BAOTAYNINH.VN trên Google News

COVID-19 tới 6h sáng 13/3: Ca nhiễm-tử vong mới giảm; WHO xem xét chấm dứt tình trạng khẩn cấp 

Cập nhật ngày: 13/03/2022 - 09:42

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,17 triệu ca mắc COVID-19 và 3.776 ca tử vong, giảm đáng kể so với những ngày trước. WHO đang cân nhắc tiêu chí và thời điểm dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do COVID-19.

Người dân ngủ đêm tạm bên ngoài trung tâm y tế Caritas ở Hong Kong, Trung Quốc trong bối cảnh các bệnh viện bị quá tải do số ca mắc COVID-19 tăng đột biến, ngày 16/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 13/3 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 456.228.450 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.061.057 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.170.155 và 3.776 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 389.949.549 người, 60.217.844 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 65.989 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 383.651 ca; Việt Nam đứng thứ hai với 168.719 ca; tiếp theo là Đức (145.267 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 630 người chết trong ngày; tiếp theo là Brazil 333 ca và Hàn Quốc với 269 ca.

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 81.161.804 người, trong đó có 993.220 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 42.987.875 ca nhiễm, bao gồm 515.833 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 29.350.134 ca bệnh và 654.945 ca tử vong. 

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 164,5 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 125 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 95,67 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 55,2 triệu ca, tiếp đến là châu Phi 11,62 triệu ca và châu Đại Dương trên 4,16 triệu ca nhiễm.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

WHO cân nhắc thời điểm chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do COVID-19

Ngày 11/3, các chuyên gia y tế cộng đồng thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khởi động thảo luận về các tiêu chí đánh giá và thời điểm có thể tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do dịch COVID-19. Đây được coi là cột mốc quan trọng sau hơn hai năm đại dịch này bùng phát và hoành hành trên thế giới.

Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), cuộc thảo luận tại WHO sẽ tập trung xem xét các điều kiện cần thiết để có thể chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu - vốn được ban bố vào ngày 30/1/2020. WHO cho biết: “Ủy ban Khẩn cấp quy định y tế quốc tế về COVID-19 đang xem xét những tiêu chí cần thiết để tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng được quốc tế quan tâm". Quyết định quan trọng này - nếu được đưa ra - không chỉ là một dấu mốc mang ý nghĩa lớn, mà chắc chắn sẽ tác động đến nhiều chính sách y tế cộng đồng.

Tuy nhiên, WHO cũng thừa nhận rằng "ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa đạt đến mức đó”. Nhiều quốc gia trên thế giới đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 để quay trở lại hoạt động xã hội bình thường như nới lỏng quy định đeo khẩu trang, cách ly và mở cửa biên giới, đón khách du lịch... Tuy nhiên, vẫn có một số quốc gia ghi nhận con số kỷ lục về ca lây nhiễm. WHO cho biết trong tuần qua thế giới đã có thêm 10 triệu ca mắc COVID-19 và 52.000 trường hợp tử vong do căn bệnh này.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 7/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng ngay cả khi các trường hợp mắc COVID-19 giảm xuống mức thấp hơn, dịch bệnh này vẫn có khả năng gây ra hàng nghìn ca tử vong mỗi năm, không giống như những căn bệnh khác như sốt rét và lao. Ngoài ra, vẫn không thể dự đoán được liệu có xuất hiện thêm những biến thể mới, nguy hiểm hơn hay không.

Cuba khẳng định vị thế tiên phong trong cuộc chiến chống COVID-19

Tròn hai năm sau khi Cuba công bố ca dương tính SAR-CoV-2, ngày 11/3, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez đã đăng thông điệp nhấn mạnh đảo quốc Caribe này đang ở vị thế tiên phong trên thế giới trong đối phó và kiểm soát COVID-19.

Nhà lãnh đạo Cuba khẳng định những kết quả mà đất nước mình đạt được trong khoảng thời gian này là “một thành tựu không thể bàn cãi của hệ thống y tế cùng ngành khoa học”.

Ngay từ giai đoạn đầu, Cuba đã đưa ra chiến lược phòng ngừa và ứng phó toàn diện với đại dịch COVID-19 với sự phối hợp của nhiều ngành khác nhau. Những quy định y tế phòng dịch và các hành động đồng bộ khác đã “cứu sống” hàng nghìn sinh mạng, đồng thời Cuba còn cử 57 đoàn hợp tác y tế tới 41 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Mỹ Latinh, châu Phi và châu Âu để hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch này.

Bất chấp nhiều hạn chế về kinh tế, Cuba là quốc gia Mỹ Latinh duy nhất tự phát triển được vaccine ngừa COVID-19. Bên cạnh đó, ngành y tế Cuba – với đặc điểm cung cấp dịch vụ phổ cập toàn dân và miễn phí – đã thực hiện thành công một chiến dịch tiêm chủng rộng rãi nhất trong lịch sử đất nước, với những con số ấn tượng.      

Vaccine Abdala ngừa COVID-19 của Cuba. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê chính thức, tính tới đầu tháng 3, hệ thống y tế Cuba đã thực hiện hơn 35 triệu liều tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trong tổng số dân 11,2 triệu người, hơn 9,8 triệu người đã hoàn thành liệu trình tiêm chủng và hơn 5 triệu người đã tiêm liều tăng cường. Cuba cũng là nước tiên phong trong việc phổ cập tiêm chủng cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên.

Tỷ lệ tử vong trên số ca nhiễm COVID-19 tại Cuba là 0,79%, thấp hơn khá nhiều mức trung bình của thế giới là 1,34% và của châu Mỹ là 1,78%.

Triển vọng vaccine đặc trị Omicron của Moderna

Moderna Inc. đang phát triển loại vaccine mới phòng chống biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Theo tiết lộ của Công ty Moderna tại Nhật Bản với giới truyền thông nước sở tại ngày 11/3, vaccine ngừa Omicron có thể được lưu hành tại Nhật Bản vào cuối năm 2023. 

Chủ tịch Moderna tại Nhật Bản, bà Rami Suzuki cho biết công ty đang cùng Bộ Y tế Nhật Bản bàn về kế hoạch triển khai chương trình tiêm chủng thử nghiệm vaccine đặc trị Omicron vào mùa Thu năm nay. 

Bà Rami Suzuki khẳng định cần chuẩn bị cho khả năng một biến thể mới khác sẽ xuất hiện. Theo bà, đợt thử nghiệm thứ 4 vaccine phòng Omicron cần được thực hiện tại Nhật Bản trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến 12 năm nay và cần xúc tiến sớm quy trình xin cấp phép lưu hành loại vaccine này lên Chính phủ Nhật Bản để có thể đảm bảo tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa Omicron vào mùa Thu và mùa Đông năm tới. 

Ngoài loại vaccine mới nói trên, Moderna cũng đang phát triển vaccine 3 trong 1 phòng virus corona, cúm theo mùa và virus hợp bào hô hấp (RSV).

Người dân thư giãn tại một quán ăn ngoài trời ở quảng trường Thời đại, New York (Mỹ) khi các quy định phòng dịch COVID-19 được nới lỏng, ngày 7/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Trung Quốc ghi nhận gần 600 ca mắc mới COVID-19

Ngày 12/3, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo đã ghi nhận 588 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 11/3, tăng so với mức 555 ca của ngày trước đó.

Theo NHC, trong số trên có 476 ca mắc trong cộng đồng. Các ca lây nhiễm mới tập trung nhiều nhất tại tỉnh Sơn Đông với 134 ca, tỉnh Cát Lâm (35 ca), Quảng Đông (33 ca), Thiểm Tây (30 ca). Tính đến ngày 11/3, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 113.528 ca, trong đó số ca tử vong không đổi, vẫn ở mức 4.636 ca.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc ngày 9/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Hàn Quốc: Ca mắc mới và tử vong cao kỷ lục

Hàn Quốc cũng đang chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron khi số ca mắc mới theo ngày vượt 380.000 ca. Cụ thể, ngày 12/3, Hàn Quốc ghi nhận 383.665 ca mắc mới, trong đó có 383.590 ca lây nhiễm trong nước. Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất được ghi nhận kể từ khi dịch bùng phát. Số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc đã lên tới 6 triệu ca, tăng 1 triệu ca chỉ trong 3 ngày. Nước này cũng ghi nhận thêm 269 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi vì COVID-19 lên 10.144 người, tỷ lệ tử vong là 0,16%. 

Giới chức y tế Hàn Quốc dự đoán nước này sẽ đạt đỉnh dịch trong tuần tới. Chính phủ cũng đang có kế hoạch sửa đổi hệ thống điều trị hiện tại cho bệnh nhân COVID-19 để tận dụng tốt hơn các nguồn y tế khan hiếm. Bắt đầu từ tuần tới, những bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện với các triệu chứng nhẹ sẽ có thể được điều trị tại các bệnh viện đa khoa. Kết quả từ các xét nghiệm kháng nguyên nhanh do các tổ chức y tế thực hiện cũng sẽ được chấp nhận trong việc chính thức xác nhận ca mắc COVID-19.

Người dân trên đường phố Bucharest (Romania) khi hầu hết các quy định phòng dịch COVID-19 được dỡ bỏ, ngày 9/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

CDC Mỹ: Vaccine Pfizer giảm thiểu nguy cơ mắc Omicron ở trẻ em 

Nguy cơ mắc Omicron giảm đáng kể ở trẻ em và thanh thiếu niên tuổi từ 5 đến 15 nếu được tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech COVID-19. Đây là kết luận của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ trong nghiên cứu công bố ngày 11/3. 

Tại Mỹ, trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 2/2022, trẻ từ 5-15 tuổi hằng tuần phải xét nghiệm với SARS-CoV-2 dù có triệu trứng hay không. Kết quả cho thấy khoảng 50% trẻ có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 là trẻ chưa tiêm vaccine và không có triệu chứng. 

Theo CDC, việc tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 làm giảm nguy cơ nhiễm Omicron của 31% trẻ từ 5 đến 11 tuổi và 59% ở thanh thiếu niên từ 12-15 tuổi. 

CDC Mỹ đã lần lượt cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 12-15 tuổi và trẻ từ 5 đến 11 tuổi vào tháng 5/2021 và tháng 11 cùng năm.

Nhật Bản điều chỉnh tiêu chí đánh giá mức độ dịch bệnh COVID-19 

Ngày 11/3, hội nghị của Tiểu ban cố vấn y tế Chính phủ Nhật Bản đã đi đến thống nhất điều chỉnh giảm tiêu chí đánh giá mức độ dịch bệnh COVID-19, cơ sở quan trọng để ra quyết định dỡ bỏ hoàn toàn áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm tại 18 tỉnh, thành phố còn lại vào ngày 21/3 tới.

Các chuyên gia cố vấn y tế hàng đầu Nhật Bản cho rằng tiêu chí cũ để dỡ bỏ áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm đối với một địa phương là giảm về số ca mắc mới và giảm tỷ lệ sử dụng giường bệnh, nhưng hiện không còn phù hợp với tình hình thực tế và với chủ trương giảm gánh nặng đối với kinh tế xã hội. 

Hội nghị thống nhất các tiêu chí mới gồm có số ca mắc COVID-19 mới có xu hướng tăng nhẹ hoặc chững lại ở mức cao, trong khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh nói chung và áp lực với hệ thống y tế giảm. Trong trường hợp tỷ lệ sử dụng giường bệnh nói chung (hoặc tỷ lệ sử dụng giường bệnh đối với bệnh nhân nặng) vượt quá 50% nhưng số ca mắc mới có chiều hướng giảm, kéo theo áp lực lên hệ thống y tế giảm.

