BAOTAYNINH.VN trên Google News

COVID-19 tới 6h sáng 17/12: Anh có ca mắc mới cao kỷ lục; Mỹ vượt 100.000 ca mắc/ngày 

Cập nhật ngày: 17/12/2021 - 09:34

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 664.000 ca mắc COVID-19 và trên 6.000 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 273 triệu ca, trong đó trên 5,35 triệu ca tử vong.

Tiêm vaccine COVID-19 cho nhân viên y tế tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 115.000 ca), Anh (88.376 ca) và Pháp (60.866 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.133 ca), Mỹ (807 ca) và Ba Lan (592 ca).

Xét cả về ca mắc hàng ngày và tổng ca mắc từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới. Tới nay, Mỹ đã ghi nhận trên 51,3 triệu ca mắc và trên 824.000 ca tử vong. Đứng thứ hai về tổng ca mắc từ đầu đại dịch là Ấn Độ với 34,7 triệu ca mắc và 476.000 ca tử vong.

Nhìn chung, diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới đang có xu hướng gia tăng dịp cuối năm. Nhiều quốc gia ghi nhận ca mắc mới ca kỷ lục, buộc phải thắt chặt các biện pháp phòng dịch.

Anh ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 16/12, Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 88.376 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ đầu đại dịch, nâng tổng số ca nhiễm lên 11.097.851 ca.

Trong số ca nhiễm mới, giới chức y tế Anh đã xác nhận 4.671 ca nhiễm biến thể Omicron, mức cao nhất theo ngày kể từ khi biến thể mới này xuất hiện tại Anh, nâng tổng số ca nhiễm Omicron ở nước này lên 10.017 ca. Anh cũng thông báo thêm 146 ca tử vong liên quan COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 146.937 ca.

Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng ngày tại Phố Downing, người đứng đầu Cơ quan Y tế vùng England Chris Whitty cảnh báo sẽ tiếp tục có những kỷ lục buồn về số ca nhiễm mới COVID-19 trong vài tuần tới. Ông cho rằng biểu đồ lây lan của biến thể Delta hiện tại  “đi ngang” và sự lây lan của Omicron khiến cho tình hình hiện nay giống như “dịch chồng lên dịch”. 

Giáo sư Whitty nhận định biến thể Omicron đặt ra nguy cơ thực sự nghiêm trọng mà giới chức y tế Anh đánh giá là “tồi tệ”. Ông cũng nhấn mạnh điều quan trọng nhất hiện nay là có các loại vaccine hiệu quả và đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi tăng cường. 

Theo số liệu mới nhất, đến nay, đã có hơn 89% số người dân từ 12 tuổi trở lên tại Anh được tiêm một mũi vaccine và 81% đã được tiêm đủ hai mũi. Trong khi đó, hơn 43% đã tiêm mũi tăng cường vaccine COVID-19. 

Ba Lan ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron 

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Ba Lan ngày 10/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 16/12, Thứ trưởng y tế Ba Lan Waldemar Kraska thông báo nước này vừa ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Ca nhiễm đầu tiên biến thể Omicron được phát hiện tại thành phố Katowice, miền Nam Ba Lan.    

Quốc gia Trung Âu này đã buộc phải siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm ứng phó với số ca mắc mới hằng ngày thường xuyên ở mức cao trong đợt lây lan dịch COVID-19 lần thứ tư. Tính đến nay, Ba Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.903.445 ca mắc COVID-19, trong đó có 90.306 ca tử vong.   

Hệ thống y tế Pháp tiếp tục quá tải 

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Paris, Pháp ngày 18/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Pháp, ngày 16/12, nước này ghi nhận 60.866 ca nhiễm mới. Bộ Y tế Pháp cho rằng với số ca mắc mới này, số trường hợp dương tính với COVID-19 trung bình trong 7 ngày (tính đến ngày 15/12) đã tăng lên 50.000 ca/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 11/2020. Do số ca nhiễm mới ngày càng gia tăng, hệ thống y tế trên khắp nước Pháp tiếp tục đối mặt với tình trạng quá tải. Đáng chú ý nhất là tại bệnh viện Colmar ở thành phố cùng tên gần biên giới với Đức và Thụy Sĩ. Bác sĩ Eric Thibaud, Trưởng Khoa Cấp cứu của bệnh viện Colmar, cho biết 10% nhân viên của ông đã xin nghỉ ốm vì kiệt sức. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Khoa Chăm sóc đặc biệt. 

Trước bối cảnh số trường hợp phải nhập viện chủ yếu là những người chưa tiêm vaccine, Tổng thống Emmanuel Macron để ngỏ khả năng áp đặt quy định bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ông cũng cho biết sẽ cân nhắc tiêm phòng cho trẻ em ở độ tuổi từ 5-11, nhưng cho rằng bố mẹ hoàn toàn có quyền quyết định có cho con em mình tiêm vaccine hay không.

Kể từ cuối tuần này, Pháp sẽ đình chỉ các hoạt động du lịch không thiết yếu từ nước này tới Anh và ngược lại nhằm làm kìm hãm Omicron – biến thể đang lan mạnh tại Anh.

Theo thông báo của Chính phủ Pháp, kể từ đêm 18/12, nước này sẽ yêu cầu du khách “thông báo lý do cấp thiết khi di chuyển từ Pháp tới Anh (hoặc ngược lại)”, kể cả đối với những trường hợp đã được tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. 

Quy định mới vẫn cho phép các công dân Pháp hoặc thuộc Liên minh châu Âu (EU) từ Vương quốc Anh trở về Pháp. Tuy nhiên, họ phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trước thời điểm nhập cảnh không quá 24 giờ. Trước đó, thời hạn hiệu lực của các xét nghiệm này được tính trong 48 giờ. Những trường hợp nhập cảnh này cũng sẽ phải trải qua quá trình cách ly y tế 7 ngày khi tới Pháp.  

Thụy Điển siết chặt các biện pháp phòng dịch 

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Sollentuna, Thuỵ Điển. Ảnh: AFP/TTXVN

Thụy Điển sẽ yêu cầu du khách từ các quốc gia Bắc Âu láng giềng xuất trình giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 khi nhập cảnh nước này, nhằm kiểm soát hiệu quả hơn tình hình dịch bệnh trong nước. 

Thủ tướng Magdalena Andersson cho biết: "Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng các ca bệnh ở châu Âu, và ngay cả ở các nước láng giềng. Trước đó, chúng tôi đã đưa ra quy định kiểm tra giấy chứng nhận tiêm phòng đối với du khách từ bất kỳ quốc gia nào, ngoại trừ Bắc Âu. Hôm nay, chính phủ quyết định rằng cũng sẽ áp dụng chính sách này đối với các nước Bắc Âu". Quy định mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 21/12 tới.

Thụy Điển đã chứng kiến các ca mắc COVID-19 tăng đột biến trong thời gian gần đây, buộc chính phủ nước này phải áp đặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch. 

Hàn Quốc tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt

Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 14/12/2021. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Một tháng rưỡi sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế theo chính sách "sống chung với COVID-19", ngày 16/12, Hàn Quốc thông báo nước này sẽ tái áp đặt các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn trong bối cảnh số ca mắc mới và số ca nguy kịch tăng lên mức cao chưa từng có kể từ khi dịch bệnh bùng phát.  

Các quan chức sở tại cho biết các quy định siết chặt sẽ được nối lại kể từ ngày 18/12. Các buổi gặp gỡ riêng tư được giới hạn không quá 4 người (tất cả đều đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19). Các hàng ăn, quán cà phê, quán bar buộc phải đóng cửa vào 21h. Trong khi các rạp chiếu phim và quán cà phê Internet ngừng hoạt động vào 22h. 

Theo quy định mới, những người chưa tiêm phòng chỉ có thể ăn tối một mình hoặc mua đồ ăn mang đi hoặc đặt dịch vụ giao hàng.

Các biện pháp này được triển khai trong bối cảnh số ca mắc mới hàng ngày và số ca nguy kịch tại Hàn Quốc tiếp tục tăng lên các mức cao kỷ lục mới do sự gia tăng dai dẳng các ca lây nhiễm đột phá (những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine vẫn mắc COVID-19), từ đó làm tăng áp lực đối với hệ thống y tế.  

