Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Covid-19: Không nên trì hoãn tiêm mũi 4
Thứ bảy: 18:15 ngày 20/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị 5 nhóm đối tượng rất cần tiêm mũi nhắc lại thứ 2 vắc-xin ngừa Covid-19

Hôm 18-8, nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra khuyến nghị rằng sau đợt tiêm vắc-xin Covid-19 ban đầu (thường gồm 2 mũi cơ bản và 1 mũi tăng cường), một số nhóm người cụ thể nên được tiêm thêm 1 mũi nữa.

"Chúng tôi làm điều này trên cơ sở các quan sát liên quan đến khả năng miễn dịch suy giảm và đặc biệt là trong bối cảnh của biến thể Omicron virus SARS-CoV-2" - tờ Medical Xpress dẫn lời cố vấn sức khỏe cao cấp của WHO Joachim Hornbach.

Những người rất cần được tiêm mũi tăng cường thứ 2 mà WHO đề cập tới bao gồm người có yếu tố nguy cơ như người cao tuổi; phụ nữ mang thai; người mắc các bệnh nền như đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh tim, phổi, thận…; người bị suy giảm miễn dịch vì bất cứ nguyên nhân nào.

Ngoài ra, Chủ tịch SAGE Alejandro Cravioto nhấn mạnh sự cần thiết của liều tăng cường thứ 2 đối với nhân viên y tế mọi lứa tuổi: "Phải bảo vệ hệ thống y tế của chúng ta khỏi sự tàn phá của việc nhân viên y tế bị bệnh và không thể làm việc".

Một cô bé 15 tuổi ở Philippines được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở Manila đầu tháng 8-2022. Ảnh: REUTERS

Nhóm SAGE cho biết mũi tăng cường thứ 2 nên được tiêm vào thời điểm 4-6 tháng sau mũi tăng cường thứ nhất. Có khả năng thêm 1 liều bổ sung nữa sẽ cần thiết trong vòng 4-12 tháng sau đó, đặc biệt là ở những người dễ bị bệnh nặng và tử vong.

Trước đó, hàng chục nghiên cứu trên khắp thế giới cho thấy sau 3 mũi tiêm phòng Covid-19 đầu tiên, hiệu quả của vắc-xin giảm rõ rệt sau khoảng 3-4 tháng, bao gồm một nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) và một nghiên cứu phối hợp Việt Nam - Anh (từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford).

Cuộc chiến chưa thể dừng lại ở việc tiêm mũi 4 bằng loại vắc-xin mới được phát triển để đối phó với chủng Covid-19 ban đầu. WHO sẽ đánh giá các vắc-xin thế hệ thứ 2 (vắc-xin 2 giá trị, được bổ sung tính năng chuyên kháng các biến chủng Omicron mới) như sản phẩm của Moderna hay Pfizer.

Tuy nhiên, SAGE nhấn mạnh rằng các vắc-xin hiện tại tiếp tục cung cấp khả năng bảo vệ cao chống lại bệnh Covid-19 nghiêm trọng, vì thế mũi tăng cường không nên bị trì hoãn vì dự tính về các loại vắc-xin của tương lai.

Theo báo cáo dịch tễ Báo Người Lao Động nhận được từ WHO hôm 18-8, tuần qua, số ca Covid-19 toàn cầu là 5,46 triệu ca, giảm 24% so với tuần trước; tử vong 15.000 ca, giảm 6%. Dù vậy, số ca tử vong vẫn tăng ở 2/6 khu vực của WHO là Tây Thái Bình Dương (+31%) và Đông Nam Á (+12%).

Tây Thái Bình Dương - khu vực mà WHO xếp Việt Nam vào - là điểm nóng Covid-19 vài tuần qua, tuần này tiếp tục chiếm 50% số ca toàn cầu (2,751 triệu ca). Nhật Bản đứng đầu thế giới cả về số ca mắc lẫn số tử vong (gần 1,4 triệu ca mắc, 1.647 ca tử vong).

Tuần lễ này cũng đánh dấu sự chiếm lĩnh của "dòng họ" BA.5.X - các dòng "con cháu" của biến chủng phụ lây lan nhanh BA.5 Omicron. WHO cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ 35 thành viên BA.5.X được thống kê trên khắp thế giới, hiện chiếm 74% các trình tự gien SARS-CoV-2 được tổng hợp về cơ sở dữ liệu chung GISAID 4 tuần qua. 

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: "Có rất nhiều lời bàn tán về việc học cách sống chung với loại virus này. Nhưng chúng ta không thể sống với 15.000 ca tử vong mỗi tuần. Chúng ta không thể sống với những lần nhập viện và tử vong ngày càng nhiều. Học cách sống chung với Covid-19 là sử dụng các công cụ chúng ta đang có để bảo vệ chính mình và những người khác".

Tiến sĩ Tedros kêu gọi mọi người nhanh chóng hoàn tất các mũi tiêm vắc-xin cần thiết, kêu gọi các chính phủ bảo đảm mọi người có thể tiếp cận bình đẳng với vắc-xin và các công cụ khác.

Nguồn NLDO

Tin cùng chuyên mục