m, trữ lượng 249.624m3, công suất khai thác 75.000m3/năm (nguyên khối), thời gian khai thác 3 năm 10 tháng kể từ ngày ký giấy phép...

Ðối với giấy phép khai thác khoáng sản số 3174 ngày 26.12.2017, công ty cũng được khai thác đất san lấp bằng phương pháp lộ thiên. Diện tích khu vực khai thác là 6,442 ha chia làm hai khu, mức sâu khai thác thấp nhất 7m, trữ lượng huy động vào khai thác 386.671m3, công suất khai thác 80.000m3/năm, thời gian khai thác 4 năm 10 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép…

Mặc dù Công ty Ðình Nhi đã được cấp giấy phép số 3174 như trên, nhưng vào ngày 5.6.2018, Văn phòng UBND tỉnh có Văn bản số 3024 gửi đến Sở TN&MT về việc gửi lại hồ sơ. Theo đó, UBND tỉnh nhận được hồ sơ do Sở TN&MT tham mưu đề nghị cho Công ty Ðình Nhi được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án khai thác khoáng sản đất san lấp.

Sau khi kiểm tra, Văn phòng UBND tỉnh nhận thấy các dự án nói trên chưa có trong kế hoạch sử dụng đất của UBND huyện Trảng Bàng đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ðể có đủ cơ sở trình UBND tỉnh cho phép chuyển mục đích, Văn phòng đề nghị Sở TN&MT làm việc lại với UBND huyện Trảng Bàng nhằm kiểm tra, thống nhất việc cập nhật các dự án nói trên vào kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của huyện Trảng Bàng trước khi cho phép doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.

Ông Dũng nêu ý kiến: “Theo Văn bản số 3024 của Văn phòng UBND tỉnh, trường hợp nếu Công ty Ðình Nhi được chuyển mục đích sử dụng đất thì cũng phải đến năm 2019 mới chính thức được khai thác khoáng sản theo giấy phép số 3174.

Hiện tại, Thanh tra Sở TN&MT đã đề nghị Công ty Ðình Nhi ngưng việc khai thác đất san lấp phạm vào diện tích khu mỏ trong giấy phép số 3174, tức là chỗ người dân phản ánh việc khai thác vượt ra ngoài phạm vi khu mỏ cũ (giấy phép số 407)”. Ðối với nội dung phản ánh về vấn đề ta-luy, trong Kết luận kiểm tra số 3942 ngày 11.7.2018 của Sở TN&MT nêu rõ: “Tại hướng Bắc và hướng Nam, Công ty Ðình Nhi chừa ta-luy chưa đúng theo thiết kế mỏ đã được phê duyệt”.

Như vậy, Công ty Ðình Nhi cần chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2019. Trong khoảng thời gian này, công ty không được khai thác khoáng sản phạm vào diện tích theo giấy phép số 3174. Ðồng thời, công ty phải sớm khắc phục, sửa chữa ta-luy tại hướng Bắc và hướng Nam theo đúng thiết kế mỏ. Về việc khoáng sản “cát pha đất sét”, công ty cũng cần báo cáo với cơ quan chức năng để được xem xét, trước khi muốn tận thu loại khoáng sản này.

QUỐC SƠN

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục