Trong 5 năm qua hoạt động của Chương trình Khuyến công chủ yếu tập trung vào các nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin, tổ chức tư vấn, đào tạo nghề và hỗ trợ các doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Sở Công thương, trong 5 năm qua hoạt động của Chương trình Khuyến công chủ yếu tập trung vào các nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin, tổ chức tư vấn, đào tạo nghề và hỗ trợ các doanh nghiệp.
Kết quả qua 5 năm thực hiện Chương trình Khuyến công, toàn tỉnh đã có hơn 1.000 lao động nông thôn được đào tạo ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như đan đát mây tre, đan đát lục bình. Chương trình cũng tổ chức cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia 6 đợt hội chợ triển lãm trong nước; hỗ trợ 3 mô hình trình diễn kỹ thuật tại doanh nghiệp; tổ chức 1 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp công nghiệp nông thôn cho các cơ sở sản xuất; kiểm tra sát hạch tay nghề cho gần 400 công nhân kỹ thuật ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, chương trình còn phối hợp với Quỹ Đầu tư Phát triển Tây Ninh hỗ trợ vốn ưu đãi cho 7 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn để đầu tư phát triển sản xuất… Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình Khuyến công trong thời gian qua còn nhiều hạn chế như: ngành nghề khuyến công quá ít; đối tượng thụ hưởng chưa nhiều và đặc biệt là nguồn kinh phí đầu tư cho Chương trình Khuyến công còn rất hạn chế.
Trang bị thêm thiết bị sản xuất phân vi sinh từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình Khuyến công |
Rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chương trình Khuyến công trong 5 năm qua, năm 2010 Sở Công thương xây dựng Chương trình Khuyến công giai đoạn 2010- 2012, được UBND tỉnh phê duyệt với tổng kinh phí trong 3 năm lên đến gần 27,5 tỷ đồng. Trong đó nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh đầu tư khuyến công gần 11 tỷ đồng, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ là gần 10 tỷ đồng và huy động các nguồn khác là 6,5 tỷ đồng. Theo phân kỳ triển khai thì năm 2010 giải ngân gần 1,3 tỷ- trong đó có hơn 780 triệu đồng từ ngân sách địa phương, 200 triệu đồng từ Chương trình Khuyến công quốc gia và 300 triệu đồng từ các nguồn khác. Đồng thời trong năm 2011, tổng kinh phí khuyến công ở Tây Ninh dự kiến sẽ giải ngân đến hơn 9 tỷ đồng- trong đó có 3,2 tỷ đồng từ Chương trình Khuyến công quốc gia, hơn 3,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và gần 3 tỷ đồng từ các nguồn khác. Theo phân kỳ giải ngân như vậy thì năm 2011 là năm có tổng kinh phí đầu tư cho Chương trình Khuyến công cao nhất từ trước đến nay. Thế nhưng khi triển khai Chương trình Khuyến công thực tế thì phát sinh một số khó khăn.
Theo cán bộ phụ trách thực hiện Chương trình Khuyến công thuộc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tây Ninh thì trong năm 2010 nguồn kinh phí khuyến công từ ngân sách địa phương dự kiến giải ngân là hơn 780 triệu đồng, nhưng đến nay… chưa giải ngân được đồng nào. Nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương trong tỉnh đăng ký nhiều dự án, nhưng hầu hết là thiếu điều kiện để chương trình đầu tư theo quy định. Khi tham mưu dự trù kinh phí Chương trình trong năm 2010, Trung tâm dựa vào những dự án ở các huyện đăng ký để lập kế hoạch. Thế nhưng khi triển khai, khảo sát cụ thể lại thì phát hiện có rất nhiều dự án không thể giải ngân được do thiếu điều kiện- trong đó hầu hết là do không đáp ứng được điều kiện “công nghệ mới”.
Trong hơn 2 tháng đầu năm 2011, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tây Ninh đã đăng ký và hoàn tất hồ sơ gửi Chương trình Khuyến công quốc gia hỗ trợ kinh phí đầu tư 550 triệu đồng cho 5 dự án. Thế nhưng tiến độ triển khai phần kinh phí khuyến công từ ngân sách địa phương vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Từ đầu năm 2011, để có thể giải ngân nguồn vốn khuyến công địa phương, Trung tâm cử cán bộ đến từng huyện, thị để phổ biến, hướng dẫn cách chọn và lập dự án hội đủ các điều kiện. Thế nhưng việc giải ngân vẫn chưa thực hiện được do Quy chế quản lý Quỹ Khuyến công từ nguồn ngân sách địa phương chưa được ban hành. Hiện nay, do chưa có quy chế nên chưa có “kim chỉ nam” để triển khai thực hiện việc giải ngân.
Sơn Trần