Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 1.000 trẻ sơ sinh thì sẽ có 1,5 đến 3 trẻ điếc bẩm sinh. Nhóm trẻ có nguy cơ cao về khiếm thính là đẻ thiếu tháng, suy thai, trẻ sinh cân nặng nhỏ dưới 2,5kg, trẻ sinh quá ngày…
Còn thống kê các bệnh viện phụ sản tại Việt Nam cũng cho thấy, cứ từ 25 đến 50 trẻ trong nhóm nguy cơ cao thì có 1 trẻ bị điếc. Nếu không được can thiệp y học sớm, trẻ sẽ bị điếc, câm vĩnh viễn và sống cuộc đời khuyết tật trong hình thù lành lặn.
Theo các chuyên gia y tế, cấy điện cực ốc tai là phương pháp phẫu thuật hiện đại đưa toàn bộ các chuỗi điện cực vào trong ốc tai với mức độ an toàn vô trùng tuyệt đối.
Mỗi ca phẫu thuật sẽ mất khoảng từ 1,5 đến 2 giờ đồng hồ. Sau 2 tuần phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được tiến hành bật máy và gắn với bộ phận bên ngoài kết nối bằng nam châm qua da đầu.
Với chiếc điện cực ốc tai này bệnh nhân nghe được âm thanh từ mọi dải tần số khác nhau. Sau đó, qua quá trình huấn luyện, họ sẽ nghe, nói gần như người bình thường.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để kỹ thuật cấy điện cực ốc tai hiệu quả thì bệnh nhân phải được cấy trước 5 tuổi, vì sau 5 tuổi thì hiệu quả sẽ không được như mong muốn.
Nhằm cung cấp các thông tin bổ ích về khiếm thính và các giải pháp hiện đại hỗ trợ tăng cường sức nghe, Hội Tai Mũi Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam phối hợp với Hội Thính Học TPHCM tổ chức buổi đàm luận chuyên đề "Ốc tai điện tử - Giải pháp hỗ trợ cho trẻ khiếm thính” với sự tham vấn của các chuyên gia Tai - Thính học và trị liệu ngôn ngữ của Bệnh viện Quốc gia Singapore vào lúc 8 giờ 30 đến 11 giờ 30 ngày 21 - 7 tại Trung tâm Truyền thông & Giáo dục sức khỏe (59, Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Mở cửa tự do.
Nguồn SGGPO