Ngoài ra, đối với các sự kiện quy mô lớn tại khu vực đang áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm, nếu diễn ra trật tự và có kế hoạch phòng dịch chi tiết, sẽ không hạn chế số lượng người tham gia (trước đây là dưới 20.000 người). 

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN

Campuchia giảm giá thuốc kháng virus Molnupiravir

Ngày 12/3, Bộ Y tế Campuchia đã thông báo giảm giá thuốc Molnatris - một loại thuốc chứa hoạt chất kháng virus molnupiravir sử dụng trong điều trị COVID-19 cho người trưởng thành, mắc bệnh ở thể nhẹ và trung bình. 

Cụ thể, từ ngày 14/3 tới, thuốc Molnatris (dạng viên chứa molnupiravir 200 mg) sẽ được nhóm quản lý, phân phối và cung ứng biệt dược điều trị COVID-19 của Bộ Y tế Campuchia phân phối với mức giá mới là 50 USD/hộp. Một người dân có thể mua trực tiếp từ 1-10 hộp cùng lúc. Trong khi các bệnh viện, phòng khám chữa bệnh, nhà thuốc có thể đặt mua từ 10-100 hộp và bán lại cho người bệnh với giá 60 USD/hộp (nếu bán cao hơn mức này sẽ bị xử phạt).

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Phnom Penh, Campuchia ngày 23/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Quyết định giảm giá thuốc Molnatris được đưa ra trong bối cảnh ngày 12/3 là ngày thứ 36 liên tiếp Campuchia ghi nhận số ca mắc COVID-19 ở mức 3 con số  - cụ thể là 205 ca tính theo kết quả xét nghiệm PCR, trong đó tất cả các trường hợp đều nhiễm biến thể Omicron. Ngoài ra, nước này cũng có thêm 1 trường hợp tử vong. Tính đến nay, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người tại Campuchia. Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Or Vandine cảnh báo nếu không nỗ lực ngăn chặn, số ca lây nhiễm COVID-19 mỗi ngày tại nước này sẽ có thể còn tiếp tục tăng lên mức 4 con số.

Australia cân nhắc chuyển sang giai đoạn phòng dịch mới

Trong khi đó, Australia đang cân nhắc chuyển sang một giai đoạn mới trong chính sách sống chung với COVID-19.

Trả lời báo giới sau cuộc họp nội các ngày 11/3, Thủ tướng Scott Morrison cho biết Chính phủ Australia đang thảo luận về việc chuyển sang giai đoạn tiếp theo trong kế hoạch ứng phó với đại dịch COVID-19. Ông nhấn mạnh: “Sân bay đã mở cửa trở lại, khách quốc tế có thể đến, đã miễn trừ cách ly đối với những người muốn nhập cảnh Australia. Do đó, Australia đang trong Giai đoạn D của chính sách sống chung với COVID”. Theo Thủ tướng Morrison, các nhà chức trách Australia muốn bỏ yêu cầu cách ly đối với những người tiếp xúc gần ca bệnh, tuy nhiên vấn đề này sẽ cần phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế. 

Thủ tướng Morrison cho biết các quy định cách ly đang gây nhiều khó khăn cho giới doanh nghiệp Australia. Hiện nay, Australia đang ở Giai đoạn D, có thể sống chung với COVID-19 như dịch cúm. Theo ông, các bang Tây Australia và Lãnh thổ phía Bắc sẽ thực hiện giai đoạn sau các khu vực khác một tháng. Trong khi đó, các quan chức y tế bang New South Wales - bang đông dân nhất Australia - cảnh báo về sự gia tăng của dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron - hay còn được gọi là "Omicron tàng hình" - có thể làm tăng gấp đôi số ca nhiễm mới mỗi ngày.

Nguồn Báo Tin tức

 

Từ khóa
COVID-19WHO