Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Covid-19 làm khuynh đảo thị trường lao động thế giới
Thứ tư: 18:52 ngày 29/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối tháng 12/2019, đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã nhanh chóng tác động tới các lĩnh vực kinh tế, xã hội, thị trường tài chính chao đảo, nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói cao chưa từng có trong lịch sử.

Covid-19 làm nhức nhối thêm vấn nạn thất nghiệp tại nhiều nước. (Nguồn: IZ)

Theo báo cáo tháng 4 của Liên hợp quốc (LHQ), trong quý II/2020, 195 triệu người trên khắp thế giới sẽ mất việc do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19, nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói cao chưa từng có trong lịch sử.

Theo dự báo của các chuyên gia Liên hợp quốc, bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng  này sẽ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân, công dân tự làm chủ, người tị nạn và người di cư.

Số người thất nghiệp tăng trên toàn thế giới

Mới đây, các chuyên gia tại Viện Chính sách xã hội thuộc Đại học HSE (Nga) cho biết, số người thất nghiệp đã đăng ký ở Nga có khả năng tăng gần 6 lần - lên tới 5,3 triệu người. Ngày 25/4, một trợ lý của Tổng thống Nga đã gọi đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ II và cho rằng, tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng ở các quốc gia khác nhau trên thế giới ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự năng động của nền kinh tế.

Theo một dự báo được đưa ra vào tháng 3 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp ở Italy có thể l ên tới11,2% vào năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, sau đó, sẽ giảm xuống 9,6% vào năm 2021. Tỷ lệ thất nghiệp ở Italy bắt đầu tăng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đạt đỉnh 12,7% vào năm 2014 và 9,9% vào năm 2019. Năm 2020, dịch Covid-19 đã có tác động tiêu cực đến một số lĩnh vực ở Italy. Đặc biệt, ngành khách sạn và dịch vụ ăn uống sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu lớn nhất.

Kênh CNBC trích dẫn dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ (DOL) cho hay, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này lên tới 4,4 triệu, nâng số lượng đơn xin trợ cấp vượt quá 26 triệu tính từ giữa tháng 3. JP Morgan dự đoán tổng cộng 25 triệu việc làm ở Mỹ sẽ biến mất trong cuộc khủng hoảng này, gần gấp 3 lần số người thất nghiệp trong cuộc Đại suy thoái (1929-1933). Đồng thời, các nhà phân tích lưu ý rằng tỷ lệ thất nghiệp thực sự thậm chí còn cao hơn, vì khi dịch bắt đầu bùng phát, ở Mỹ đã có 7,1 triệu người thất nghiệp.

Như vậy, tổng số người thất nghiệp, có tính đến các đơn xin trợ cấp, đã vượt quá 33 triệu, có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã lên tới 20,6% - con số cao nhất kể từ năm 1934. Một số nhà kinh tế ước tính, tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong năm nay sẽ giảm hơn cả thời điểm năm 2008. Vào ngày 8/5 tới, khi Chính phủ Mỹ công bố số liệu thất nghiệp của tháng 4, các nhà kinh tế dự đoán rằng con số có thể tiếp tục tăng cao.

DOL cũng công bố dữ liệu ban đầu của các tiểu bang, theo đó, trong tuần kết thúc vào ngày 4/4, tỷ lệ thất nghiệp được bảo hiểm cao nhất là ở Michigan (17,4%), Rhode Island (15%) và Nevada (13,7%). Trong khi đó, một số thành viên đảng Cộng hòa, đã đưa ra quan ngại về các chính sách hỗ trợ liên quan đến đại dịch Covid-19 có thể làm tăng nợ quốc gia, dự kiến sẽ tăng vọt lên 101% tổng sản phẩm quốc nội vào tháng 10 tới.

