BAOTAYNINH.VN trên Google News

CPTPP và nước cờ của Canada 

Cập nhật ngày: 08/02/2018 - 12:38

Với việc đồng ý tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Ottawa đang hiện thực hóa những tính toán của riêng mình.

Theo đó, thoả thuận CPTPP tiến bộ hơn phiên bản Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây. Về mặt chiến lược, việc 11 nước thuộc vành đai Thái Bình Dương tham gia vào một thoả thuận thương mại tiến bộ và toàn diện sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể, đặc biệt là vào thời điểm thuận lợi cho Chính phủ Trudeau.

Quan trọng hơn, đây chính là lời nhắc nhở cho Washington thấy rằng, Ottawa có nhiều lựa chọn thương mại khác, bên cạnh việc tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đầy khó khăn đang diễn ra. 

Đẩy lùi chủ nghĩa bảo hộ

Trong các vòng đàm phán này, được chính thức khởi động từ trung tuần tháng 8/2017 theo yêu cầu của Chính quyền Tổng thống Donald Trump, Canada không có nhiều đòn bẩy cần thiết. Vì thế, quyết định của Canada, ngay trong khi đang tiến hành vòng 6 tái đàm phán NAFTA cuối tháng trước tại Montreal, là động thái minh chứng rằng Ottawa sẵn sàng kết nối với các thị trường thương mại khác nếu như Mỹ không muốn giữ lại NAFTA. 

Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland phát biểu trong cuộc họp báo kết thúc vòng đàm phán thứ 6 NAFTA. (Nguồn: Reuters)

Bên cạnh đó, đây cũng được xem là cơ hội để Thủ tướng Trudeau gửi đi thông điệp rằng khi chủ nghĩa bảo hộ đang lớn mạnh, những hiệp định thương mại đáng giá nhất phải đảm bảo được lợi ích kinh tế cho số đông. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) ngay sau khi công bố quyết định trên, Thủ tướng Trudeau nêu rõ: “Chúng tôi phải đặt quan ngại của phần đông công chúng vào trọng tâm các cuộc đàm phán”.

Đây là một thông điệp tốt nếu được đưa vào thực hiện trong thực tế, chứ không chỉ dừng lại như một lời tuyên bố. Nhiều người kỳ vọng việc thêm cụm từ “tiến bộ” vào tên gọi của TPP sẽ cho phép các nước thành viên làm được điều này. 

Lợi – hại song hành

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra hiện nay là bản chất của phiên bản cập nhật CPTPP. Hồi tháng 11/2017, chính Canada đã quay lưng lại với TPP với lý do thoả thuận này không đáp ứng các tiêu chuẩn trong một số lĩnh vực trọng yếu. Nhưng chỉ sau hơn hai tháng, cả Thủ tướng Trudeau và Bộ trưởng Thương mại Quốc tế François-Philippe Champagne đã tự tin rằng họ đã có được “mặc cả thực sự” làm cho thoả thuận có giá trị hơn, nhưng nội dung của những nhượng bộ này vẫn chưa được công bố một cách chính thức.

Tuy nhiên, theo giải thích của Chính phủ Canada, một số nội dung trong hiệp định liên quan đến quyền của người lao động và các vấn đề môi trường đã được “nâng cấp” so với trước. Ngoài ra, Canada cũng đã nhận được những đảm bảo cần thiết cho những vấn đề liên quan đến các lợi ích đặc thù. Ví dụ như về lĩnh vực văn hoá, Canada được hưởng quyền miễn trừ cạnh tranh.

Thủ tướng Justin Trudeau tự tin đã tìm kiếm được nhiều điều khoản có lợi cho Ottawa trong CPTPP. (Nguồn: The Forward)

Về lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Canada cũng giành được nhượng bộ cho ngành dược phẩm, thế mạnh của nước này, đồng thời mở rộng diện bảo vệ bản quyền vượt ra ngoài các tiêu chuẩn quốc tế hiện nay. Theo chuyên gia kỹ thuật số Michael Geist, đây sẽ là điều rất đáng khích lệ. 

Những người thắng lợi nhất có lẽ là các nhà sản xuất nông nghiệp của Canada, đặc biệt là trên lĩnh vực thịt bò và ngũ cốc, vì sẽ được tiếp cận toàn diện với thị trường Nhật Bản béo bở. Trong khi đó, nông dân chăn nuôi bò sữa thì lại đang mang tâm trạng đầy lo lắng vì sẽ phải chịu thêm nhiều cạnh tranh ngay tại thị trường Canada. Tuy nhiên, đây là những đánh đổi không thể tránh khỏi trong bất kỳ một thoả thuận thương mại toàn diện nào. 

Nhưng lo lắng nhất có lẽ là ngành công nghiệp ô tô. Các tập đoàn sản xuất ô tô lớn ở Bắc Mỹ và các nhà sản xuất phụ tùng ôtô đã lập tức lên tiếng phản đối việc áp dụng hạn ngạch tỷ lệ nội địa hoá thấp hơn so với quy định trong NAFTA hiện nay. Họ lo ngại rằng các công ty ô tô của Nhật Bản sẽ sử dụng các linh kiện hay phụ tùng giá rẻ ở châu Á để giành lợi thế cạnh tranh, đặt ngành công nghiệp ô tô của Canada vào thế bất lợi so với đối thủ ở các thị trường có mức lương lao động thấp. 

Vì thế, những miễn trừ và điều khoản mới mà Canada có được trong CPTPP có thực sự mang lại lợi ích hay chỉ là “chất làm màu” cho chính phủ trong chiến lược tái đàm phán NAFTA vẫn là câu hỏi để ngỏ cho đến khi mọi nội dung chi tiết được công khai. Từ giờ đến lúc đó, không ai có thể đưa ra phân tích chi phí - lợi ích toàn diện và dám chắc rằng Canada sẽ chiến thắng hay thua cuộc. 

Mặc dù vậy, trước mắt, bên thắng cuộc vẫn là Chính phủ Trudeau với ưu tiên lớn nhất là bảo vệ mọi lợi ích của Canada trong NAFTA. Đối với Canada, đây rõ ràng là một cuộc chơi thương mại lớn. 

Nguồn baoquocte (theo Canada Press)