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước đã lên tới 544.117 ca sau ghi nhận 7.622 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 15/12, giảm so với mức cao nhất hôm 14/12 (7.850 ca). Trong số này có 148 ca nhiễm biến thể mới Omicron.

Đáng lưu ý, số ca nguy kịch cũng đã tăng lên mức cao chưa từng có tại Hàn Quốc với 989 ca, trong đó khoảng 87% số giường điều trị tích cực tại khu vực thủ đô Seoul đã không còn chỗ trống và con số này tính trên toàn quốc là 81%.   

KDCA cho biết thêm hiện có hơn 92% người trưởng thành tại Hàn Quốc đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, song số ca mắc mới đã tăng gấp gần 5 lần trong khi số ca nguy kịch tăng cấp 3 lần kể từ thời điểm các quy định hạn chế được nới lỏng vào tháng trước. 

Nhật Bản phê duyệt tiêm mũi tăng cường vaccine của Moderna

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản ngày 1/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 16/12, Nhật Bản đã chính thức phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna (Mỹ) làm mũi tăng cường.

Quyết định trên được đưa ra một ngày sau khi các chuyên gia Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) khuyến nghị tiêm mũi tăng cường vaccine của Moderna cho những người trên 18 tuổi. Đây là độ tuổi được triển khai tiêm rộng rãi mũi một và mũi hai vaccine của Moderna tại các địa điểm tiêm chủng ở nơi làm việc. Như vậy, vaccine của Moderna sẽ là vaccine tiếp theo, sau vaccine của hãng Pfizer/BioNTech, được sử dụng làm mũi tiêm tăng cường cho người dân Nhật Bản từ 18 tuổi trở lên. 

Các quan chức của MHLW cho biết kết quả thử nghiệm cho thấy một tháng sau khi tiêm mũi thứ ba bằng vaccine của Moderna với liều lượng thấp hơn, nồng độ các kháng thể trung hòa cao hơn 70% so với một tháng sau khi tiêm mũi thứ hai. 

MHLW cho biết từ nay tới tháng 6/2022, Nhật Bản sẽ được cung cấp ít nhất 97,5 triệu liều vaccine của Moderna. MHLW dự định sử dụng vaccine của Moderna cho chương trình tiêm chủng ở nơi làm việc từ tháng 3/2022 cũng như ở các cơ sở y tế và các điểm tiêm chủng quy mô lớn.

Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đang đẩy nhanh việc tiêm mũi tăng cường bằng cách sử dụng cả vaccine của Moderna và Pfizer/BioNTech. Mũi tăng cường sẽ được tiêm sau 6 tháng kể từ mũi tiêm thứ 2. Riêng trong ngày 15/12, Nhật Bản đã tiêm 93.000 mũi tăng cường bằng vaccine của Pfizer/BioNTech, tương đương 0,1% dân số.

Số ca nhiễm mới ở bang New South Wales (Australia) tăng đột biến

Tiêm vaccine COVID-19 tại Dubbo, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Australia, ngày 16/12, chính quyền bang New South Wales (NSW) thông báo 1.742 ca mắc mới trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất được ghi nhận ở bang này kể từ khi dịch bệnh bắt đầu. 

Bộ trưởng Y tế bang NSW Brad Hazzard cho biết hệ số lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 đã vượt quá 1,5 sau khi trong tuần qua, số ca nhiễm mới tăng gấp đôi chỉ sau vài ngày. 

Tính đến ngày 16/12, bang NSW đông dân nhất Australia đã ghi nhận 122 trường hợp nhiễm biến thể mới Omicron, tăng thêm 12 trường hợp so với một ngày trước đó. Các quan chức y tế của bang cho rằng biến thể mới đang khiến các ca bệnh mới tăng lên, có khả năng lây lan ra khắp bang. Ông Hazzard khẳng định hệ thống bệnh viện của bang đã chuẩn bị ứng phó với sự gia tăng của các ca nhiễm mới nhưng các nhà nghiên cứu của Đại học NSW dự báo số ca nhiễm có thể lên tới 25.000 mỗi ngày vào tháng 1/2022. 

