Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cử tri Thái Lan đi bầu cử theo hiến pháp mới
Thứ hai: 12:17 ngày 25/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Từ 8 giờ sáng 24-3, hơn 50 triệu cử tri Thái Lan bắt đầu đi bỏ phiếu để chọn ra nhà lãnh đạo mới của nước này. Đây cũng là cuộc bầu cử đầu tiên theo hiến pháp mới năm 2017 và đánh dấu bước quá độ thiết lập lại một chính phủ dân bầu. 92.320 điểm bỏ phiếu trên toàn đất nước Thái Lan đã được mở.

Một điểm bỏ phiếu tại thủ đô Bangkok.

Quân đội vẫn có nhiều ảnh hưởng

Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi Quốc vương Bhumibol Adulyadej băng hà ngày 13-10-2016 và chính phủ thành lập sau bầu cử sẽ được sự phê chuẩn của Nhà vua Maha Vajiralongkorn, người cũng sẽ chính thức đăng quang vào tháng 5 tới.

Tổng cộng có 81 chính đảng tham gia tranh cử và hàng ngàn ứng cử viên tranh cử để đại diện cho 350 khu vực bầu cử. Ngoài ra, 150 thành viên khác của hạ viện sẽ được bầu từ danh sách các đảng tham gia theo hệ thống được gọi là đại diện theo tỷ lệ. Theo luật bầu cử mới, cuộc tổng tuyển cử lần này sẽ áp dụng “Hệ thống bầu cử hỗn hợp”.

Bên cạnh việc bầu hạ nghị sỹ theo khu vực tranh cử, tổng cộng tất cả các lá phiếu cử tri đi bầu hợp lệ sẽ được chia đều cho 500 ghế để ra con số cử tri trung bình cho mỗi ghế. Dựa vào đây, các lá phiếu bầu cho mỗi đảng trên khắp cả nước sẽ được cộng dồn chia cho tỷ lệ trên để ra số ghế mà mỗi đảng có thể có. Từ đó, sẽ chọn ra hạ nghị sỹ theo danh sách đảng đã đăng ký từ trước.

Khác với cuộc bầu cử trước đó, khi lãnh đạo đảng hoặc liên minh đảng thắng cử sẽ nghiễm nhiên trở thành Thủ tướng, thì nay, Thủ tướng lại do 750 thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ bỏ phiếu bầu trong một cuộc họp chung khi quốc hội mới nhóm họp. Đáng chú ý, quân đội sẽ vẫn có mức ảnh hưởng cao đối với bất kỳ chính phủ nào lên cầm quyền sau bầu cử.

Hội đồng Quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) có quyền lựa chọn và bổ nhiệm 250 thượng nghị sĩ mà lá phiếu của họ có thể quyết định ai là Thủ tướng tương lai. Điều khoản này có nghĩa là đảng Palang Pacharat của Thủ tướng Prayut Chan-ocha và các đồng minh chỉ giành được 126 ghế tại hạ viện là có thể thành lập chính phủ, trong khi đảng Pheu Thai và các đảng khác sẽ cần tới 376 ghế.

Khó có triển vọng cho chính phủ liên minh

Các ứng cử viên hàng đầu gồm bà Sudarat Keyuraphan từ đảng Pheu Thai, tỷ phú 40 tuổi Thanathorn Juangroongruangkit từ đảng Tương lai mới và cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva từ đảng Dân chủ. Đặc biệt, tham gia chạy đua vào ghế Thủ tướng lần này có Thủ tướng đương nhiệm, Đại tướng Prayut Chan-ocha, người đã lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân sự hồi năm 2014.

Ông Prayut Chan-ocha là ứng cử viên của đảng Palang Pacharat, một đảng mới ra đời nhưng lại có sự góp mặt của rất nhiều cựu tướng lĩnh và sỹ quan quân đội. Tỷ phú Juangroongruangkit cũng có tiềm năng nhưng lại đang đối mặt với cáo buộc vi phạm Đạo luật về mạng với một bài phát biểu chỉ trích chính quyền trên Facebook. Các công tố viên cho biết họ sẽ quyết định có truy tố ông này hay không sau bầu cử.

Hai  đảng không đứng về phe thân cựu Thủ tướng Thaksin hay thân lực lượng quân sự là đảng Dân chủ và đảng Bhutja Charai của ông Anutin Charnvirakul (đứng thứ ba trong cuộc bầu cử năm 2011). Tuy nhiên, 2 đảng này có thể sẽ phải lựa chọn đứng về một phía để thành lập chính phủ. Theo nhận định của các nhà phân tích, cho dù liên minh nào được thành lập thì chính phủ của liên minh đó cũng khó cầm quyền được lâu.

Theo kết quả sơ bộ do Ủy ban bầu cử Thái Lan công bố vào tối 24-3, với 89% số phiếu được kiểm, đảng ủng hộ quân đội Thái Lan Palang Pracharat giành được 7 triệu phiếu bầu, tiếp theo là đảng Pheu Thai được 6,6 triệu phiếu bầu, đảng Tương lai mới (Future Forward) giành được gần 4,8 triệu phiếu bầu. Tỷ lệ đi bầu là 80%. Chủ tịch đảng Dân chủ Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã tuyên bố từ chức do thất bại nặng của đảng này.

Nguồn SGGPO

Tin cùng chuyên mục