Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cử tri Tây Ninh kiến nghị bổ sung sửa đổi Luật Đất đai
Ngọc Diêu – Tâm Phạm
Xem các bài viết của tác giả
Thứ sáu: 08:44 ngày 09/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Các nội dung cử tri kiến nghị, Bộ TN&MT sẽ nghiên cứu, xem xét để bổ sung quy định cho phù hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cử tri Tây Ninh có kiến nghị Quốc hội một số nội dung khi sửa đổi Luật Đất đai cần xem xét lại quy định tại khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai năm 2013; điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư số 33/20177TT-BTNMT ngày 29.9.2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6.1.2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai thì cán bộ, công chức là những người được hưởng lương thường xuyên nên không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng quyền sử dụng đất cho đất trồng lúa. Điều này chưa phù hợp, ảnh hưởng đến quyền lợi của cán bộ, công chức. Kiến nghị nghiên cứu trình Quốc hội khi sửa đổi Luật Đất đai cần xem xét lại quy định này.

Về nội dung này, Bộ TN&MT trả lời, thực hiện Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, Bộ TN&MT được giao chủ trì xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XV trên cơ sở bám sát, thể chế hoá nội dung tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Hội nghị Trung ương 5 (khoá XIII) về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đối với các nội dung cử tri kiến nghị, Bộ TN&MT sẽ nghiên cứu, xem xét để bổ sung quy định cho phù hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cử tri Tây Ninh cũng kiến nghị Bộ TN&MT cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Bộ theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Lý do, một số công ty tại Tây Ninh khi làm thủ tục phải ra Hà Nội, mất rất nhiều thời gian và chi phí đi lại, có khi 1 năm mới hoàn thành các thủ tục, gây khó khăn cho doanh nghiệp, trong khi những doanh nghiệp cần phát triển nhanh.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, thời hạn thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được quy định tại khoản 6 Điều 34 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Theo đó, thời hạn thẩm định báo cáo ĐTM được tính từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cụ thể là không quá 45 ngày đối với dự án đầu tư nhóm I, quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường; thứ hai là không quá 30 ngày đối với dự án đầu tư nhóm II quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường. Trong thời hạn thẩm định nêu trên, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ dự án đầu tư về kết quả thẩm định.

Về thời gian xem xét, ra quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM đã được quy định tại khoản 9 Điều 34 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Theo đó, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo ĐTM đã được chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu (nếu có) của cơ quan thẩm định, người đứng đầu cơ quan thẩm định có trách nhiệm ra quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM. Trường hợp không phê duyệt thì phải trả lời bằng văn bản cho Chủ dự án đầu tư và nêu rõ lý do.

Như vậy, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định thời hạn thẩm định báo cáo ĐTM tối đa của cơ quan thẩm định là 45 ngày và thời hạn xem xét, ra quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM là 20 ngày (báo cáo ĐTM đã được chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu của cơ quan thẩm định). Do đó, thời gian hoàn thiện, chất lượng của báo cáo ĐTM hoàn toàn phụ thuộc tiến độ triển khai của chủ dự án đầu tư.

Ngọc Diêu – Tâm Phạm

Báo Tây Ninh
Tin liên quan