Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Đây là bức tranh khả quan mà CPTPP mang lại cho các doanh nghiệp trong nước được ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đưa ra tại hội nghị “Tìm hiểu về các thị trường trọng điểm trong Hiệp định CPTPP, đánh giá các tác động và lợi thế cạnh tranh của An Giang”, do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI) tổ chức sáng 17-4.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Công ty XNK thủy sản Cửu Long An Giang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Theo VCCI Cần Thơ, Hiệp định CPTPP được ký kết ngày 8/3/2018 và có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14-1-2019, được đánh giá có nhiều đổi mới, hội nhập sâu rộng hơn so với các hiệp định khác. Với 11 nước tham gia, Hiệp định CPTPP là một trong những FTA lớn nhất thế giới và khi được thực thi đầy đủ sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, theo VCCI Cần Thơ, hiện CPTPP mới chỉ tập trung khai thác được 4/11 thị trường cả về xuất khẩu và nhập khẩu như Nhật Bản, Singapore, Australia và Malaysia; trong khi các thị trường khác như châu Mỹ lại đang còn bỏ ngỏ.
Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, khi Hiệp định CPTPP được thực thi với lộ trình cắt giảm thuế quan sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước và An Giang tăng khả năng cạnh tranh về giá, giúp các doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Mặc dù vậy, bên cạnh những cơ hội mà CPTPP mang lại, ông Nưng cũng cảnh báo, các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp một số bất lợi khi hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam vấp phải sự cạnh tranh lớn và mức độ cạnh tranh có xu hướng tăng lên; vì vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ về thị trường và cải thiện năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu là rất cần thiết.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Lê Văn Nưng, hiện nay yêu cầu của thị trường và đòi hỏi của người tiêu dùng về sản phẩm ngày một cao về mẫu mã, chất lượng, giá cả; đây là vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp An Giang và trong nước cần lưu ý trong sân chơi CPTPP...
Các chuyên gia cũng cho rằng, hiểu về hội nhập kinh tế quốc tế một cách đầy đủ mới thấy được tầm quan trọng. Bởi hội nhập kinh tế quốc tế không riêng là sân chơi của những doanh nghiệp xuất khẩu, mà sẽ định hình cho cả một nền kinh tế, tác động trên nhiều lĩnh vực, đòi hỏi sự tham gia vào cuộc và đồng hành từ khu vực công đến khu vực tư.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ đã giới thiệu các doanh nghiệp tỉnh An Giang nội dung của Hiệp định CPTPP như tiến trình hình thành hiệp định từ giai đoạn thảo luận đến giai đoạn ký kết; các thành viên tham gia hiệp định; các cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia CPTPP.
Bên cạnh đó, bà Linh cũng chia sẻ với các doanh nghiệp An Giang những vấn đề cần lưu ý khi soạn thảo hợp đồng thương mại như cần hiểu rõ hợp đồng ký kết, điều kiện hiệu lực của hợp đồng, giải quyết khi xảy ra tranh chấp, luật áp dụng trong ký kết hợp đồng thương mại; phân tích những lợi ích, cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước khi Việt Nam tham gia vào CPTPP.
Ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, hội nghị sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp tỉnh An Giang hiểu rõ hơn về Hiệp định CPTPP, tận dụng được những lợi ích mà CPTPP mang lại nhằm giúp các doanh nghiệp tỉnh An Giang có thể tự tin bước vào sân chơi hội nhập thương mại tự do; tận dụng hiệu quả nguồn vốn và chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn, tận dụng cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; nâng cao năng lực hợp tác với các đối tác nước ngoài và nắm chắc các văn bản pháp lý trong soạn thảo hợp đồng quốc tế...
Nguồn Báo Tin Tức