Theo cố vấn của Tổng thống Donald Trump về các vấn đề kinh tế - ông Kevin Hassett, tỷ lệ thất nghiệp tiến gần đến mức của cuộc Đại khủng hoảng. Còn nhớ, vào năm 1933, trong cuộc Đại khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 24,9%; từ 1931 đến 1940, tỷ lệ này là trên 14%. Kể từ đó, thất nghiệp chỉ hai lần vượt quá 10% - vào năm 1982 và 2009.

Trong khi đó, theo đài RFI, Covid-19 đẩy thế giới vào cuộc “khủng hoảng chưa từng thấy” từ sau Thế chiến thứ II và tác động “sâu rộng đến thị trường lao động toàn cầu”. Dưới hình thức này hay một hình thức khác, SARS-CoV-2 ảnh hưởng đến 80% người trong tuổi lao động trên thế giới. Nghiêm trọng hơn nữa, 1,25 tỷ người lao động trên toàn cầu bị đe dọa mất việc hoặc giảm lương. Ngày 22/4, hơn 40% người dân Mỹ thừa nhận họ đã mất việc hoặc phải đối mặt với việc giảm lương do đại dịch Covid-19.

Nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ trên toàn thế giới đã cam kết hỗ trợ bằng cách quyên góp tiền và cung cấp thiết bị y tế cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe để chống lại sự lây lan của Covid-19. (Nguồn: AP)

Đe dọa bùng nổ khủng hoảng xã hội

Đại dịch này không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người mà còn đe dọa làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng về xã hội khi từ quý hai năm nay nó xóa sổ 198 triệu việc làm (tính theo mức 48 giờ làm việc mỗi tuần). Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), công bố hôm 7/4 vừa qua cũng cho thấy, châu Á - Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất - nơi trong quý II/2020 sẽ có tới khoảng 125 triệu lao động (làm việc toàn phần) mất việc làm so với con số 20 triệu ở châu Âu.

Bên cạnh cuộc chạy đua với thời gian để cứu người, tìm thuốc điều trị và vaccine phòng chống SARS-CoV-2, thế giới đang phải cứu vãn cỗ máy kinh tế. Nhật Bản hỗ trợ kinh tế tương đương 20% GDP, Mỹ 2.000 tỷ USD, Đức 1.000 tỷ Euro…

Theo thống kê của Ngân hàng Trung ương Pháp, GDP của nền kinh tế thứ hai trong Liên minh châu Âu, giảm 6 % trong 3 tháng đầu năm nay. Sau 3 tuần lễ bị phong tỏa, đã có tới 5,8 triệu lao động Pháp mất việc và phải đăng ký thất nghiệp bán phần, nhằm bảo đảm duy trì được 80% thu nhập.

Tại Đức, một nửa triệu công ty lớn, nhỏ cũng cho nhân viên nghỉ việc vì lý do “kỹ thuật”. Con số này cao gấp 20 lần trong tháng đầu tiên hồi khủng hoảng 2008. Tại Anh, gần một triệu người lao động mất việc trong 2 tuần lễ cuối tháng 3 vừa qua - cao gấp 10 lần so với bình thường. Tại Mỹ, cũng trong 2 tuần lễ cuối tháng 3, Covid-19 đã đẩy 10 triệu người ra khỏi thị trường lao động, phải ghi danh nhận tiền trợ cấp thất nghiệp.

Trung Quốc - nơi dịch bùng phát - thống kê chính thức không đả động đến số người thất nghiệp, nhưng nhìn nhận rằng trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 13,5%, kim ngạch xuất khẩu giảm gần 16%, còn chỉ số tiêu thụ nội địa giảm 20% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Đây là những dấu hiệu cho thấy thị trường lao động tại quốc gia đông dân nhất thế giới cũng không mấy sáng sủa.

Chưa biết lúc nào dịch kết thúc, nhưng điều đáng quan ngại hơn là tính đến thời điểm này, tác hại của Covid-19 đã lớn hơn thời kỳ khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu 2008-2009.

Nguồn baoquocte

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục