Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cử tri quan tâm về an toàn đường bờ kênh
Thứ hai: 01:05 ngày 23/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để cử tri có thêm nhiều thông tin liên quan đến nội dung kiến nghị, Báo Tây Ninh đã có buổi trao đổi với đại diện các công ty quản lý kênh và chính quyền địa phương có tuyến kênh trọng yếu đi qua.

Một đoạn bờ kênh Tây đang xuống cấp do có nhiều xe tải nặng lưu thông (khoảng giữa cầu K21 và cầu Máng kênh Tây).

Thời gian qua, các công ty quản lý công trình thuỷ lợi và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác phối hợp, xử lý những trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang bảo vệ kênh, chạy xe quá tải trọng trên bờ kênh. Đây cũng là vấn đề mà cử tri thường xuyên phản ánh, kiến nghị chấn chỉnh dứt điểm nhằm bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến kênh có kết hợp làm đường giao thông, bảo vệ công trình thuỷ lợi.

Để cử tri có thêm nhiều thông tin liên quan đến nội dung kiến nghị, Báo Tây Ninh đã có buổi trao đổi với đại diện các công ty quản lý kênh và chính quyền địa phương có tuyến kênh trọng yếu đi qua.

KINH PHÍ SỬA CHỮA BỜ KÊNH KHÔNG NHỎ

Theo ông Trần Quang Hùng- Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà (Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà) cho biết: thời gian qua, Công ty đã thực hiện cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình, biển báo giới hạn tải trọng trên bờ kênh... Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng xe tải trọng lớn chạy trên bờ kênh gây sụp lún, không bảo đảm an toàn công trình thuỷ lợi và an toàn giao thông nông thôn.

Với thực trạng như vậy, hằng năm, Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà phải thường xuyên bảo trì, nâng cấp các tuyến kênh với kinh phí lên đến khoảng 20 tỷ đồng. Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ công trình, nhất là tình trạng xe quá tải trọng chạy trên đường bờ kênh.

Mặt cầu Máng bị xuống cấp.

Về việc người dân xây cất nhà tạm, vật kiến trúc, trồng cây trên phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi, khai thác nước không đúng quy định, vừa qua, Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà đã phối hợp với chính quyền địa phương nơi có tuyến kênh Đông, kênh Đức Hoà đi qua địa bàn thị xã Trảng Bàng để vận động người dân bàn giao mặt bằng trong phạm vi bảo vệ kênh; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ các quy định liên quan đến công trình thuỷ lợi.

Một công trình nhà ở xây cất  lấn chiếm lưu không kênh (ảnh chụp tại đầu kênh TN11, phường Ninh Sơn, TP.Tây Ninh)

Đối với hệ thống kênh chính Tây, hiện nay, Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đầu tư kinh phí để lắp đặt các barie giới hạn tải trọng, hàng rào bảo đảm an toàn giao thông tại một số đoạn qua khu dân cư. Kênh này đã được Bộ NN&PTNT đầu tư cơ bản đồng bộ, Công ty sẽ tiếp tục đưa hạng mục còn lại vào dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để nâng cấp, kiên cố hoá toàn bộ tuyến kênh Tây nhằm phục vụ tốt cho người dân.

Riêng mặt cầu Máng kênh chính Tây (khu vực giáp ranh giữa huyện Tân Biên và thành phố Tây Ninh) đang bị xuống cấp, Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm phối hợp, đầu tư theo hướng tách hệ thống giao thông ra khỏi cầu Máng để bảo đảm an toàn công trình phục vụ cấp nước.

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỐI HỢP

Ông Trần Đăng Danh- Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh (Công ty Thuỷ lợi Tây Ninh) cho hay, hệ thống kênh tưới mà Công ty đang quản lý có 10 tuyến kênh đã được trải sỏi đỏ. Trong đó, 3 tuyến kết hợp làm đường giao thông, 7 tuyến còn lại chưa đưa vào mạng lưới quy hoạch giao thông nông thôn.

Do các tuyến kênh trên có đoạn thông với trục đường giao thông, gần khu dân cư nên phát sinh tình trạng xe cơ giới vận chuyển hàng hoá, vật tư, nông sản lưu thông trên bờ kênh, dẫn đến việc nhiều đoạn kênh bị lún, sụp, “ổ gà”, “ổ voi”, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Trước tình hình đó, Công ty thuỷ lợi Tây Ninh đã cắm biển báo giới hạn tải trọng trên bờ kênh, báo cáo Sở NN&PTNT, các ban, ngành địa phương, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) trình UBND tỉnh xem xét cấp kinh phí để sửa chữa, nâng cấp 3 tuyến kênh nêu trên.

Về vấn đề người dân vi phạm xâm lấn các tuyến kênh trên địa bàn toàn tỉnh, tổng số hộ vi phạm bị xử lý (theo Kế hoạch số 509 ngày 5.3.2019 của Sở NN&PTNT) là 767 hộ. Trong đó, 579 hộ lấn chiếm phạm vi lưu không kênh, 188 hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp đến chân kênh. Đến nay, Công ty Thuỷ lợi Tây Ninh đã xử lý 240/579 hộ vi phạm lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi, đạt 41,45%.

Khi phát hiện các trường hợp lấn chiếm hành lang bảo vệ kênh, Công ty Thuỷ lợi Tây Ninh lập biên bản vi phạm, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý. Tuy nhiên, do Công ty không có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, để xử lý triệt để vấn đề này thì cần phải thực hiện tốt công tác phối hợp. Công ty Thuỷ lợi Tây Ninh kiến nghị UBND các huyện chỉ đạo UBND các xã phối hợp với công ty, xí nghiệp thuỷ lợi và trạm trực thuộc tăng cường lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt. Ngoài ra, cần bổ sung 7 tuyến kênh đã trải sỏi đỏ trên vào quy hoạch kết hợp làm đường giao thông nông thôn để có kinh phí đầu tư nâng cấp, giao cho địa phương và Sở GTVT quản lý.

Đối với 3 tuyến kênh đã đưa vào quy hoạch, Công ty Thuỷ lợi Tây Ninh đề nghị bàn giao cho Sở GTVT quản lý, để có kế hoạch nâng cấp, duy tu sửa chữa. Trước mắt, Công ty Thuỷ lợi Tây Ninh cần có thêm nguồn kinh phí để khắc phục những đoạn bờ kênh xung yếu đang bị xuống cấp.

Công trình hàng rào của một hộ dân xây cất lấn chiếm phạm vi bảo vệ kênh N20-16 (phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng).

CẦN SỰ QUAN TÂM, CHỈ ĐẠO CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

Ông Trần Minh Tâm- Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, trên địa bàn có tổng số 240 tuyến kênh, trong đó, Trung ương quản lý 2 tuyến, tỉnh quản lý 92 tuyến, thị xã Trảng Bàng quản lý 146 tuyến kênh. Tổng chiều dài của 146 tuyến kênh do Thị xã quản lý là 75,3km, trong đó đã bê tông hoá 70km, phục vụ tưới cho khoảng 20.000 ha. Trong 146 tuyến kênh, có 4 tuyến kết hợp làm đường giao thông nội đồng với chiều dài khoảng 20km, đã trải nhựa 1,28km, còn lại 18,6km là sỏi đỏ.

Các tuyến kênh kết hợp làm đường giao thông nông thôn đã tạo được điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hoá, hàng nông sản của bà con nông dân. Một số tuyến kênh- nhất là các tuyến trọng điểm như kênh Đông, kênh Đức Hoà có tình trạng xe tải trọng lớn chạy trên bờ kênh, nguy cơ làm cho bờ kênh nhanh xuống cấp, xuất hiện “ổ gà”, “ổ voi” tại một số đoạn, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Đối với việc phát sinh các hư hỏng nhỏ trên bờ kênh, UBND thị xã Trảng Bàng chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với Xí nghiệp thuỷ lợi Trảng Bàng thường xuyên kiểm tra, xử lý các hư hỏng nhỏ thuộc thẩm quyền.

Một số đoạn bờ kênh bị hư hỏng nhiều đa phần thuộc kênh Đông, kênh Đức Hoà, là hai tuyến kênh thuộc thẩm quyền quản lý của cấp trên. Vừa qua, UBND thị xã Trảng Bàng phối hợp với Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà xử lý một số tồn tại liên quan, nhằm bảo đảm an toàn giao thông và vận hành khai thác công trình thuỷ lợi.

Riêng việc người dân xây cất nhà tạm, vật kiến trúc, trồng cây trên phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi, hằng năm, UBND Thị xã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với xí nghiệp thuỷ lợi, xã, phường liên quan thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền (kể cả trên phương tiện truyền thanh) cho người dân biết việc này là vi phạm pháp luật.

Trong năm 2019, UBND thị xã Trảng Bàng đã chỉ đạo rà soát lại tất cả các tuyến kênh, qua thống kê, có 107 trường hợp vi phạm phạm vi lưu không kênh. Từ đó đến nay, Trảng Bàng đã xử lý được 23 trường hợp, thời gian tới, UBND Thị xã sẽ tiếp tục chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể, phân loại từng trường hợp vi phạm để có giải pháp xử lý trong thời gian sớm nhất.

Huyện Tân Biên cũng là địa bàn có nhiều tuyến kênh trọng yếu đi qua. Trao đổi với phóng viên Báo Tây Ninh về vấn đề đang đề cập, ông Nguyễn Ngọc Trỗi- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên cho biết, trên địa bàn huyện có 12 tuyến kênh chính kết hợp làm đường giao thông, do hai đơn vị quản lý là Xí nghiệp thuỷ lợi Tân Biên (7 tuyến) và Xí nghiệp thuỷ lợi Tân Châu (5 tuyến). Việc kết hợp các bờ kênh làm đường giao thông trong những năm qua đã tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, phục vụ vận chuyển vật tư, nông sản, hàng hoá.

Mặt bờ kênh thường xuyên được duy tu, sửa chữa để bảo đảm giao thông. Việc này, ngoài nguồn vốn duy tu của Công ty Thuỷ lợi Tây Ninh, các xã cũng vận động sự đóng góp của nhân dân trực tiếp hưởng lợi giao thông trên kênh. Các tuyến kênh trên địa bàn được đơn vị chức năng phối hợp với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, đối với tuyến kênh tưới N8-2 thuộc địa bàn xã Thạnh Bình, mặt đường bờ kênh sỏi đỏ có đoạn một số cọc tiêu bị gãy, do xe máy cày chở hàng hoá nông sản chạy lấn tuyến, tránh nhau sát bờ kênh làm sụp gãy mái kênh.

Ngoài ra, tại địa bàn xã Trà Vong có cầu Máng kết nối hai xã Trà Vong (huyện Tân Biên) và Tân Bình (thành phố Tây Ninh), cầu được xây dựng từ khoảng năm 1986, hiện nay mặt cầu đã xuống cấp, không bảo đảm an toàn công trình cầu, kênh và phương tiện tham gia giao thông.

Tháng 11.2021, các sở, ngành tỉnh và UBND huyện đã khảo sát, nhận định việc xây cầu mới hoặc nâng cấp cầu Máng là cần thiết để đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá nông sản của người dân. UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ NN&PTNT bố trí kinh phí thực hiện.

Trong thời gian cầu chưa được nâng cấp, sửa chữa, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Tân Biên chỉ đạo Công an huyện, UBND xã Trà Vong phối hợp Xí nghiệp thuỷ lợi Tân Biên tuyên truyền cho nhân dân biết, lắp đặt barie ngăn xe trọng tải lớn, biển báo nguy hiểm, tăng cường kiểm tra bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện qua cầu.

Ông Trỗi còn cho hay, nguồn kinh phí để nâng cấp, sửa chữa kênh từ ngân sách còn hạn chế, việc vận động nhân dân đóng góp gặp khó khăn, công tác sửa chữa chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến việc tưới tiêu phục vụ sản xuất và đi lại của người dân. Để kéo dài tuổi thọ của công trình kênh mương phục vụ sản xuất, đi lại, lưu thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương,

UBND huyện Tân Biên tiếp tục chỉ đạo các xã, phối hợp với các ngành và công ty quản lý kênh thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ hệ thống công trình thuỷ lợi, duy tu sửa chữa mặt bờ kênh.

Quốc Sơn

Tin cùng chuyên mục