BAOTAYNINH.VN trên Google News

COVID-19 tại ASEAN: Các nước đặt mua vaccine; Malaysia vượt Singapore về ca bệnh 

Cập nhật ngày: 26/11/2020 - 14:00

Trong ngày 25/11, các nước ASEAN ghi nhận thêm 9.053 ca mắc COVID-19 so với ngày trước đó, trong khi tổng số ca tử vong tiếp tục tăng mạnh.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại tỉnh Banten, Indonesia, ngày 11/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 25/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 9.053 ca mắc bệnh COVID-19 và 175 ca tử vong so với 1 ngày trước.

Như vậy, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 1.142.097 ca mắc COVID-19 trong đó có 26.721 ca tử vong và 990.138 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN, với số ca bệnh và tử vong mới luôn dẫn đầu khối. Trong ngày 25/11, nước này ghi nhận gần trên 5.500 ca bệnh mới và 114 ca tử vong.

Hai quốc gia có số ca nhiễm mới ở mức 4 con số còn lại là Philippines và Myanmar. Philippines dịch vẫn diễn biến giảm chậm, với số ca nhiễm mới vẫn ở mức trên 1.200/ngày. Trong khi đó, số ca bệnh tại Malaysia đã vượt qua Singapore, lên tới gần 60.000 trường hợp.

Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có chỉ có Timor Leste, Lào và Brunei là những nước không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 25/11.

Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 26/11/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan đặt mua trước vaccine của AstraZeneca

Tại Thái Lan, Viện Vaccine Quốc gia (NVI) thông báo sẽ ký hợp đồng đặt mua trước vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng của nhà sản xuất Anh-Thụy Điển AstraZeneca trong buổi lễ do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chủ trì vào ngày 27/11 tới.

Trước đó, Nội các Thái Lan hôm 17/11 đã thông qua việc chi hơn 6 tỉ baht (khoảng 200 triệu USD) cho chương trình mua sắm này. Phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Traisuree Taisaranakul ngày 25/11 cho biết hợp đồng có điều kiện là Thái Lan có thể nhận hoặc không nhận vaccine, tùy thuộc vào kết quả nghiên cứu và các yếu tố khác.

Hợp đồng sẽ bao gồm việc sản xuất vaccine ở Thái Lan tại nhà máy của Tập đoàn Siam Bioscience, kể cả việc chuyển giao công nghệ sản xuất. Theo hợp đồng, Thái Lan sẽ đặt mua 26 triệu liều vaccine, đủ cho 13 triệu người. Bà Traisuree đánh giá việc thỏa thuận này sẽ mang lại cho người dân Thái Lan cơ hội tốt để có vaccine. Việc chấp nhận thanh toán vaccine dự kiến vào giữa năm 2021.

Trong khi đó, quyền Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) Opas Kankawinphong cho biết Chính phủ Thái Lan sẽ chi 3,7 tỉ baht (khoảng 121 triệu USD) để chuẩn bị cho việc vận chuyển và lưu trữ vaccine, hệ thống giám sát cũng như cho một chiến dịch sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vaccine. Ông Opas nói rằng vaccine ngừa COVID-19 sẽ là chương trình tiêm chủng mở rộng nhất từ trước đến nay ở Thái Lan.

Người dân Indonesia chờ xét nghiệm COVID-19. Ảnh: EPA-EFE

Philippines: Thêm trên 1.200 ca nhiễm mới

Bộ Y tế Philippines báo cáo có 1.202 ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày 25/11, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 422.915 trường hợp. Trong đó thành phố Davao là điểm nóng lây nhiễm, với 137 ca mới; tiếp theo là Quezon với 68 ca, Batangas -59...

Ít nhất 386.955 bệnh nhân đã bình phục tại Philippines sau khi có thêm 183 người xuất viện trong ngày 25/11. Tổng số ca bình phục chiếm gần 92% số ca mắc bệnh. Tuy vậy, trong ngày, Philippines cũng ghi nhận thêm 31 người tử vong, nâng con số tử vong lên 8.215 bệnh nhân.

Tổ chức nghiên cứu OCTA trước đó dự đoán số ca bệnh tại Philippines có thể lên tới 425.000-440.000 vào giữa tháng 11.

Cho đến nay, 5,2 triệu người đã được xét nghiệm COVID tại Philippines, với tỉ lệ dương tính tích luỹ là 9,1%.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm ở Sandakan, tỉnh Sabah, Malaysia. Ảnh: Bernama

Chính phủ Malaysia có thể đề nghị Quốc vương tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Tờ The Star cho biết, Chính phủ Malaysia sẽ cân nhắc tham mưu cho Quốc vương về ban bố tình trạng khẩn cấp tại các thành phố Gerik, bang Perak và Bugay, bang Sabah, nhằm trì hoãn cuộc bầu cử tại hai điểm nóng COVID-19 này.

Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng, Takiyuddin Hassan cho biết, nội các đã quyết định rằng Thủ tướng nên cố vấn cho Quốc vương Sultan Abdullah Ahmad Shah để ban bố tình trạng khẩn cấp trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào 5/12.

Ngày 24/11, Uỷ ban Bầu cử Malaysia cho biết sẽ tổ chức cuộc họp đặc biệt vào ngày 27/11 để thảo luận về kế hoạch bầu cử tại Gerik và Bugaya.

Hôm 18/11, Quốc vương Malaysia đã đồng ý ban bố tình trạng khẩn cấp tại thành phố Batu Sapi nhằm huỷ cuộc bầu cử trước nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ngày 25/11, Malaysia ghi nhận 970 ca nhiễm mới và 4 ca tử vong, nâng tổng số ca COVID-19 ở nước này lên 59.817, vượt qua Singapore với 58.190 ca. Trong số đó có 345 ca tử vong và 46501 người đã khỏi bệnh.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Subang Jaya, ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Indonesia đàm phán hợp tác sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19 với Pfizer

Chính phủ Indonesia và Chính phủ Mỹ đang đàm phán thiết lập quan hệ đối tác giữa công ty dược phẩm nhà nước PT Bio Farma và công ty Pfizer Inc của Mỹ nhằm phát triển vắc-xin ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Ngày 24/11, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan cho biết phía Mỹ tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ Indonesia trong việc phát triển vắc-xin ngừa COVID-19. Ông Luhut Pandjaitan cho biết trong chuyến thăm Mỹ, ông và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã có cuộc thảo luận về vắc-xin ngừa COVID-19 và nước này sẵn sàng hỗ trợ Indonesia. Ông cho biết thêm, Thứ trưởng Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Budi Gunadi Sadikin đã có các cuộc thảo luận với Văn phòng Bộ trưởng Y tế Mỹ và Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia.

Trước đó, hôm 9/11, Pfizer thông báo rằng kết quả thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19 mà hãng phát triển cùng đối tác BioNTech SE của Đức đạt hiệu quả hơn 90%. Hai hãng ngày 20/11 đã xác nhận việc nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Banda Aceh, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Cũng phát biểu tại sự kiện trên, Thứ trưởng Budi cho biết Chính phủ Indonesia đã liên hệ với 7-8 công ty dược phẩm trong danh sách các nhà phát triển vắc-xin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận để “có thể có các lựa chọn và quyết định loại vắc-xin nào phù hợp nhất với Indonesia".

Tính đến hết ngày 25/11, Indonesia đã ghi nhận hơn 511.836 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 16.225 ca tử vong, đứng đầu khu vực Đông Nam Á về cả hai con số này.

Gần 10 triệu người Indonesia thất nghiệp do dịch COVID-19

Tỷ lệ thất nghiệp ở Indonesia tăng thêm 2,67 triệu người lên 9,77 triệu người do đại dịch COVID-19 đã làm “tê liệt” các ngành kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati ngày 24/11 cho biết, trong số 2,67 triệu lao động mất việc làm, có tới 2,36 triệu người bị sa thải và 0,31 triệu người không tìm được việc làm do đại dịch COVID-19 gây ra.

Trong khi đó, số lượng lực lượng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là 29,12 triệu người. Trong số này, có tới 2,56 triệu người thất nghiệp, 700.000 người không tham gia lực lượng lao động, 1,77 triệu người thất nghiệp tạm thời và 24 triệu người làm việc nhưng ít giờ hơn.

Singapore sẽ siết chặt các biện pháp biên giới nhằm đề phòng lây lan COVID-19 từ Malaysia và Nhật Bản. Ảnh: Straits Times

Singapore: Không có ca nhiễm địa phương trong 15 ngày

Tờ Straits Times cho biết, trong ngày 25/11, Singapore ghi nhận 7 ca nhiễm mới đều là các trường hợp nhập cảnh. Như vậy, trong 15 ngày liên tiếp vừa qua Singapore không ghi nhận ca nhiễm mới nào ở trong nước. Đây là khoảng thời gian dài nhất không có lây nhiễm cộng đồng tại Singapore kể từ khi ghi nhận ca đầu tiên vào ngày 23/1.

Tính đến hết ngày 25/11, Singapore ghi nhận tổng cộng 58.190 ca COVID-19, trong đó có 60 ca tử vong và 58.079 người đã hồi phục.

Nguồn BHT