Trước đó, ngày 15/12, khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở bang NSW đạt trên 93%, chính quyền bang tiếp tục nới lỏng các hạn chế phòng chống dịch, cho phép người dân địa phương không phải đeo khẩu trang ở nhiều địa điểm hoặc không phải xuất trình chứng nhận đã tiêm phòng. Thủ hiến bang Dominic Perrottet cũng kêu gọi tập trung ngăn chặn các ca bệnh phải nhập viện và cần chăm sóc đặc biệt, dù con số này hiện vẫn còn thấp và ổn định. 

Cùng ngày 16/12, bang Victoria, bang đông dân thứ hai của Australia, ghi nhận thêm 1.622 ca nhiễm mới và bang này này có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt 92% dân số.

Cuba có thêm 4 ca nhiễm biến thể Omicron

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em tại La Habana, Cuba, ngày 24/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Cuba, ngày 15/12, nước này thông báo phát hiện thêm 4 ca nhiễm biễn thể Omicron, tất cả đều là các ca nhập cảnh từ châu Phi. Cụ thể, 2 người Cuba trở về từ Nam Phi đã có kết quả xét nghiệm dương tính trong thời gian cách ly, 2 trường hợp còn lại là công dân Ethiopia và Somalia nhập cảnh vào Cuba từ Kenya. Những du khách này được xác định mắc COVID-19 thông qua kiểm tra PCR tại biên giới, theo đúng quy trình an ninh y tế đã được thiết lập từ trước. 

Giới chức y tế Cuba đã nhanh chóng khoanh vùng và tiến hành xét nghiệm cho những người có tiếp xúc trực tiếp với các ca nhiễm biến thể Omicron nói trên cũng như những hành khách đi cùng các chuyến bay liên quan, tất cả cho đến nay đều âm tính. 

Trước đó, ngày 8/12, Bộ Y tế Cuba xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron là một thành viên phái đoàn hợp tác y tế Cuba trở về từ Mozambique. 

Từ hôm 4/12, Cuba đã tăng cường các biện pháp giám sát và phòng ngừa đối với những hành khách đến từ các quốc gia đã phát hiện các ca nhiễm biến thể Omicron. Theo thống kê chính thức, đến nay Cuba ghi nhận tổng cộng 963.885 ca COVID-19, trong đó có 8.313 ca tử vong, kể từ khi dịch bệnh tấn công nước này vào tháng 3/2020.

Nam Phi ghi nhận số ca mắc COVID-19 theo ngày cao nhất từ trước đến nay

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 16/12, Nam Phi ghi nhận 24.785 ca COVID-19 mới. Cùng ngày, Nam Phi cũng ghi nhận 36 ca tử vong vì COVID-19. Trước đó, số ca tử vong cao nhất trong ngày tại Nam Phi từng được thông báo là 108 ca. Với tỷ lệ tử vong này, việc tiêm vaccine vẫn được cho là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa các ca tử vong. Do đó, để ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới nhất lần này, Chính phủ Nam Phi đã khuyến nghị người dân đi tiêm chủng. Tuần trước, Nam Phi đã cho phép tiêm liều tăng cường cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên.

Đến nay, hơn 17 triệu người (hơn 30% dân số) tại Nam Phi đã tiêm vaccine phòng COVID-19. 
Bộ Y tế Nam Phi ngày 16/12 cho biết Hội đồng chỉ huy chống dịch COVID-19 (NCCC) đã quyết định duy trì lệnh phong tỏa cấp độ 1 - mức thấp nhất trong hệ thống phòng dịch 5 cấp độ ở nước này, nhằm ứng phó với biến thể Omicron. 

Thông báo của Bộ Y tế Nam Phi nêu rõ NCCC cũng đã chỉ thị các cơ quan y tế giám sát chặt chẽ sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 cũng như số ca nhập viện, tử vong và khỏi bệnh. Quyết định trên được đưa ra nhằm ngăn chặn số ca mắc mới gia tăng trong mùa lễ hội cuối năm.

Nam Phi đang nỗ lực đối phó với làn sóng lây lan dịch COVID-19 thứ 4 do sự bùng phát biến thể Omicron.

Nguồn Báo Tin tức